Gánh nặng bệnh tật, môi trường và kinh tế từ thuốc lá
Mỗi năm, hơn 104.000 người Việt Nam tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó có 85.500 ca do hút thuốc chủ động và 18.800 ca do hút thuốc thụ động (theo số liệu cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO năm 2021). Những con số này tương đương với một đại dịch âm thầm nhưng kéo dài, gây ra thiệt hại không thể đảo ngược đối với sức khỏe cộng đồng, chất lượng dân số và năng suất lao động.
Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, việc sử dụng thuốc lá còn đẩy nền kinh tế vào tình trạng “chảy máu” tài chính. Theo Hội Kinh tế Y tế Việt Nam (VHEA), năm 2022, tổng chi phí khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng, chiếm 1,14% GDP. Con số này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại cho ngân sách quốc gia.

Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96%, trong khi đó không hút thuốc lá là 3,2%. Ảnh: Internet.
Đáng lo ngại hơn, tác động của thuốc lá không dừng lại ở sức khỏe con người. Theo WHO, khoảng 5% diện tích rừng toàn cầu bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ sấy. Mỗi năm, cần tới 18 tỷ cây xanh để phục vụ quá trình sấy thuốc lá. Mỗi tấn thuốc lá sản xuất ra để lại lượng khổng lồ chất thải độc hại ra môi trường, bao gồm từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và hàng trăm triệu kilogram mẩu thuốc lá chứa hóa chất.
Tại Việt Nam, dù đã có những bước tiến nhất định trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc - từ 22,5% năm 2015 xuống còn 20,8% năm 2021 trong nhóm người trên 15 tuổi - nhưng con số này vẫn còn cao, đặc biệt ở nam giới (giảm từ 45,3% còn 41,1%). Trong khi đó, thuốc lá vẫn đang được bán với giá rẻ chưa từng có: chỉ từ 7.000-8.000 đồng/bao 20 điếu, dễ dàng tiếp cận với người có thu nhập thấp và cả trẻ em, thanh thiếu niên.
Một khi giá thuốc rẻ, hệ quả tất yếu là thuốc lá phổ biến trong đời sống, bất chấp những chiến dịch truyền thông, cảnh báo sức khỏe hay quy định cấm hút tại nơi công cộng. Mọi cố gắng truyền thông sẽ trở nên vô hiệu nếu thiếu một giải pháp mạnh mẽ và bền vững hơn: tăng thuế.
Giải pháp “3 thắng” cho y tế, cho ngân sách, và tương lai
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được áp dụng như một biện pháp kinh tế để điều tiết tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành đang tỏ ra lạc hậu và thiếu hiệu quả. Trong hơn một thập kỷ (2008-2019), chúng ta chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế thuốc lá, mỗi lần tăng 5%, và lần gần nhất đã cách đây 6 năm. Hiện tại, thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá ở Việt Nam chỉ tính trên giá xuất xưởng, ở mức 75%, tương đương khoảng 36% trên giá bán lẻ - quá thấp so với khuyến nghị của WHO là 75% giá bán lẻ.
Kết quả là gì? Thuốc lá tại Việt Nam rẻ gần nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, đứng thứ 15/19 nước về giá rẻ. Giá thấp không chỉ vô hiệu hóa nỗ lực giảm cầu mà còn biến thuốc lá thành sản phẩm “dễ nghiện - khó bỏ” đối với hàng triệu người dân, đặc biệt là người nghèo và thanh thiếu niên.
WHO và các tổ chức y tế toàn cầu đều khẳng định: tăng thuế thuốc lá là biện pháp đơn giản, hiệu quả và khả thi nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Một mức thuế cao sẽ làm giá thuốc lá tăng lên đáng kể, từ đó đẩy lùi nhu cầu tiêu thụ, nhất là trong nhóm người thu nhập thấp và nhóm mới hút thử.

Tăng thuế thuốc lá là biện pháp đơn giản, hiệu quả và khả thi nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Ảnh: Internet.
Tăng thuế thuốc lá không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng mà còn giúp tăng thu ngân sách. Nếu Việt Nam áp dụng mức thuế theo khuyến nghị WHO, ngân sách quốc gia có thể tăng hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm - nguồn lực cần thiết cho các chương trình y tế, giáo dục và phát triển bền vững.
Theo ThS. Dương Tú Anh (Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá), tăng thuế thuốc lá cũng đồng nghĩa với giảm chi tiêu của các hộ gia đình vào sản phẩm có hại này, giúp người dân có thêm tiền cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, học hành, bảo hiểm y tế… Trong dài hạn, việc giảm tiêu dùng thuốc lá sẽ giảm áp lực lên hệ thống y tế, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng dân số.
Không chỉ là lợi ích sức khỏe, tăng thuế thuốc lá còn góp phần giảm nghèo. Những người nghèo hút thuốc thường dành một phần không nhỏ thu nhập cho thuốc lá - một thứ không tạo ra giá trị kinh tế, lại khiến họ dễ mắc bệnh, giảm khả năng lao động và chi phí y tế tăng cao. “Khi thuế tăng, mức chi tiêu cho thuốc lá giảm, nguồn tài chính cá nhân có thể được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu và đầu tư phát triển nhân lực”, bà Tú Anh cho biết.
Tăng thuế thuốc lá chính là tăng tuổi thọ dân tộc, tăng chất lượng phát triển đất nước. Thuế thuốc lá cần được nhìn nhận như một công cụ chiến lược trong phát triển bền vững, một chính sách “3 thắng”: cho y tế, cho ngân sách, và tương lai.