| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường hộ đê, bảo đảm an toàn hồ chứa

Thứ Ba 13/08/2019 , 08:35 (GMT+7)

Người Thái Nguyên thường nói: “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở” - ý nói mảnh đất Thái Nguyên được ưu đãi đặc biệt về khí hậu, thời tiết và hứng chịu rất ít thiên tai.

13-39-43_1
Thực hiện kiểm tra an toàn công trình thủy lợi tại Thái Nguyên

Tuy vậy, trước những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, đặc biệt những ảnh hưởng khó lường của biến đổi khí hậu thì công tác phòng chống thiên tai lại thường xuyên được coi trọng.
 

Chú trọng công tác hộ đê

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận những sự cố thiên tai chủ yếu xảy ra là giông lốc gây thiên hại về hoa màu và công trình của người dân. Tuy nhiên, với 7 đợt thiên tai, đã làm 7 người bị thương và gây thiệt hại về tài sản khoảng trên 67 tỷ đồng.

Thái Nguyên có 2 lưu vực sông chính là sông Cầu và sông Công chảy qua 3 loại địa hình gồm miền núi, đồi cao và đồng bằng. Thực tế đó, đòi hỏi công tác hộ đê và an toàn cho các hồ chứa được đặt lên vị trí trọng điểm.

Trên địa bàn Thái Nguyên hiện có 7 tuyến đê, được phân cấp từ cấp IV đến cấp III, với tổng chiều dài 48,2km. Trên các tuyến đê có 26 kè hộ bờ; 24 cống qua đê; 12 điếm canh đê; 3 hạt quản lý và 14 điểm kho, bãi, vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão.

Các tuyến đê này có nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho khoảng 27 vạn dân của 42 phường, xã; công trình hạ tầng cơ sở như trường học, bệnh viện, điện lực, viễn thông, hệ thống đường giao thông; các khu công nghiệp.

Có mặt tại tuyến đê Hà Châu đoạn từ km5+750 đến Km6+200, chúng tôi nhận thấy khu vực này được đắp bằng thủ công nên thân đê yếu, mặt cắt đê nhỏ. Ông Nguyễn Văn Quang (Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hà Châu) cho biết, tại vị trí này, sông uốn cong, khi lũ lên xấp xỉ báo động cấp 1, dòng chảy thúc vào bờ sông cách chân đê khoảng 10-15m sẽ có nguy cơ làm lở bờ sông trực tiếp, uy hiếp đến an toàn của đê.

Ông Nguyễn Văn Hưng (Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Thái Nguyên) cho biết, đó chỉ là 1 trong 9 vị trí trọng điểm, xung yếu ở các tuyến đê của Thái Nguyên.

Được biết, theo đánh giá hiện trạng công trình trước lũ của các cấp, ngành chức năng năm 2019, trên các tuyến đê của Thái Nguyên còn có các vị trí trọng điểm, xung yếu khác như kè xóm Soi; tuyến đê Chã; tuyến đê chỉnh trang thành phố...

Ngoài ra, còn có các khu vực, vị trí xung yếu tại cống số 6 đê Chã và cống số 8 đê Tả Công đều chưa qua thử thách; kè Xuân Vinh; tuyến đê Tả Công, sạt lở kè Soi Quýt tuyến đê Hà Châu; tổ mối thân đê tại tuyến đê Gang Thép, sạt lở bờ sông tại tuyến đê Hà Châu...

Nhằm đảm bảo cho các tuyến đê, Sở NN-PTNT đã tham mưu với tỉnh xây dựng phương án cụ thể cho từng vị trí trọng điểm, xung yếu. Theo đó, nguồn nhân lực, vật lực đã được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Đơn cử với vị trí trọng điểm cấp tỉnh trên Sông Cầu đoạn từ Km5+750 đến Km6+200, trong tình huống xấu nhất là sạt lở bờ sông Cầu do mực nước sông lên cao, dòng chảy xiết thúc thẳng vào bờ đoạn sông cong làm cho bờ sông sạt lở thì lực lượng công an xã Tiên Phong và TX Phổ Yên sẽ phân luồng giao thông, cắm biển cấm các phương tiện giao thông đi trên đê khu vực xảy ra sự cố. Lực lượng chức năng sẽ sử dụng máy móc, nhân công xử lý vị trí bị sạt lở.

13-39-43_2
Thực hiện kiểm tra an toàn công trình thủy lợi tại Thái Nguyên.

Trong đó, máy móc được huy động là máy xúc đứng trên xà lan hoặc thuyền đưa đá xuống vị trí xử lý, còn nhân công để chuyển đá và buộc rọ.

Ông Ngô Văn Ban (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên) cho biết, hiện tại, vật tư dự trữ để ứng cứu hộ đê, kè đã được tập kết trong các kho vật tư dự trữ thuộc Chi cục Thuỷ lợi và trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Tổng số vật tư được chuẩn bị gồm 3.620m3 đá hộc, trên 80.000 cái bao tải, trên 1.000 rọ thép cùng số lượng lớn bạt chống sóng, áo phao, cuốc, xẻng, phao cứu sinh... sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.

Hay như với tình huống có thể xảy ra là sự cố sạt lở mái kè Xuân Vinh, đê Tả Công, đoạn từ Km4+550 đến Km4+850, lực lượng chức năng cũng đã xây dựng phương án xử lý theo hướng không để nước mưa chảy vào các vết nứt của kè bằng cách đắp 2 gờ đất cao dọc theo hai bên mép vết nứt; khi trời mưa lấy rơm, rạ, bạt phủ lên vết nứt cho nước chảy ra hai bên gờ đất. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi các diễn biến tại khu vực này. Khi vết nứt phát triển nhanh cả về chiều rộng, chiều dài thì sẽ xử lý ngay bằng cách thả rồng hộ chân và bạt mái xoải…
 

Bảo đảm an toàn hồ chứa

Trong báo cáo mới đây của tỉnh Thái Nguyên với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, với tổng số 251 hồ chứa nước lớn nhỏ, Thái Nguyên là địa phương có số lượng hồ chứa đứng thứ 5 của miền Bắc và đứng thứ 9 trên cả nước. Trong đó, có 40 hồ chứa lớn được giao cho Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý, vận hành. Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư thủy lợi và công nhân có trình độ chuyên môn cao, 40 hồ chứa lớn được quản lý tốt, đảm bảo an toàn hồ đập, khai thác đạt hiệu quả cao các tiềm năng về thủy lợi, thủy sản, thủy điện, du lịch.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện nay có 13 hồ chứa nước lớn và vừa, 2 đập dâng do cấp tỉnh quản lý đang bị thấm, trong đó có 9 hồ và 2 đập dâng đang được đầu tư sửa chữa, khắc phục.

Thái Nguyên có 211 hồ chứa nhỏ được phân giao cho địa phương quản lý. Do không có đủ đội ngũ cán bộ chuyên môn nên công tác quản lý còn lỏng lẻo. Mặt khác, khi phân cấp, các địa phương còn lúng túng, chưa biết tìm, tạo nguồn để duy tu, bảo dưỡng. Do đó, các hồ chưa nhỏ không phát huy hết công năng, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt quan tâm và lo lắng về công tác an toàn đối với hệ thống hồ chứa nhỏ được giao cho địa phương quản lý. Phần lớn các sự cố xảy ra trong thời gian gần đây chủ yếu là đối với các hồ chứa nhỏ.

13-39-43_3
Với tổng số 251 hồ chứa nước lớn nhỏ, Thái Nguyên là địa phương có số lượng hồ chứa đứng thứ 5 của miền Bắc và đứng thứ 9 trên cả nước.

Theo đó, các hồ chứa nhỏ chủ yếu là đập đất, được xây dựng từ lâu. Vì địa phương không tìm và tạo nguồn để duy tu, sửa chữa nên đều đã xuống cấp. Trong khi đó, chủ thể quản lý lại không rõ ràng thì trách nhiệm sẽ hạn chế.

Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp Thái Nguyên rà soát toàn bộ 211 hồ chứa nhỏ trên địa bàn. Xác định rõ xem đơn vị, tập thể, cá nhân nào quản lý, năng lực vận hành như thế nào. Qua đó, thực hiện quy hoạch, phân giao nhiệm vụ, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn đối với hệ thống các hồ chứa nhỏ nói trên.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.