| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nông hộ vượt qua Covid-19:

Nuôi cá lồng vẫn lãi khá

Thứ Hai 20/04/2020 , 09:22 (GMT+7)

Dù đang trong dịch Covid-19, các loại cá đặc sản như chép giòn, trắm cỏ, lăng chấm, diêu hồng nuôi lồng bè trên sông ở xã Thái Tân vẫn vững giá và cho lãi khá.

 

Phải qua gần chục chốt kiểm soát dịch Covid -19, và cũng phải ngần ấy lần dừng lại đo thân nhiệt tôi mới đến được xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương.

Khung cảnh nơi đây thật là sạch sẽ, rác thải được thu gom kịp thời, lùm cây, cỏ dại cũng được phát quang, thế nhưng làng quê hiện tại lại khá vắng vẻ, đường sá ít người đi lại, hàng quán không khách vãng lai, gần như nhà nào ở yên trong nhà đó.

Có thể ví, bình thường ở đây náo nhiệt bao nhiêu, thì những ngày chống dịch này ngược lại bấy nhiêu. Biết là lãnh đạo địa phương đang phải bận rộn rất nhiều công việc, tôi liền rẽ thẳng ra khu nuôi cá lồng bè trên sông Thái Bình qua địa phận Thái Tân.

Hộ đầu tiên mà tôi tiếp cận được là anh Hoàng Đình Khiêm ở thôn Mạc Bình - Thái Tân. Chỉ có một mình chăm nom 30 lồng cá trên sông, nhưng anh Khiêm cũng sẵn sàng một lọ nước sát khuẩn tay khô và không rời khẩu trang đeo mặt.

Anh Khiêm cho biết: Từ ngày 1/4 đến nay đã giãn bớt lao động thuê mượn, nên việc gì cũng đến tay, bận tối ngày không có thời gian mở mắt, may mà vừa xuất được mươi tấn cá lăng và chép giòn, chứ còn nguyên đến giờ này cũng đành bó tay chấm com. Được cái giá cá vẫn ổn định, lợi nhuận thu được khá, nên có cố gắng chút nữa cũng đỡ thấy cực.

Đoán tôi còn bán tin bán nghi, vì các trang trại cá trong đồng đang thua lỗ chỏng vó, anh Khiêm liền giải thích: Nuôi cá trên sông không mất tiền điện, máy bơm vét vệ sinh đáy ao hàng năm, thay mới nước định kỳ và chạy các thiết bị tăng hàm lượng ô xy trong nước, giảm được ba khoản đầu tư này đã hạ được chừng 5% giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, cá nuôi trên sông mau lớn, ít bị nhiễm dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chất lượng thịt ngon, thơm, ít tanh, giá bán cũng luôn cao hơn các loại thủy sản nước ngọt cùng loại khác. Những ưu thế vừa nêu giúp tăng thêm 5% lợi nhuận nữa. Kết dư từ hai nguồn nói trên đã “bỏ ống” được 10% doanh thu. Hộ nào chăn nuôi khéo, tận dụng tốt phụ phẩm sản xuất nông nghiệp làm thức ăn cho cá, thì còn được lãi cao hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Tuân được coi là cự phách nuôi cá lồng ở xã Thái Tân. Không chỉ có số lượng lồng nuôi lớn (50 cái), sản lượng thu hoạch khủng (gần 100 tấn cá các loại/năm), mà bề dày kinh nghiệm nuôi cá trên sông của ông Tuân cũng thuộc hàng đẳng cấp trong khu vực. Nhờ vậy năm nào ông Tuân cũng để dư ra được 1,2-1,5 tỷ đồng.

 

Theo ông Tuân, nuôi cá lồng trên sông có nhiều lợi thế, dễ đạt lợi nhuận cao là hoàn toàn chính xác, nhưng chỉ những người thật sự tâm huyết, dám nghĩ dám làm, mới có thể mở nghề nuôi thủy sản trên sông được, bởi nguồn vốn bỏ ra cho chăn nuôi rất lớn và không phải là không có rủi ro.

Như gia đình anh Khiêm, chỉ riêng làm lồng bè đã ngốn hết ngót 1,5 tỷ đồng, tiền mua con giống mỗi năm khoảng 2,5 tỷ đồng nữa, chưa kể tiền mua cám cho cá ăn hàng ngày. Thả một lúc 4-5 tỷ đồng xuống sông, hơn một năm sau mới có thu hoạch, ai mà chẳng lo lắng, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

Chẳng hạn thời tiết đang nắng nóng chuyển sang mưa, bão; đang quang mây khô lạnh chuyển ấm ẩm âm u; rồi thức ăn không may bị ẩm mốc; nước sông đột nhiên biến màu (ô nhiễm)...

Tất cả các hiện tượng như vậy đều làm cho cá nuôi bị sốc, bỏ ăn, sinh bệnh hoặc chết. Đòi hỏi người chủ lồng bè phải luôn căng mình theo dõi, phòng ngừa kịp thời các loại dịch hại cá từ xa, sơ xuất tí là mất luôn cả vốn, làm mấy năm lãi cũng không kéo lại được.

“Để nuôi cá trên sông thành công, nhà nông cần chọn vị trí neo đặt lồng bè thích hợp, tránh nơi nguồn nguồn nước dễ bị ô nhiễm; thường xuyên treo túi vôi hoặc túi thuốc tại vị trí cho cá ăn, bổ sung vitamin và một số khoáng chất vào thức ăn hàng ngày, để cá tăng sức đề kháng, giảm stress; có thể giảm hoặc dừng cho cá ăn khi thời tiết thay đổi; nên chăn nuôi các thủy đặc sản như chép giòn, diêu hồng, lăng chấm, trắm cỏ, con giống cũng nên chọn nuôi cá nhỡ, trọng lượng 0,2-0,3kg/1 con trở lên”, ông Tuân khuyến cáo.

Ông Đinh Ngọc Dậu - Chủ tịch UBND xã Thái Tân thông tin cho hay: Trên địa bàn sở tại có hơn 200 lồng cá nuôi sông, sản lượng cho thu hoạch hàng năm ước đạt 300 tấn, hầu hết là các loại cá đặc sản, trong đó lượng cá chép giòn đạt từ 70-100 tấn/năm.

Để thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển bền vững, xã sẽ tăng cường công tác quản lý các hộ trong việc chấp hành các qui định của nhà nước về nuôi cá lồng bè an toàn trên sông.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Nghệ An ì ạch gỡ nút thắt ERPA: Vướng cơ chế hay do năng lực?

Quá trình thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) tại Nghệ An khá ì ạch, đây là nội dung do Quỹ bảo vệ phát triển rừng làm đầu tàu.

Bình luận mới nhất