![]() |
Khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy (TP.HCM) |
Theo BS. CKII Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, theo thống kê cách đây 4 tháng, cả nước hiện có khoảng 22.000 bệnh nhân đang phải lọc máu, phía Nam có 10.345 bệnh nhân, riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi ngày có 400 bệnh nhân lọc máu định kỳ, trong đó 80% là bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành. Tuy nhiên, hầu như ngày nào cũng có khoảng 40-60 ca cấp cứu.
Chạy thận nhân tạo tốn tiền không?
Một thanh niên dìu cụ bà chậm chạp từng bước lại ngồi xuống ghế. Cậu thanh niên giúp bà thay quần áo. Mang bộ đồ người bệnh bỏ vào thùng đựng của khoa đặt trong góc hành lang, nghe xong một cuộc điện thoại, cậu quay lại vui vẻ hối bà cụ: “Xe đang tới gần cửa rồi, má con mình đi ra là vừa”.
Bà cụ cau có lắc đầu: “Chờ chút má khỏe rồi kiếm cách ra bến xe, đi xe đò được rồi, giàu có chi mà bao xe hơi, tiền đâu chịu nổi”. Cậu con năn nỉ: “Thôi, ráng đi với con lần này nữa, lần sau con để các anh đưa má, lúc đó má muốn đi xe gì cũng được”.
Bà cụ than thở: “Cho tao chết sớm đi kéo dài chi cho tốn kém cực khổ dữ vầy”. Người con trai nghẹn ngào: “Má, ráng nghe con một lần nữa, còn sống được bao năm mà cứ tiếc tiền, có mang theo được đâu mà không tiêu, má vì con đi má…”.
![]() |
Người con trai năn nỉ mẹ đi xe taxi về Phan Thiết |
Nghe hai mẹ con nói qua lại một lúc, mới hay, cứ cách ngày một lần các con thay phiên đưa bà từ Phan Thiết vô BV Chợ Rẫy chạy thận nhân tạo, tiền chạy thận chỉ mất 130.000 đồng nhưng tiền xe taxi hết từ 1,7-2 triệu đồng/chuyến, đi về hết 4 triệu đồng. Chưa kể, để kịp giờ chạy thận buổi sáng, họ phải đi từ 11 giờ đêm trước. Tôi nhẩm tính, chỉ riêng tiền xe một tuần đã hết 12 triệu đồng.
Đoán tôi người ở Sài Gòn, chị trung niên ngồi gần giải thích: “Người bệnh ở tại thành phố chỉ tốn tiền chạy than thôi chứ như tui, đưa má chồng từ Tiền Giang lên đây chạy thận, mỗi ngày mất 800.000 tiền xe đi về. Một tuần hết 2,4 triệu đồng. Những người nhà xa, tiết kiệm tiền xe thì họ thuê nhà quanh bệnh viện, 1,8 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể ăn uống".
Cô gái từ phòng thay đồ bước ra, nối tiếp câu chuyện: “Em ở Bình Dương, một lần xuống chạy thận cũng hết 250.000 đồng. Nhưng lúc mới mắc bệnh, nặng quá, không tự đi xe buýt được, riêng tiền xe tháng đầu tiên đi lọc thận hết 28 triệu đồng”. Tôi ngạc nhiên hỏi “Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cũng có khoa chạy thận nhân tạo, sao chạy xuống đây chi cho tốn kém?”.
Cô gái cười lắc đầu: “Bệnh nhân chạy thận ở đó một thời gian chuyển sang viêm gan hết chị ơi”. Tôi ngạc nhiên gang hỏi: “Ai nói?”. Cô gái khẳng định: “Các bệnh nhân điều trị trước bị nhiều lắm, họ nói lại cho bệnh nhân mới biết. Ai có điều kiện thì ráng chạy xuống Sài Gòn mà trị”.
Trường kỳ chạy thận
BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết, tính đến nay, toàn miền Nam có 1.762 máy lọc thận nhân tạo. Hầu hết các bệnh viện của các tỉnh phía Nam khi lập khoa chạy thận nhân tạo đều do đội ngũ của BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật theo Quyết định 1816 (Đề án của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn bệnh viện tuyến trên luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh).
![]() |
BS Tuấn giới thiệu hệ thống rửa dây và máy lọc |
Từ BV Đa khoa Khánh Hòa, Bình Thuận, An Phước, Biên Hòa, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ… thậm chí cả các bệnh viện đa khoa cấp huyện. Nguyên tắc để bệnh viện có thể đặt và chạy máy chạy thận là phải có tối thiểu 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng được tập huấn và được cấp chứng chỉ.
Đơn vị đó phải có hệ thống máy chạy thận nhân tạo, hệ thống xử lý nước được cơ quan kiểm định chất lượng xác nhận đạt tiêu chuẩn. Sau khi ráp máy chạy, lấy dịch đi kiểm tra, xét nghiệm các chỉ số HCO3, pH, vi sinh cấy nước âm tính… mới cho phép hoạt động. Và trên hết, phải có đội ngũ hồi sức cấp cứu giỏi bởi chạy lọc thận luôn có nhiều biến chứng xảy ra.
Để điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân mỗi ngày, các phòng ốc của khoa Chạy thận nhân tạo của BV Chợ Rẫy khá chật hẹp nhưng ngăn nắp. Bệnh nhân cũng như người nhà theo vào chăm, đều phải thay trang phục của bệnh viện, phải bọc giày bằng bảo hộ riêng của BV để tránh mang vi khuẩn vào khoa.
Theo chân BS Tuấn vào phòng rửa dây và máy lọc, ông ngoắc tay bảo tôi: “Cô vào giám sát phải để ý, các máy rửa dây và máy lọc chúng tôi cũng phân rõ, cái của người bệnh bình thường (âm tính) và máy rửa dụng cụ của những bệnh nhân có thêm bệnh viêm gan siêu vi. Các phòng máy chạy thận cũng phải tách riêng bệnh nhân viêm gan siêu vi. Bởi sức đề kháng người suy thận rất kém, để họ nằm lọc thận gần nhau, rất dễ lây nhiễm bệnh.
![]() |
Các bệnh nhân đang nằm lọc máu chạy thận nhân tạo |
BS Tuấn cho biết thêm: “Theo quy định của Bộ Y tế thì dây và máy lọc được phép tái sử dụng 6 lần sau khi rửa sạch. Tuy nhiên, riêng tại Chợ Rẫy, với dây chúng tôi xài một lần bỏ, khó khăn là 5 lần sau bệnh nhân phải đóng tiền mà không được thanh toán BHYT, tuy nhiên, đó cũng là đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.
Những người bệnh nằm trên giường, một số người nhận ra tôi, kẻ lảng vảng suốt sáng với tư cách chờ người thân đang chạy thận, giờ được bác sĩ giới thiệu phóng viên, người mệt mỏi lim dim, người ráng tươi tỉnh cùng người thân nhìn tôi cười mỉm. Mỗi ngày, từ xa đến bệnh viện tuyến trên, tiền điều trị thì ít, tiền xe cộ đi lại, công chăm bẵm thì nhiều, cố gắng giành giật sự sống, vì mình và vì người thân. Mỗi tháng, kể cả đã được BHYT chi trả, tiền còn lại phải chi điều trị cũng là khoản không nhỏ với người bệnh và thân nhân...
"Ngoại trừ những bệnh nhân đái tháo đường dễ biến chứng nhiều cơ quan chức năng khác khiến đời sống ngắn hơn, còn lại 50% bệnh nhân tại đây đã và đang chạy thận từ 10-20 năm. Bệnh nhân chạy thận lâu nhất là 30 năm", BS Nguyễn Minh Tuấn. |