Làm nghề bằng cái tâm, hết mình vì người bệnh
Hơn ba thập kỷ gắn bó với nghề y, bác sĩ Hà Hữu Tùng không chỉ để lại dấu ấn bằng những ca bệnh thành công mà còn bằng những trăn trở không nguôi về y đức, về sự phát triển bền vững của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, nơi ông dành trọn tâm huyết của mình.
Trong dòng chảy hối hả của thời cuộc, bác sĩ Tùng vẫn luôn đau đáu làm sao để bệnh viện giữ được truyền thống bản sắc nhân văn, làm sao để người bệnh, cho dù có là ai, cũng sẽ được chăm sóc với sự tận tâm và công bằng. Với ông, bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh mà còn là nơi gìn giữ niềm tin và sự sống cho mỗi con người. Và với nghề y, đó không chỉ là công việc mà là hành trình cả đời ông không cho phép mình dừng lại.

Tập thể y bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam ngày 27/2/2025. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Bác sĩ Hà Hữu Tùng đến với nghề y không phải bằng những giấc mơ màu hồng mà bằng nỗi thấu cảm tận sâu trong tim. Là con của một giảng viên Đại học Nông nghiệp I, từ bé, ông đã chứng kiến bao nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân khi ốm đau mà không có điều kiện chữa bệnh.
Bệnh viện khi ấy cách xa hàng chục cây số, phương tiện khó khăn, bác sĩ hiếm hoi, nhiều người bệnh đành phó mặc cho số phận. Giữa hai lựa chọn thầy thuốc và thầy giáo, ông chọn con đường có thể cứu người, giúp đời và gieo hy vọng vào những mảnh đời lam lũ.
“Tôi chọn nghề y vì ở những vùng quê nghèo, nhiều người chết chỉ vì không kịp đến bệnh viện”, ông từng nói giản dị như thế. Điều khiến ông giữ vững ngọn lửa nghề một phần đến từ những vị thầy thuốc lẫy lừng đã gieo vào tâm hồn ông niềm tin và sự kính trọng sâu sắc.
Từ thời thơ bé cho đến khi lớn lên, ông ngày càng khâm phục những người thầy đã đi qua chiến tranh, đói nghèo mà vẫn giữ được y đức rạng ngời như GS. Hồ Đắc Di, GS. Nguyễn Trinh Cơ, GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng… Những câu chuyện về họ không chỉ là bài học y khoa mà là bài học làm người.
“Các thầy vượt qua thời cuộc, vượt qua cả cái chết để cứu người, giữ nghề, giữ đạo. Những điều đó khiến tôi luôn tự hỏi rằng mình đã làm đủ chưa?”, ông kể, mắt ánh lên niềm xúc động khó che giấu.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng đến với nghề y từ trăn trở về nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân khi ốm đau mà không có điều kiện chữa bệnh. Ảnh: Bảo Thắng.
Chính từ lòng ngưỡng mộ ấy, ông bước chân vào Đại học Y Hà Nội, học đa khoa và chọn theo chuyên ngành Nhi. Tốt nghiệp năm 1989, đúng thời điểm đất nước vừa trải qua những năm tháng bao cấp gian khó, bác sĩ trẻ Hà Hữu Tùng cầm tấm bằng loại giỏi nhưng không có sẵn biên chế, phải tự đi tìm nơi làm việc. Cơ duyên đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, khi ấy chỉ là một cơ sở y tế nhỏ, thiếu thốn trăm bề, thậm chí còn chưa có tên tuổi trên bản đồ ngành y.
Cầm trên tay tháng lương đầu tiên vỏn vẹn 27.500 đồng, chàng bác sĩ trẻ Hà Hữu Tùng hiểu rằng, những năm tháng miệt mài đèn sách đã không hề uổng phí. Nhưng điều lớn lao hơn đồng tiền, chính là việc được sống đúng với lý tưởng, làm nghề bằng cái tâm, hết mình vì người bệnh, đặt y đức lên trên tất cả.
Hồi đó, lãnh đạo bệnh viện xem hồ sơ rồi ngạc nhiên: “Sao hồ sơ của cậu đẹp thế này mà lại đến đây xin việc, sao không vào những bệnh viện lớn hơn?” Cậu sinh viên mới ra trường chỉ cười, đáp lại: “Thời buổi khó khăn, cháu chỉ cần có công ăn việc làm là tốt rồi ạ.” Nụ cười ấy đã khởi đầu cho một mối cơ duyên dài hơn 30 năm, đưa ông từ một bác sĩ trẻ thành người chèo lái con thuyền bệnh viện đi qua bao sóng gió.
Không phải ai cũng chọn ở lại nơi nghèo khó, nhưng ông đã đưa ra lựa chọn không chỉ để làm việc mà để dựng xây, không chỉ để chữa bệnh mà để tạo dựng một mái nhà chung cho những người làm nghề y và những người tìm đến để níu giữ sự sống.
Về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bác sĩ Hà Hữu Tùng sớm nhận ra một điều. Đó là nếu chỉ khám chữa bệnh đơn lẻ, mỗi ngày ông cũng chỉ giúp được một vài bệnh nhân nhưng sẽ vẫn còn rất nhiều người ngoài kia đang cần được cứu chữa.
Từ trăn trở đó, ông bắt đầu đi tìm một hướng đi rộng hơn, một cách tiếp cận để giúp ích cho nhiều người hơn nữa. Cơ duyên đến khi ông biết đến chương trình cao học khóa I về y tế công cộng tại Trường Cán bộ Quản lý Y tế (nay là Trường Đại học Y tế Công cộng).
Ông quyết định theo học với một suy nghĩ giản dị mà lớn lao. Thay vì chỉ cứu một người mỗi lần, hãy tìm cách để những điều mình làm có thể mang lại lợi ích cho hàng trăm, hàng nghìn người.
Cuộc chiến chống lạm dụng bảo hiểm y tế
Năm 2005, cậu sinh viên mới ra trường Hà Hữu Tùng ngày nào đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Nhớ lại những ngày đầu, vị tân giám đốc đứng trước một thực tế không dễ dàng: bệnh viện nhỏ, bệnh nhân ít, thu nhập gần như không có thêm ngoài đồng lương cố định. Là bệnh viện ngành, không có tuyến trên, tuyến dưới, không có sẵn nguồn bệnh nhân chuyển về như các cơ sở y tế lớn. Mọi thứ bắt đầu gần như từ con số không.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội từ năm 1989, bác sĩ Hà Hữu Tùng bắt đầu hành trình gắn bó cả đời với bệnh viện của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân. Ảnh: Bảo Thắng.
Nhìn quanh, ông tự đặt ra một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn chưa có lời giải: “Muốn có bệnh nhân, phải làm gì?” Và ông tự trả lời bằng một triết lý rất rõ ràng: “Ngành y cũng là ngành cung ứng dịch vụ. Muốn có người sử dụng dịch vụ, phải tạo ra sản phẩm tốt. Với y tế, ‘hàng hóa’ chính là chất lượng khám chữa bệnh, là tri thức, là kỹ năng, là sự tận tâm và uy tín của đội ngũ bác sĩ”.
Từ đó, ông chủ trương bệnh viện phải chủ động đi tìm người bệnh bằng chất lượng điều trị, chứ không ngồi chờ họ đến. Người bệnh không phải khách hàng đơn thuần mà họ là người mang theo niềm tin mong manh vào sự sống. Nếu được chăm sóc tốt, họ sẽ trở thành kênh truyền thông hiệu quả nhất theo cách mà các cụ ngày xưa hay nói: Truyền miệng! Và đúng như ông dự đoán, “tiếng lành đồn xa”, người dân bắt đầu mách nhau tìm đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vì sự uy tín và chất lượng.
Tuy nhiên, thời điểm đó, bên cạnh bài toán bệnh nhân, Giám đốc Hà Hữu Tùng còn phải đối mặt với một vấn đề nan giải hơn. Đó là tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế.

Những nỗ lực của Giám đốc Hà Hữu Tùng đã giúp Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trở thành “lá cờ đầu” trong hệ thống y tế ngành nông nghiệp, luôn giữ vị trí tin cậy trong lòng cán bộ ngành và người dân nông thôn. Ảnh: Phạm Hiếu.
“Phải dừng lại. Phải làm sạch!”, ông xác định rõ. Nhưng để làm được điều đó, phải trả giá. Đụng vào quyền lợi thì không ai vui. Có những nhân viên y tế ban đầu phản đối, không muốn từ bỏ những “lợi ích” cũ. Ông kiên trì giải thích, nếu cứ để bảo hiểm bị lạm dụng, sau cùng người bệnh thật sẽ là người chịu thiệt. Nếu bệnh viện làm đúng, quỹ bảo hiểm được giữ gìn, người bệnh thật sự sẽ được chi trả nhiều hơn, dùng thuốc tốt hơn, được chăm sóc kỹ hơn. Dần dần, mọi người hiểu và đồng hành cùng ông.
Cuộc đấu tranh ấy mất gần 3 năm nhưng khi nhìn lại, bác sĩ Tùng gọi đó là cuộc cách mạng thầm lặng, một bước ngoặt giúp bệnh viện tiến gần hơn tới một mô hình phát triển bền vững, lấy đạo đức và chất lượng làm cốt lõi.
"Đã là thầy thuốc thì không thể quay lưng với nhân dân"
Dẫu biết nghề y vất vả, áp lực và nhiều hy sinh, bác sĩ Hà Hữu Tùng vẫn luôn giữ một niềm tin không đổi dành cho thế hệ trẻ tiếp bước. Trong ánh mắt ông vẫn thường lấp lánh niềm hy vọng khi nói về những bạn trẻ còn đau đáu với ngành, sẵn sàng vượt qua thử thách để cống hiến. “Sẽ có người đắn đo, e dè nhưng cũng có những em rất đam mê, bất chấp gian khó để được mặc chiếc áo blouse trắng”, ông chia sẻ, giọng đầy tin tưởng.

Bác sĩ Tùng luôn trăn trở với việc gìn giữ y đức của thế hệ thầy thuốc trẻ. Ảnh: Bảo Thắng.
Theo ông, giai đoạn dịch Covid-19 như một phép thử nghiệt ngã cho cả ngành y. Khi cả xã hội lo sợ, có người rời bỏ nghề, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vẫn giữ nguyên đội ngũ, vững vàng như một pháo đài.
“Ban giám đốc chúng tôi ở luôn trong viện suốt hai tháng để sống cùng, ăn cùng, trực chiến cùng anh em. Để cho mọi người thấy rằng họ không hề đơn độc”, ông kể. Trong những ngày ấy, dù áp lực dồn dập, dù từng bữa cơm ăn vội bên ngoài hành lang, ông vẫn không một lần nghĩ đến việc rời đi. Bởi với ông, “đã là thầy thuốc thì không thể quay lưng với nhân dân”.
Nhưng để giữ lửa, giữ được cả chữ y và đức trong lớp lớp thế hệ trẻ lại là một câu chuyện khác, một câu chuyện đầy trăn trở. Bởi theo bác sĩ Tùng, nghề có thể dạy, kỹ năng có thể huấn luyện nhưng cái đức thì không ai dạy được nếu bản thân người trẻ không được bồi đắp nền tảng từ gia đình, trường học, xã hội.
Ông thường nói, nếu người trẻ không thấm nhuần đạo lý của một người thầy thuốc, không hiểu nỗi đau của bệnh nhân thì sẽ dễ dàng trở thành những người thầy thuốc vô cảm, thờ ơ với sự sống còn của người khác.

Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước năm 2023. Ảnh: Phạm Hiếu.
Thế nên trong mỗi buổi giao ban, bên cạnh chuyện chuyên môn, bác sĩ Tùng luôn dành thời gian để nói với lớp bác sĩ trẻ những điều giản dị nhưng không thể thiếu về cách ứng xử, về sự đồng cảm, về tình thương.
“Phải kê đơn như thể người thân mình đang bệnh. Phải nghĩ nếu mình nghèo, không có tiền, không có người thân đi cùng thì sẽ mong mỏi điều gì từ bác sĩ?”, ông thường nhắn nhủ.
Với ông, y đức không chỉ nằm trong mũi kim, viên thuốc mà còn trong ánh mắt, nụ cười, trong sự sẻ chia. Người bệnh giàu hay nghèo, cô đơn hay đông đủ, đều xứng đáng được đối xử bằng tất cả sự tôn trọng. Chỉ có như vậy mới mong giữ vững được một nghề y nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn, nghề mà theo ông là “nghề chữa bệnh nhưng cũng là nghề giữ gìn lòng tin của con người”.
Xuất phát điểm từ một bệnh xá nhỏ của ngành nông nghiệp được thành lập năm 1967 trong thời kỳ kháng chiến, qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã trở thành bệnh viện hạng I, có quy mô hiện đại với hàng chục chuyên khoa, trang thiết bị đồng bộ và mạng lưới đào tạo chuyên sâu, được đánh giá là “lá cờ đầu” trong hệ thống y tế ngành nông nghiệp, luôn giữ vị trí tin cậy trong lòng cán bộ ngành và người dân nông thôn.
Bệnh viện đã 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất vào năm 2016 và năm 2023.