Áp lực đồng trang lứa và “cái tôi” tuổi mới lớn
Dù nhà trường áp dụng quy định nghiêm ngặt về cấm hút thuốc, nhiều học sinh vẫn tìm cách “lách luật” để sử dụng thuốc lá ngay trong khuôn viên trường. T.Đ.P (17 tuổi, học sinh THPT tại Phú Thọ) cho biết em và nhóm bạn thường tranh thủ giờ giải lao giữa các tiết để tụ tập hút thuốc ở nhà vệ sinh – nơi không có camera và ít giáo viên qua lại. “Hút ở đây kín, thầy cô không biết. Với lại vào rồi thì toàn mùi thuốc chứ còn ngửi thấy gì nữa đâu,” P. nói.
Giờ nghỉ giữa tiết 2 và tiết 3 được xem là “khung giờ vàng” của hội hút thuốc. Tại nhà vệ sinh rộng chỉ khoảng 25m², từ 5–7 học sinh tụ tập “nhả khói”, khiến khu vực này luôn mù mịt và không thể sử dụng đúng chức năng. Một số em như D.Đ.M cho biết phải nhịn tiểu vì không chịu nổi mùi khói thuốc lẫn mùi chất thải.
Để tiết kiệm chi phí, nhiều học sinh còn truyền tay nhau điếu thuốc hút dở, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp và tiếp xúc. Sau mỗi lần “tụ họp”, sàn nhà vệ sinh thường đầy đầu lọc, tàn thuốc, bật lửa bỏ lại. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh mà còn khiến môi trường học đường thêm ô nhiễm, mất vệ sinh nghiêm trọng.

Nhiều người không ngại chia sẻ những hình ảnh hút thuốc lên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình - PV.
Theo Thạc sĩ Trần Gia Bảo – chuyên gia Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, độ tuổi 13–17 là giai đoạn trẻ có nhu cầu mạnh mẽ khẳng định bản thân, muốn khám phá trải nghiệm mới và đặc biệt nhạy cảm với ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Trong thời điểm này, hành vi hút thuốc thường được các em xem như một cách thể hiện sự trưởng thành, nổi loạn hoặc để tìm kiếm sự chấp nhận từ bạn bè cùng trang lứa.
Khi nằm trong một nhóm bạn có người hút thuốc, trẻ dễ chịu ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa. Mong muốn được “thuộc về nhóm” khiến các em dễ làm theo hành vi chung, nhất là khi người hút thuốc là người có vai trò dẫn dắt hoặc được ngưỡng mộ trong nhóm. Ban đầu, việc hút thuốc có thể chỉ là hành động bắt chước nhất thời, nhưng cảm giác hưng phấn ngắn hạn do nicotine mang lại khiến trẻ nhanh chóng tái lặp hành vi, dần hình thành thói quen và lệ thuộc.
Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, các nền tảng như TikTok, phim ảnh hay hình ảnh người nổi tiếng dễ dàng lan truyền thông điệp sai lệch rằng hút thuốc là biểu hiện của sự “ngầu”, bất cần và cá tính. Thiếu kỹ năng phân tích truyền thông, nhiều em có thể hiểu nhầm rằng đây là một hành vi bình thường, thậm chí hấp dẫn.
Bên cạnh đó, những thay đổi sinh lý và cảm xúc trong giai đoạn dậy thì khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, bức bối hoặc khó kiểm soát cảm xúc. Khi không được trang bị kỹ năng điều tiết lành mạnh, trẻ có xu hướng tìm đến hành vi mang tính gây nghiện như hút thuốc để giải tỏa tạm thời, dù hành vi đó về lâu dài chỉ khiến các vấn đề cảm xúc thêm trầm trọng.
Khi thuốc lá được “bình thường hóa” từ gia đình đến trường học
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy trẻ tiếp cận thuốc lá là sự "bình thường hóa" hành vi hút thuốc trong môi trường sống. Nếu trẻ lớn lên trong gia đình có người hút thuốc mà không được cảnh báo rõ ràng về tác hại, khói thuốc, tiếng bật lửa và hình ảnh hút thuốc dần trở thành một phần quen thuộc trong ký ức hàng ngày. Khi tiếp cận với thuốc lá, trẻ không còn cảm thấy e ngại hay sợ hãi, bởi rào cản tâm lý đã bị xóa nhòa từ sớm.
Không chỉ vậy, việc hít phải khói thuốc thụ động cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Các chất độc trong khói thuốc có thể tác động xấu tới hệ thần kinh, làm giảm khả năng ghi nhớ, học tập, điều tiết hành vi, và gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn như tăng động giảm chú ý.

Trong môi trường học đường, hút thuốc còn mang tính xã hội cao – thường gắn liền với hoạt động tụ tập, chia sẻ và cảm giác “trưởng thành”. Việc hút thuốc khi gặp gỡ bạn bè có thể giúp trẻ cảm thấy được chấp nhận, gắn kết và nổi bật trong nhóm. Điều này dễ hình thành liên kết tâm lý sai lệch rằng hành vi hút thuốc mang lại “lợi ích xã hội”. Khi trẻ tin rằng nhờ hút thuốc mà mình được quan tâm và kết nối, thì việc thay thế hành vi này bằng thói quen lành mạnh khác trở nên khó khăn hơn.
Phụ huynh và giáo viên có thể nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bắt đầu hút thuốc qua những thay đổi trong hành vi như: giảm chú ý học tập, dễ cáu gắt, thay đổi ngoại hình theo bạn bè, mệt mỏi thường xuyên và ít chia sẻ với người lớn. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cần được quan sát và hỗ trợ kịp thời.
Giải pháp bền vững: “cấm” để ngăn chặn – “giáo dục” để thay đổi
Thạc sĩ Trần Gia Bảo nhấn mạnh, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng hút thuốc ở vị thành niên, cần phối hợp hai chiến lược đồng thời: “cấm – hạn chế” và “giáo dục – thay thế”. Trong đó, các quy định pháp lý như giới hạn độ tuổi mua thuốc, cấm quảng cáo, cấm hút thuốc nơi công cộng giúp tạo ra môi trường không thuận lợi cho việc tiếp cận thuốc lá. Tuy nhiên, chỉ các biện pháp mang tính răn đe là chưa đủ.
Giáo dục đóng vai trò then chốt giúp trẻ hiểu rõ tác hại của thuốc lá, phát triển kỹ năng ứng phó cảm xúc và xây dựng lòng tự trọng. Cần hướng dẫn trẻ cách nói “không” với áp lực từ bạn bè, giúp các em nhận ra rằng giá trị bản thân không đến từ việc bắt chước hay nổi loạn mà từ chính lựa chọn có trách nhiệm của mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 90% người hút thuốc trưởng thành bắt đầu trước năm 20 tuổi. Do đó, tuổi vị thành niên chính là “cửa sổ vàng” để can thiệp. Nếu không hành động sớm, hành vi hút thuốc có thể là khởi đầu cho hàng loạt vấn đề kéo dài như nghiện nicotine, trầm cảm, lo âu và rối loạn hành vi.
Bên cạnh các hình phạt, truyền thông và giáo dục cần đổi hướng – làm rõ rằng thuốc lá không phải là dấu hiệu của cá tính, mà là con đường dẫn đến lệ thuộc và tổn thương. Khi trẻ hiểu rằng hút thuốc không khiến mình đặc biệt hay “ngầu” hơn, nhu cầu hòa nhập qua hành vi này sẽ dần mất đi sức hút.