Ngang nhiên “chào hàng”
Mặc dù thuốc lá là mặt hàng nằm trong danh mục bị cấm quảng cáo theo quy định pháp luật, thế nhưng trên không gian mạng, tình trạng rao bán, giới thiệu sản phẩm liên quan đến thuốc lá vẫn diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần nhập từ khóa “thuốc lá” vào thanh tìm kiếm của một số nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay, người dùng dễ dàng tiếp cận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kết quả liên quan.
Đáng chú ý, hoạt động này diễn ra khá có tổ chức thông qua các hội nhóm trực tuyến, trong đó nhiều nhóm thu hút lượng lớn thành viên tham gia – có nhóm lên đến gần 5.000 người. Phần lớn các nhóm này ở chế độ kín, người dùng cần được phê duyệt để tham gia. Sau khi gia nhập, họ có thể tiếp cận hàng loạt bài đăng mới được cập nhật liên tục. Các bài viết chủ yếu có nội dung quảng cáo, rao bán sản phẩm thuốc lá – đặc biệt là thuốc lá ngoại – với lời mời chào hấp dẫn.

"Chợ thuốc lá" online tấp nập bất chấp quy định cấm quảng cáo loại sản phẩm này. Ảnh: Chụp màn hình.
Để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, không ít tài khoản sử dụng tên giả hoặc tài khoản ảo để đăng bài. Thay vì giao dịch trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội, các bài đăng thường đính kèm một hoặc nhiều tài khoản Zalo để liên hệ riêng, tạo thành “cầu nối” kín đáo giữa người bán và người mua. Điều này khiến việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn.
Việc mua bán cũng rất linh hoạt, người bán chào hàng theo bao lẻ hoặc nguyên cây (10 bao), với mức giá dao động từ 300 - 900.000 đồng/cây tùy theo loại sản phẩm. Kèm theo đó là những lời khẳng định chắc nịch như: “Hàng thơm, đảm bảo”. Những cam kết như vậy cho thấy sự liều lĩnh, coi thường pháp luật của một bộ phận cá nhân khi công khai chào bán thuốc lá trên không gian mạng – nơi đáng ra phải được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định.
Quảng cáo thuốc lá trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật
Theo luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát), pháp luật Việt Nam hiện hành nghiêm cấm hoàn toàn việc quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức và trên mọi nền tảng. Cụ thể, Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi 2025) và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 đều quy định rõ: thuốc lá là mặt hàng cấm quảng cáo, khuyến mại hay tiếp thị, trừ một số hoạt động tài trợ nhân đạo đặc biệt và không được phép công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc cấm này nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc, nhất là trong giới trẻ, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi những tác hại do thuốc lá gây ra.
Luật sư An nhấn mạnh, các hành vi đăng bài, quay clip sử dụng, giới thiệu thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử trên các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube… đều có thể bị coi là quảng cáo trái phép. Cá nhân như KOL, TikToker nếu thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt từ 50 đến 70 triệu đồng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, đồng thời buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Trong trường hợp có thương hiệu thuốc lá đứng sau các nội dung quảng bá, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi so với cá nhân – từ 100 đến 140 triệu đồng. Ngoài ra, luật sư An cho biết, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm – như gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng hay tái phạm – các doanh nghiệp có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.

Luật sư An đánh giá mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với những đối tượng thu lợi lớn từ quảng cáo thuốc lá. Ảnh: NVCC.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, ông An thừa nhận việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do vấn đề thẩm quyền pháp lý, truy vết danh tính và tốc độ lan truyền nội dung quá nhanh. Tuy vậy, Việt Nam hiện đã có công cụ pháp lý như Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 53/2022/NĐ-CP và Nghị định 181/2013/NĐ-CP để yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm và buộc các nền tảng tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Về mức xử phạt hiện nay, luật sư An đánh giá chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với những đối tượng thu lợi lớn từ quảng cáo thuốc lá. Ông đề xuất tăng mức phạt, bổ sung các hình thức xử lý bổ sung như tịch thu lợi nhuận, đình chỉ hoạt động, công khai danh tính vi phạm... và đồng thời hoàn thiện khung pháp lý quản lý thuốc lá điện tử – vốn đang là kẽ hở trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay.