Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) vừa phát đi văn bản khẩn cấp tới Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng phát bệnh liên cầu lợn lây từ động vật sang người. Đáng báo động, chỉ trong hai tuần đầu tháng 7/2025, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 3 trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn, tất cả đều có chung tiền sử ăn tiết canh lợn tại xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên. Điều xót xa hơn, hai trường hợp ăn cùng đã tử vong với các biểu hiện sốt và đi ngoài phân lỏng.

Các y bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn ca bệnh 63 tuồi. Ảnh: BVCC.
Trước tình hình cấp bách này, Cục Phòng bệnh đã yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên khẩn trương điều tra, xử lý triệt để ổ dịch, mở rộng giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để kiểm soát dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt là các bệnh tạo điều kiện cho liên cầu lợn bùng phát như dịch tai xanh.
Bộ Y tế cũng đặc biệt khuyến cáo người dân 6 biện pháp phòng bệnh quan trọng: Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín hoặc các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, chỉ mua thịt lợn đã được kiểm dịch; đeo găng tay, khẩu trang, ủng khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn và rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó; không giết mổ, chế biến thịt lợn nếu có vết thương hở. Nếu bắt buộc, cần băng kín vết thương và sát trùng kỹ; Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn ngay sau khi sử dụng.
Cùng với đó, hộ chăn nuôi cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, ủ phân đúng cách để diệt mầm bệnh; khi có biểu hiện sốt cao đột ngột và có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh liên cầu lợn là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Vi khuẩn liên cầu lợn lây truyền chủ yếu từ lợn mắc bệnh sang người, đặc biệt qua việc tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ như tiết canh.
Bệnh thường biểu hiện dưới hai thể chính: viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Thể viêm màng não có thể gây giảm thính lực, thậm chí điếc vĩnh viễn, trong khi thể sốc nhiễm khuẩn gây phát ban xuất huyết, rối loạn đông máu, và nhanh chóng dẫn đến suy đa phủ tạng, với tỷ lệ tử vong từ 5% đến 20%.