| Hotline: 0983.970.780

Rác nhỏ, hại lớn: [Bài 2] Đầu lọc thuốc lá – rác độc chưa được gọi tên

Thứ Tư 16/07/2025 , 10:23 (GMT+7)

Lọc thuốc lá có mặt khắp nơi nhưng thường bị 'bỏ sót' trong hệ thống giám sát và thu gom chất thải vì thiếu mã phân loại và hành lang pháp lý phù hợp.

Rác thuốc lá trộn chung với rác sinh hoạt

Dù chứa nhiều chất độc hại như nicotine, hắc ín và các kim loại nặng, đầu lọc thuốc lá hiện vẫn bị gom chung với rác sinh hoạt tại hầu hết các địa phương. Chúng trộn lẫn với rác hữu cơ, bao bì nhựa, đất cát hoặc các loại rác vụn, rồi được vận chuyển đến bãi chôn lấp mà không qua bước xử lý phân loại hay tiêu độc nào.

Một nguyên nhân chính là đầu lọc thuốc lá chưa có mã phân loại cụ thể trong hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt. Dù Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản dưới luật đã có quy định về chất thải độc hại nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc thu gom, xử lý riêng đầu lọc thuốc lá.

Phần đầu lọc thuốc lá được vứt đi cùng rác sinh hoạt mặc dù đây được coi là 'rác độc'. Ảnh: Minh Toàn.

Phần đầu lọc thuốc lá được vứt đi cùng rác sinh hoạt mặc dù đây được coi là "rác độc". Ảnh: Minh Toàn.

Anh H., nhân viên một quán bi-da tại phường Từ Liêm (Hà Nội), cho hay: "Đầu lọc này vứt đi mà anh, nó có là gì đâu. Quán em thì vứt đi như rác bình thường thôi". 

Ngoài ra, kích thước nhỏ và đặc điểm khó nhận diện khiến công nhân thu gom và người dân dễ coi nhẹ loại rác này. “Đầu lọc thuốc lá lẫn cả vào rác sinh hoạt, bọn cô gom chung rồi đổ hết lên xe. Ai mà đi nhặt nó làm gì. Làm còn chẳng kịp giờ xe chạy, lấy đâu ra lúc mà để ý”, cô T., một nhân viên vệ sinh môi trường tại phường Cầu Giấy, chia sẻ.

Đầu lọc thuốc lá - nguồn thải độ đang bị xem nhẹ 

Lọc thuốc lá xuất hiện từ vỉa hè, kẽ gạch, cống rãnh đến bãi biển nhưng lại vắng bóng trong các báo cáo giám sát rác thải. Theo TS. Đào Thị Hồng Vân – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, nghiên cứu năm 2024 tại Vũng Tàu cho thấy mật độ đầu lọc thuốc lá rất cao tại các khu vực ven biển. Tuy nhiên, chúng không được phân loại hoặc tách riêng trong thống kê, một phần vì quá nhỏ để chú ý, phần khác do hệ thống giám sát ưu tiên rác lớn.

Khoảng trống trong pháp lý càng khiến loại rác này “vô hình”. Các văn bản như Nghị định 38/2015/NĐ-CP hay Luật Bảo vệ Môi trường 2020 chưa đề cập rõ đến đầu lọc thuốc lá. TS. Vân nhận định: “Xã hội đang xem nhẹ mối nguy từ đầu lọc thuốc lá, coi chúng là rác nhỏ, không đáng quan tâm".

Việc quản lý đầu lọc còn gặp rào cản từ thói quen hút thuốc phổ biến và hành vi xả rác bừa bãi. Nhiều địa phương chưa có cơ sở dữ liệu hay phương án thu gom riêng. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã đi trước trong việc xếp lọc thuốc lá vào danh mục chất thải nguy hại và có giải pháp xử lý độc lập.

Đầu lọc thuốc lá nằm la liệt khắp nơi nhưng dường như vẫn đang 'ẩn thân' thành công trước mọi nỗ lực phân loại rác. Ảnh: Minh Toàn.

Đầu lọc thuốc lá nằm la liệt khắp nơi nhưng dường như vẫn đang “ẩn thân” thành công trước mọi nỗ lực phân loại rác. Ảnh: Minh Toàn.

TS. Vân khẳng định: “Luật pháp cần đi trước một bước.” Việt Nam đã ký Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC), tạo nền tảng để quy định đầu lọc thuốc lá là chất thải nguy hại. Khi có luật, nhà nước có thể áp dụng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), buộc doanh nghiệp đóng góp vào công tác thu gom và xử lý. Cùng với đó là truyền thông mạnh mẽ để thay đổi hành vi người dùng.

Thực tế, từ ngày 1/1/2022, thuốc lá đã được xếp vào nhóm 6 sản phẩm bắt buộc đóng góp tài chính để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải theo cơ chế EPR. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể hoặc quy trình tách riêng đầu lọc trong thu gom và xử lý. Điều này đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách để triển khai hiệu quả trên thực tế.

Về pháp lý, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 38/2015/NĐ-CP đều cho phép quản lý chất thải nguy hại – trong đó đầu lọc thuốc lá có thể được phân loại. Tuy nhiên, do thẩm quyền phân loại chất thải thuộc cấp quốc gia hoặc tỉnh, việc triển khai tại địa phương cần sự phối hợp liên ngành. Để quản lý hiệu quả, cần kết hợp luật hóa, trách nhiệm doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng – thay vì tiếp tục  xem nhẹ một loại rác nhỏ nhưng độc.

Xem thêm
Sai lầm dinh dưỡng tạo cơ chế phát sinh tế bào ung thư

Sai lầm dinh dưỡng được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các loại bệnh ung thư trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Sang chấn tâm lý sau bạo hành, làm sao hóa giải?

Sang chấn tâm lý ở những người từng bị bạo hành, luôn có những diễn tiến phức tạp, mà sự tổn thương ảnh hưởng đến cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Đức lang quân nóng lòng có con trai nối dõi

Đức lang quân dù không tôn thờ quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’ nhưng vẫn muốn có con trai nối dõi để khỏi bị thiệt thòi thừa kế gia sản.

Máu nhiễm mỡ và hệ lụy từ lối sống không kiểm soát

Máu nhiễm mỡ diễn ra âm thầm nhưng lại phát sinh nhiều biến chứng khó lường, nếu mỗi người không có ý thức phòng ngừa trong ăn uống và sinh hoạt.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Bình luận mới nhất