Dịch vụ nông nghiệp trọn gói
Đặc thù là tỉnh nông nghiệp nhưng điều kiện sản xuất của người dân Hà Tĩnh gặp khá nhiều khó khăn do “thiên không thời, địa không lợi”, chưa kể tư duy của bà con về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, cơ chế, chính sách của Hà Tĩnh chuyển từ cho “con cá” sang cho “cần câu”, giao các cơ quan chuyên môn cầm tay chỉ việc, khuyến khích bà con tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất và quản lý dịch hại cây trồng, đưa thiết bị bay không người lái thực hiện các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV.

Thiết bị không người lái giúp nông dân sản xuất lúa nhàn hơn. Ảnh: Thanh Nga.
Anh Hoàng Văn Thành (sinh năm 1989), trú xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh học lĩnh vực xây dựng nhưng lại chuyển hướng gắn bó với ngành nông nghiệp. Năm 2015, sau thời gian vào Nam, ra Bắc học tập kinh nghiệm, anh trở về quê vay vốn mua 3 chiếc máy cày, 3 máy gặt cung ứng dịch vụ cho bà con trên địa bàn huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Đến mùa vụ, hầu như ngày nào anh Thành và 5 công nhân cũng phải làm xuyên đêm để đảm bảo lịch sản xuất cho người dân.
Sau dịch vụ máy cày, máy gặt, nhận thấy khâu gieo sạ, chăm sóc, phun thuốc BVTV đang ngốn quá nhiều thời gian, chi phí, ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất, năm 2023, anh Thành đầu tư 300 triệu đồng mua 1 thiết bị bay không người lái để cung ứng dịch vụ sạ, bón phân, phun thuốc BVTV.
“Thực tế sau hơn 2 năm đưa thiết bị không người lái vào sản xuất tôi thấy người dân còn khá bỡ ngỡ với dịch vụ này. Nhất là đối với phun thuốc BVTV, đa phần bà con lo lại về hiệu quả bởi phun bằng thiết bị bay giảm đến 70% lượng nước, 30% lượng thuốc so với phun thủ công”, anh Thành nói.
Theo anh, ở những xã đã tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn như Thạch Xuân, Nam Điền, Thạch Kênh (huyện Thạch Hà), Thạch Bình, Đồng Môn (TP Hà Tĩnh), việc đưa máy bay không người lái vào bón phân, phun thuốc BVTV lại được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Ban đầu chỉ 1 – 2 hộ sử dụng dịch vụ nhưng nay nhiều vùng hàng chục hộ dân cùng đăng ký dịch vụ trên cả cánh đồng.
“Hầu hết bà con thuê phun thuốc trọn gói. Như vụ xuân năm nay tôi phun trừ sâu đục nõn, phun phòng trừ bệnh đạo ôn. Có những ruộng phun thủ công phải 3 lần nhưng phun bằng thiết bị bay chỉ cần 2 lần đã khống chế được bệnh lây lan”, anh Thành cho biết. Đồng thời khẳng định, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh và tiết kiệm 20 - 40% chi phí so với thủ công.

Bình quân mỗi vụ sản xuất anh Hoàng Văn Thành cung ứng dịch vụ gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV cho 700 - 800ha lúa tại huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Vụ xuân năm 2025, bà Nguyễn Thị Huyền, trú xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà gieo cấy 8 sào lúa trên cánh đồng thôn Đông Sơn. Trong vụ, có 3/8 sào xuất hiện vết bệnh đạo ôn lá. Bà đã liên hệ anh Thành thuê dịch vụ phun thuốc phòng trừ. Kết quả sau 2 lần phun (mỗi lần cách nhau 7 ngày) đã khống chế được bệnh lây lan.
Bà Huyền cho biết bắt đầu thuê dịch vụ thiết bị bay không người lái từ vụ hè thu năm 2024. Ban đầu bà có phần nghi ngại song chứng kiến quá trình phun phủ đều diện tích lúa và hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt nên bà tin tưởng tiếp tục thuê làm dịch vụ bón phân và phun trừ cỏ dại, phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2025.
“Trước đây thuê người phun phải dùng lượng thuốc nhiều, phun không đều nên ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Bây giờ phun bằng máy bay khắc phục được hết các nhược điểm trên”, bà Huyền đánh giá.
Khi nhu cầu khách hàng tăng lên, anh Hoàng Văn Thành đầu tư tiếp 600 triệu đồng mua thêm 2 thiết bị bay không người lái. Hiện anh cung ứng dịch vụ sạ lúa, bón phân, phun thuốc BVTV mỗi vụ khoảng 700 – 800ha.
Ứng dụng từ đồng bằng lên vùng núi
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh xác định vùng núi cây chủ lực là cam, bưởi, chè, vùng đồng bằng là cây lúa, rau. Bình quân mỗi năm, tổng diện tích sản xuất lúa giao động khoảng 104.000ha, cây ăn quả có múi hơn 11.600ha và cây chè hơn 1.200ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đang được đẩy mạnh từ đồng bằng lên vùng núi.

Thiết bị bay không người lái được ứng dụng phun thuốc BVTV trên cây ăn quả có múi ở huyện Hương Sơn. Ảnh: Thanh Nga.
Huyện Hương Sơn hiện có diện tích trồng cam khá lớn với 2.200ha cam chanh và cam bù, sản lượng hàng năm từ 20.000 – 21.000 tấn, thu nhập ước tính khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 4.600ha lúa, sản lượng từ 600.000 - 630.000 tấn.
Mặc dù sở hữu diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn nhưng đến nay việc phun thuốc BVTV ở huyện Hương Sơn vẫn thực hiện bằng phương thức thủ công truyền thống. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường, tăng tỷ lệ cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hương Sơn vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Đại Thành (TP Bắc Ninh) đưa vào thử nghiệm thiết bị bay không người lái G300 Pro phục vụ phun thuốc trừ sâu trên cây ăn quả có múi.
Thiết bị bay này có giá 500 triệu đồng, có thể phun thuốc trên mọi địa hình, hỗ trợ nông dân phun nhanh chóng và đồng đều, hạn chế tình trạng sót thuốc, giúp cây trồng phát triển tốt và đạt năng suất cao. Đặc biệt, máy có thể bay để phun thuốc trừ sâu ở những khu vực có độ dốc cao tại các xã như Hàm Trường, Kim Hoa, Sơn Hồng…
Theo tính toán, thiết bị bay có thể phun thuốc nhanh gấp 10 - 20 lần so với phun thuốc bằng thủ công. Đồng thời, tiết kiệm được các chi phí về nhân công, thuốc trừ sâu và nước (mỗi ha cam chỉ tốn 1,2 – 1,5 triệu đồng, khoảng 500 – 700 ngàn đồng/ha lúa).

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vừa giảm chi phí sản xuất, vừa tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Thanh Nga.
Nhiều cây cam, bưởi cao đến 3 – 4m, nếu phun thuốc bằng tay rất khó đồng đều và phủ hết vị trí bị sâu bệnh. Khi sử dụng thiết bị bay không người lái, sẽ khắc phục được các nhược điểm này, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ngộ độc cho người phun do không phải tiếp xúc với thuốc BVTV, giảm hiện tượng chai và phong hóa đất, giảm ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước.
Việc ứng dụng thiết bị không người lái vào gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV trên diện tích đất tích tụ có nhiều tiện ích, song nếu đồng ruộng manh mún sẽ khó khăn trong quá trình vận hành và ảnh hưởng không mong muốn tới các đối tượng cây trồng lân cận khi gặp gió lớn.