| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ giống heo Kiềng Sắt quý hiếm trước dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 28/07/2025 , 08:12 (GMT+7)

Theo Chi cục Thú y vùng IV, cần xét nghiệm sàng lọc từng cá thể heo Kiềng Sắt giống nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch tả lợn Châu Phi phát tán.

Heo Kiềng Sắt là giống heo bản địa đặc hữu được nuôi chủ yếu bởi 3 cộng đồng người dân tộc H’re, Kor, Ca Dong ở các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.

Giống vật nuôi này có đặc điểm ngoại hình nổi bật là lông đen tuyền toàn thân, chân ngắn và nhỏ, thân ngắn và thon, chất lượng thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng ở phân khúc thị trường đặc sản.

Đến nay, đã có 4 cá thể heo Kiềng Sắt tại trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ (xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bị chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: L.K.

Đến nay, đã có 4 cá thể heo Kiềng Sắt tại trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ (xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bị chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: L.K.

Tuy nhiên, việc du nhập các giống heo ngoại năng suất cao, lai tạo giống gây nguy cơ mất nguồn gene giống heo quý hiếm này. Từ thực tế đó, năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi chọn heo Kiềng Sắt cùng là giống cần phải lưu giữ. Sau đó, cơ quan này đã xây dựng trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ tại xã Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) để bảo tồn và tạo nguồn giống .

Từ 30 con heo Kiềng Sắt thuần chủng được chọn lựa ở các hộ chăn nuôi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, đến nay, tổng số lượng đàn tại trại đã lên đến 191 con gồm các loại: heo cái bảo tồn, heo cái hậu bị, heo đực bảo tồn, heo đực hậu bị, heo con theo mẹ và heo nuôi thương phẩm.  

Cũng như các giống heo khác, heo Kiềng Sắt hoàn toàn không có miễn dịch với virus dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó, hiện nay, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, dịch tả lợn Châu Phi đang đe dọa nghiêm trọng đến đàn heo tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, dịch bệnh này đã xuất hiện ở 261 hộ thuộc 261 thôn và 19 xã trên địa bàn khiến 1.855 con bị nhiễm bệnh chết, tiêu hủy.

Ông Nguyễn Vĩnh Linh, Trưởng trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện rất nhiều đợt dịch tả lợn châu Phi nhưng toàn bộ số heo Kiềng Sắt tại trại vẫn an toàn. Thế nhưng, trong đợt dịch lần này, một số heo trong trại đã bị nhiễm bệnh chết.

“Trong 2 ngày 13 và 14/7, thấy một số con heo có biểu hiện bỏ ăn, chúng tôi đã đưa 6 con heo ra khu cách ly đồng thời lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Chẩn đoán và Xét nghiệm Thú y Trung ương II cho thấy mẫu bệnh dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi. Đến thời điểm hiện tại đã có 4 cá thể bị chết”, ông Linh nói.

Heo Kiềng Sắt là giống heo quý hiếm, đặc hữu tại tỉnh Quảng Ngãi nhưng số lượng hiện nay còn rất ít. Ảnh: L.K.

Heo Kiềng Sắt là giống heo quý hiếm, đặc hữu tại tỉnh Quảng Ngãi nhưng số lượng hiện nay còn rất ít. Ảnh: L.K.

Cũng theo ông Linh, sau khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, các cán bộ nhân viên đã duy trì cô lập khu cách ly, xử lý xác chết đúng quy trình phòng chống dịch, sát khuẩn khu chuồng và lối đi hàng ngày. Đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động ra vào trại, bố trí nhân sự theo khu, hạn chế tối đa tiếp xúc chéo. Trại cũng tiến hành ghi nhật ký sức khỏe đàn heo, lưu trữ dữ liệu hiện trạng, phục vụ truy xuất và xử lý dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, để phòng chống hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi, nhất là trong bối cảnh dịch đang có nguy cơ xâm nhập vào đàn heo Kiềng Sắt quý hiếm tại trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ, cần tập trung kiểm soát 3 yếu tố lây nhiễm chính gồm: con người, phương tiện và các đối tượng từ bên ngoài. Nếu cắt đứt được ba yếu tố này thì nguồn lây sẽ cơ bản bị loại trừ.

Về yếu tố con người, Chi cục khuyến cáo cán bộ, nhân viên tại trại nên thực hiện chế độ sinh hoạt tập trung, cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài. Đây là biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ mang mầm bệnh vào trại từ cộng đồng. Đối với phương tiện, tất cả xe ra vào khu vực chăn nuôi phải được kiểm soát nghiêm ngặt tại cổng trại, tiến hành phun khử trùng tiêu độc bắt buộc trước khi di chuyển vào bên trong.

Về tác nhân từ bên ngoài như chuột, côn trùng, hoặc vật mang mầm bệnh khác, cần triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh, rắc vôi bột, sử dụng chế phẩm sinh học để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Việc đảm bảo môi trường sạch sẽ, khô ráo là điều kiện tiên quyết để ngăn dịch lây lan trong chuồng trại.

Đại diện Chi cục Thú y vùng IV kiểm tra khu vực trại nuôi heo Kiềng Sắt bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: L.K.

Đại diện Chi cục Thú y vùng IV kiểm tra khu vực trại nuôi heo Kiềng Sắt bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: L.K.

Ông Phạm Mạnh Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi cho biết, ngoài kiểm soát mầm bệnh, trại cần chú ý vấn đề dinh dưỡng để  tăng sức đề kháng cho đàn heo. Dù giống heo Kiềng Sắt vốn có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, việc bổ sung vitamin, khoáng chất, thức ăn chất lượng và nước uống sạch là rất cần thiết để tăng cường miễn dịch cho vật nuôi.

“Chúng tôi sẽ phân công cán bộ chuyên môn theo dõi sát sao tình hình tại trại, duy trì kết nối thường xuyên để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm giữ gìn đàn heo quý trước nguy cơ dịch bệnh. Làm sao cố gắng giữ được 186 con heo còn lại tại trại hiện nay”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Phan Hữu Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng IV cho rằng, hiện nay tại tỉnh Quảng Ngãi diễn biến dịch tả lợn Châu Phi rất phức tạp. Heo Kiềng Sắt nuôi tại trại nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi nên trong thời gian tới, để kiểm soát tốt dịch bệnh cần phải hạn chế những rủi ro từ bên ngoài cũng như cả bên trong khu vực nuôi.

Đồng thời, các cán bộ, nhân viên trại cần bố trí người thường trực, ăn ngủ tại trại, hạn chế ra vào. Ngoài ra, phải theo dõi, chăm sóc hàng ngày từng ô chuồng, cá thể heo, khi thấy có dấu hiệu bất thường cách ly ngay. Cùng với đó, tiến hành dọn dẹp cỏ dại, rải vôi bột xung quanh khu vực nuôi, lối ra vào nhằm hạn chế các tác động từ những đối tượng bên ngoài như côn trùng, chuột…

“Khi có heo bệnh chết phải xử lý theo đúng quy định. Đây là giống heo bảo tồn, việc tìm kiếm nguồn thuần chủng rất khó, do đó, công tác phòng, chống dịch phải thực hiện nghiêm ngặt. Đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm bắt tình hình chung, bám sát, theo dõi thường xuyên. Đặc biệt, nếu bố trí được kinh phí thì nên xét nghiệm sàng lọc từng cá thể, ô chuồng nuôi heo giống nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, không để rủi ro phát tán”, ông Đức đề nghị.

Xem thêm
Chăn nuôi lợn tuần hoàn, công nghệ cao để an toàn, bền vững

HẢI PHÒNG Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là một điển hình thành công mà còn mở ra hướng đi bền vững, tất yếu cho người chăn nuôi tại Hải Phòng.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Người phụ nữ dân tộc Giáy thu tiền tỷ mỗi năm nhờ sản xuất cá giống

LÀO CAI Từ hai bàn tay trắng, bà Hoàng Thị Chắp ở xã Cốc San đã gây dựng mô hình sản xuất cá giống, trở thành điển hình và lan tỏa nghị lực vươn lên thoát nghèo.

Cần hoàn thiện thông tin về nông hộ để ngành cà phê đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Những lớp học tại vườn và giấc mơ sầu riêng công nghệ cao

TP.HCM Không còn phụ thuộc kinh nghiệm truyền miệng, nông dân Thanh An đang thay đổi tư duy trồng trọt, bắt đầu từ những buổi học giữa vườn sầu riêng.

Mở nghề nuôi cà ra [Bài 1]: Mục tiêu xuất khẩu

Giá thu mua cà ra tại các hộ dân từ 360.000đ/kg đến 420.000đ/kg tùy kích cỡ, trong khi chi phí đầu tư chiếm khoảng 40-45%.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất