| Hotline: 0983.970.780

Nghề làm dép cao su, dây chun

Thứ Ba 19/11/2013 , 10:21 (GMT+7)

Làm dây chun, dép lốp đã trở thành nghề nuôi sống người dân thôn Trạch Khang và Trạch Khê (xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa).

Dọc con đường dẫn vào thôn Trạch Khang và Trạch Khê (xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa), lốp ô tô chất thành từng đống hai bên đường. Đó là hàng phế thải được thu mua về tái chế thành dép cao su, dây chun. Làm dây chun, dép lốp đã trở thành nghề nuôi sống người dân nơi đây.

Đưa nghề về làng

Nghề tái chế lốp xe phế thải thành dép cao su, dây chun bắt đầu ở Quảng Trạch khoảng 10 năm trước, nhưng 3 - 4 năm trở lại đây mới phát triển rầm rộ. Trước đây, nhiều người trong làng đi đồng nát, học được cách tái chế lốp cao su phế thải thành dây chun, dép lốp đem về làm thử. Đến nay trên địa bàn hai thôn đã có 60 hộ gắn bó với nghề này.

Nguyên liệu để làm ra sản phẩm dây chun, dép cao su là những lốp ô tô phế thải được nhập từ Trung Quốc hoặc từ nguồn hàng thanh lí của các công ty. Vì là đồ phế liệu nên nguồn hàng không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời điểm các công ty thanh lí lốp xe phế thải. Thường nguồn nguyên liệu dồi dào vào cuối năm nhưng lại khan hiếm dịp đầu năm.

Những lốp ô tô sau khi mua về phải trải qua các công đoạn bổ lốp, cắt thành sợi, mài nhẵn, ép chín, thâu dây (đối với dép), quấn thành cuộn (đối với dây) mới ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó chỉ có khâu cắt sợi và ép chín là sử dụng máy, còn lại đều làm thủ công nên không tốn nhiều tiền mua máy móc, trang thiết bị.


Anh Ngô Tiến Hoàng, một trong những người tiên phong đưa nghề về làng

Mỗi chiếc lốp ô tô chỉ tách lấy hai bên má để tái chế thành dép cao su và dây chun, phần thân lốp được tận dụng làm hàng phế liệu. Chị Nguyễn Thị Phấn, một hộ làm nghề cho biết: “Đặc điểm của nghề này là có thể tận dụng triệt để nguyên liệu. Hai bên má lốp được xẻ ra làm dép, dây chun. Phần thân lốp và những mẩu dây vụn không vứt đi mà nhập cho cơ sở thu mua phế liệu với giá 2.700 đ/kg.”

Thông thường, nguyên liệu mua vào khoảng 3.000 - 4.000 đ/kg. Sau khi chế biến, sản phẩm bán ra với giá 35.000 đ/kg dây chun, 50.000 đ/đôi dép cao su, thậm chí với những đôi dép gia công công phu hơn có thể bán với mức giá 150.000 - 200.000 đ/đôi.

Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của các địa phương trong tỉnh mà còn theo chân thợ buôn đi khắp các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến TT - Huế. Người dân địa phương cho hay, mặc dù không có một đầu ra nhất định nhưng nguồn hàng tiêu thụ rất nhanh, hiếm khi bị tồn đọng.

Thay da đổi thịt” nhờ lốp xe hỏng

Với đặc điểm vốn ít, không yêu cầu kĩ thuật cao, đầu ra thuận lợi, đem lại thu nhập ổn định nên nghề làm dép lốp, dây chun ngày càng thu hút nhiều hộ tham gia.

Anh Ngô Tiến Hoàng, một trong những người đi đầu đưa nghề về làng tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Anh Hoàng cho biết: “Trước đây tôi cũng đã làm qua nhiều nghề từ buôn chiếu, buôn dây, cá giống…nhưng thu nhập bấp bênh. Từ khi chuyển qua làm dép lốp, dây chun mới ăn nên làm ra như bây giờ.

Trừ chi phí mua máy móc, nguyên liệu và thuê nhân công, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng. Mặc dù làm ăn nhỏ lẻ nhưng từ khi làm nghề tới giờ chưa biết ế hàng là gì”.

Sự phát triển của nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động, và cung cấp nguồn hàng ổn định cho các hộ buôn dây chun, dép cao su tại địa phương. Anh Sơn, một công nhân chuyên làm công đoạn "bổ" lốp cho hay: “Một ngày tôi bổ được khoảng 12 - 15 chiếc lốp, tiền công thu được trung bình 300.000 - 400.000 đ. Với mức thu nhập này ở quê là sống ổn rồi”.

Nghề SX dép cao su và dây chun đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở nơi đây. Nhìn những ngôi nhà tầng khang trang nằm trên những con đường bê tông sạch sẽ có thể thấy diện mạo nông thôn đang thay đổi từng ngày.

Khuyến khích phát triển nghề

Đa số các hộ đều SX tại nhà nên ít nhiều gây ô nhiễm tại khu dân cư và gây cản trở giao thông đi lại. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã Quảng Trạch đã quy hoạch 6 ha đất nông nghiệp, đổ mặt bằng, đường giao thông, kéo đường điện... thành khu làng nghề tập trung, tách rời khu dân cư và vận động người dân di chuyển cơ sở SX ra làng nghề.

Ông Ngô Tiến Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch cho biết: “ Những hộ dân xây dựng cơ sở SX tại khu làng nghề tập trung sẽ được thuê mặt bằng trong vòng 29 năm, trong đó 3 năm đầu không thu thuế, những năm còn lại cho thuê với mức thuế đất nông nghiệp. Ngoài ra, mỗi hộ làm nghề được vay 20 triệu đồng với lãi suất 0,6%”.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn chục hộ di chuyển cơ sở SX ra khu làng nghề tập trung. Theo ông Tuấn, sở dĩ các hộ dân chưa ra hết làng nghề vì nguồn vốn còn eo hẹp, chưa đủ điều kiện để xây dựng cơ sở và mua sắm máy móc.

“Muốn tập trung phát triển làng nghề không những cần sự nỗ lực từ phía người dân mà phải có sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền địa phương. Với khoản vay 20 triệu thì các hộ SX không đủ để trang trải với nghề. Vì vậy, các cấp, ban ngành cần có sự hỗ trợ lớn hơn về vốn để nhân dân xây dựng lán trại, mua sắm máy móc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng”, ông Tuấn cho biết.

Xem thêm
Tăng hiệu suất sử dụng đất nhờ mô hình trại lợn nhiều tầng

Dù mức đầu tư cao hơn 1,5 - 1,8 lần bình thường, mô hình trại lợn nhiều tầng cho thấy hiệu quả vượt trội khi giúp tăng hiệu suất sử dụng đất từ 4–10 lần.

Xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi, Nam Định tổng lực dập dịch

Tỉnh Nam Định phát công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương tổng lực dập dịch sau khi xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 2 xã thuộc 2 huyện.

Quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để sầu riêng phát triển 'nóng'

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển 'nóng' sầu riêng làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

'Hồi sinh' giống lúa mùa đặc sản quý hiếm

LONG AN Từ những dòng gen sót lại trên vùng trũng nhiễm phèn ở vùng biên giới Long An, các nhà khoa học phục tráng thành công giống lúa huyết rồng bản địa quý hiếm.

Thiếu hành động quyết liệt, rừng đặc dụng vẫn là 'bãi săn' động vật hoang dã

Đại diện các ban quản lý rừng đặc dụng ưu tiên siết chặt kiểm soát bẫy bắt, thiết lập quy định chăn thả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quản lý cộng đồng.