| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi Hải Phòng 'chạy đua' với bão Wipha

Thứ Hai 21/07/2025 , 20:28 (GMT+7)

Trước dự báo bão Wipha gây mưa lớn lịch sử, các công ty thủy lợi Hải Phòng đang chạy đua với thời gian, kịp thời tiêu nước đệm, tránh ngập úng cho ruộng đồng.

Theo các bản tin khẩn cấp từ Đài khí tượng thủy văn TP. Hải Phòng, mối nguy hiểm lớn nhất từ bão Wipha không chỉ là gió mạnh mà là một đợt mưa rất lớn trên diện rộng. Lượng mưa phổ biến tại Hải Phòng từ ngày 21/7 đến 23/7 được dự báo từ 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm. Nguy cơ mưa với cường suất lớn (>150mm/3h) có thể gây ngập úng cực nhanh, nhấn chìm các vùng trũng thấp.

Đến chiều 21/7, việc hạ mực nước đệm tại các hệ thống thủy lợi cơ bản đã hoàn thành, chỉ một số nơi gặp khó do mực nước sông cao, doanh nghiệp phải sử dụng máy bơm. Ảnh: Đinh Mười.

Đến chiều 21/7, việc hạ mực nước đệm tại các hệ thống thủy lợi cơ bản đã hoàn thành, chỉ một số nơi gặp khó do mực nước sông cao, doanh nghiệp phải sử dụng máy bơm. Ảnh: Đinh Mười.

Đáng lo hơn là triều cường và nước dâng có thể đẩy mực nước tổng hợp tại Hòn Dấu lên 3,7-4,1m, gây ngập úng sâu cho các khu vực ven biển, cửa sông vào chiều 22/7. Điều này ảnh hưởng đến việc tiêu nước và đe dọa trực tiếp đến 56.000 ha lúa mùa của thành phố, trong đó có tới 35.000 ha lúa mới cấy, sức chống chịu còn rất yếu và có thể mất trắng nếu bị ngập úng kéo dài.

Trước dự báo bão Wipha mạnh lên rất nhanh và có thể gây ra một đợt mưa lớn lịch sử, toàn bộ hệ thống thủy lợi của Hải Phòng đã chạy đua với thời gian, triển khai các biện pháp tiêu nước đệm, khơi thông dòng chảy với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn cho hàng chục nghìn hecta lúa và hoa màu của nông dân.

Ghi nhận của phóng viên, ngay từ chiều 19/7, các công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) đã bắt đầu "cuộc chạy đua" với thời gian. Nhiệm vụ cấp bách nhất là "dọn đường cho nước", tiêu cạn nước đệm trong hệ thống kênh mương để tạo dung tích trữ tối đa.

Việc gia cố các cống xung yếu tại các hệ thống thủy lợi đã được thực hiện xong. Ảnh: Đinh Mười.

Việc gia cố các cống xung yếu tại các hệ thống thủy lợi đã được thực hiện xong. Ảnh: Đinh Mười.

Tại Tiên Lãng, một trong những vựa lúa lớn của thành phố, công tác này được triển khai từ rất sớm. Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch Công ty KTCTTL Tiên Lãng, cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu cho tháo các cống từ chiều 19/7. Đến hết 20/7, mực nước trong hệ thống đã hạ xuống còn khoảng 0,5m. Đây là mực nước thấp, tạo ra một không gian an toàn để đón nhận lượng mưa sắp tới”.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng chia sẻ lo lắng về những khó khăn cục bộ khi phía bắc sông Mới, đặc biệt là vùng 700 ha sản xuất nông nghiệp của xã Quyết Thắng (cũ), nơi chỉ có một cống tiêu và phụ thuộc vào nước lũ từ thượng nguồn.

“Phía nam sông Mới có 5 cống lớn giáp biển, không phụ thuộc vào triều cường nên cứ nước xuống là tiêu được, không có vấn đề gì. Nhưng tôi đang lo ngại về khu vực bắc sông Mới, mưa lũ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông tăng cao, rất khó cho việc hạ nước đệm. Chúng tôi đã tính đến phương án phải dùng máy bơm”, ông Dũng phân tích.

Tại hệ thống thủy lợi Đa Độ, lớn nhất thành phố, công tác ứng phó cũng được triển khai quyết liệt. Công ty đã ban hành thông báo khẩn, yêu cầu tất cả các trạm, đội trực thuộc vận hành các cống ngang lớn dưới đê biển I, II, cống Văn Úc, Lạch Tray để tiêu hạ mực nước đệm. Lực lượng công nhân được huy động để khơi thông dòng chảy, giải tỏa bèo rác tại các đoạn kênh ách tắc, đảm bảo không có vật cản nào ngăn đường thoát lũ.

Một trong những biện pháp chủ động, thể hiện rõ tinh thần 'bốn tại chỗ' là việc Đội Cơ điện và Phòng chống thiên tai của công ty đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn. Kế hoạch bố trí, huy động các phương tiện, máy móc hạng nặng như ô tô, máy xúc đã được lên sẵn, đảm bảo các thiết bị này có thể được điều động đến các công trình trọng điểm ngay khi có tình huống xấu xảy ra.

Người dân lo lắng nếu bị ngập úng, số mạ chưa cấy sẽ chết và nếu làm lại thì sẽ không kịp thời vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân lo lắng nếu bị ngập úng, số mạ chưa cấy sẽ chết và nếu làm lại thì sẽ không kịp thời vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Các trạm thủy nông trọng yếu như Trung Trang và Cổ Tiểu cũng đã được lệnh chuẩn bị phương án sẵn sàng bơm tiêu úng cho các trạm bơm lớn như Quang Hưng, Bát Trang, đồng thời kiểm tra toàn bộ máy móc, thiết bị. Toàn bộ hệ thống được đặt trong tình trạng sẵn sàng 24/24h, với tinh thần thận trọng, không chủ quan.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng, hiện tại hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố có 75 vị trí trọng điểm đê, kè, cống xung yếu cần chú ý. Trong đó, cấp thành phố là 8 điểm (Tây 1, Đông 7); cấp phường, xã, đặc khu 67 điểm; các trọng điểm trên đã được các thành phố, xã, phường, đặc khu xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "bốn tại chỗ".

Đến thời điểm này, các công ty KTCTTL trên địa bàn thành phố đã tháo, hạ thấp nước đệm, chuẩn bị máy móc, thiết bị, các lực lượng thường trực để vận hành theo yêu cầu. Tại hệ thống Bắc Hưng Hải, địa bàn xã Kẻ Sặt có 3 đoạn sạt lở bờ kênh, dài 85-150m, có đoạn kênh bị lở vào chỉ còn khoảng 1m. Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải đã kiểm tra, phối hợp với xã Kẻ Sặt để xử lý sự cố giờ đầu.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Công ty KTCTTL Thủy Nguyên, cho biết: "Chúng tôi đã triển khai công tác ứng trực, hạ nước đệm tại các kênh trục chính. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, các phương án phối hợp với địa phương theo tinh thần 'bốn tại chỗ' đã được chuẩn bị đầy đủ”.

Xem thêm
Quảng Ninh khuyến khích nhà đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn

QUẢNG NINH Ngành chăn nuôi Quảng Ninh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh.

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi từ cơ sở giết mổ

GIA LAI Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, ngành chức năng Gia Lai tăng cường phòng chống, đặc biệt là từ cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Tìm biện pháp phòng trừ tuyến trùng gây hại cho lúa ở ĐBSCL

An Giang Tuyến trùng sống trong đất và ký sinh vào rễ lúa, gây bướu rễ, thối nâu rễ, làm cây lúa kém phát triển, đẻ nhánh ít, gây hiện tượng lép trắng, giảm năng suất.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Trí thức trẻ Việt góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số

HÀ NỘI Sáng 19/7, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025 chính thức khai mạc tại Đại học VinUni.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng đặc dụng

Thái Nguyên Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc là những viên ngọc giữa đại ngàn đang dần được đánh thức.

Bình luận mới nhất