Giữ đất

Những hàng ngô thẳng tắp đang chờ ngày ra bắp, phía dưới là những băng cỏ được trồng để trống sạt lở. Ảnh: Đức Bình.
Trên những đồi dốc của vùng cao Sơn La, mùa mưa kéo dài vào độ hè sang thu khiến đất màu trôi tuột, từng bắp ngô trên khắp các triền đồi cũng “sạt” theo cùng niềm hy vọng của người dân.
Chứng kiến sự xói mòn mạnh mẽ sau quãng thời gian dài canh tác theo phương pháp truyền thống, Công ty Syngenta phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã lên kế hoạch “cứu” lấy những triền đồi dốc, giúp bà con có những vụ ngô ổn định, duy trì sinh kế. Thay vì đứng nhìn từng lớp đất bị bào mòn, từng bắp ngô mất trắng, người dân bắt đầu học cách giữ đất bằng cỏ, giữ hệ vi sinh đất bằng kiến thức kỹ thuật. Các mô hình được phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, triển khai từ năm 2024.
Dưới cơn mưa dai dẳng đầu tháng 7, đoàn đại biểu vào sâu bên trong bản Nhèm, xã Chiềng Sại. Trên con đường sình lầy, đất đá lởm chởm hai bên như trực chờ sụp xuống, cả đoàn phải di chuyển chậm.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La thăm mô hình nhà bà Luân. Ảnh: Đức Bình.
Nhưng vừa đến nơi, ai nấy đều hứng khởi khi chứng kiến mô hình canh tác của gia đình bà Lò Thị Luân phát triển tốt. Mừng thay, những khoảnh đất vốn dốc lại không bị sạt nhiều mà được giữ lại nhờ những “hàng rào” xanh bằng cỏ. Đây là một trong những hộ đầu tiên tham gia thử nghiệm mô hình trồng ngô bền vững trên diện tích 2,6 ha. Khoảnh đất của gia đình bà được chia thành ba vùng: 0,8 ha canh tác theo phương pháp truyền thống; 0,5 ha có thêm băng chắn cỏ Gi-nê trồng cách nhau 10m và phần còn lại (1 ha) áp dụng toàn bộ quy trình cải tiến của Syngenta từ chọn giống, bón phân đến che phủ đất sau thu hoạch.
Trước kia, theo phương thức canh tác cũ, vụ mùa của gia đình bà Luân chỉ đạt khoảng 6 tấn ngô trên 2 ha mỗi năm. “Có lúc mưa lớn, ngô sạt hết xuống, nhìn từng bắp trôi mà xót. Từ khi làm theo mô hình, không còn cảnh đó nữa”, bà Luân kể. Sau một mùa thử nghiệm, năng suất tăng vọt lên 12 tấn/ha, gấp đôi so với trước.
Không chỉ cải thiện năng suất, điều quan trọng hơn là bà Luân đã tận mắt thấy được hiệu quả của việc giữ đất. Những luống cỏ trồng xen theo hình nanh sấu không làm chật đất mà ngược lại, giống như những “tường chắn” tự nhiên, hạn chế dòng chảy, giữ lại lớp đất màu và làm đất thêm tơi xốp. Hệ vi sinh trong đất cũng được bảo vệ tốt hơn nhờ môi trường ổn định, không bị rửa trôi sau mỗi trận mưa.

Anh Bùi Văn Sơn say mê chia sẻ về kế hoạch phát triển vùng trồng. Ảnh: Đức Bình.
Anh Sơn khoác chiếc áo mưa, leo lên sườn đồi, chỉ tay vào từng cụm đất vẫn còn giữ nguyên trạng trên nương cao. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt từ cán bộ đến bà con. Năm nay, cỏ mọc đều, ngô phát triển tốt, dự báo một vụ ngô “vàng ngọt” nữa của gia đình bà Luân.
Lấy lại niềm tin từ cây ngô

Bà Liếng từng bỏ cây ngô để trồng sắn, nhưng giờ đã được hướng dẫn để trồng chuẩn lại cây ngô. Ảnh: Đức Bình.
Cách đó chừng 70 km là mô hình thứ hai của gia đình bà Lường Thị Tiếng, mấy ai biết rằng, cả khoảnh đồi rộng 3 ha xanh mướt hiện tại từng thất thu vì cây ngô, đến mức phải chặt đi trồng sắn, mà vẫn không hiệu quả.
"Lúc đầu trồng ngô thu được 20 tấn trên 3 ha. Sau đó ngô chẳng được mấy, có thời điểm không có mà bẻ. Tôi quay sang trồng sắn mà hiệu quả kinh tế thì thấp”, bà nhớ lại.
Đến năm 2024, được hỗ trợ tái canh ngô theo mô hình Syngenta, bà Tiếng mới dần tìm lại niềm tin. Cánh đồng của bà cũng được chia làm ba vùng: vùng 1 rộng 0,5 ha giữ cách canh tác cũ; vùng 2 rộng 0,5 ha có băng cỏ Gi-nê trồng cách nhau 12m; vùng 3 rộng 1 ha kết hợp cả băng chắn cỏ và quy trình kỹ thuật cải tiến.

Mô hình canh tác ngô bền vững được thực hiện tại 2 điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.
Trên nền đất có độ dốc tới 19,3 độ (tương đương 35%), mùa vụ đầu tiên sau tái canh đã giúp gia đình bà thu được 20 tấn bắp/3 ha. Không chỉ ngô, mà cả đất cũng hồi sinh. Những bụi cỏ tưởng chừng đơn giản lại mang đến hiệu quả kép: giữ đất chống xói mòn và làm thức ăn cho gia súc.
Ông Bùi Văn Sơn, Giám đốc kỹ thuật nông học Công ty Syngenta, cho biết giống cỏ Gi-nê có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được tuyển chọn kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Sơn La. Cỏ này thấp, thường chỉ cao khoảng 1/3 cây ngô, không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của ngô. Rễ cỏ bám chắc vào đất, có thể chịu được cả mưa lớn lẫn khô hạn, giúp cố định lớp đất mặt và tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.
Ông cũng cho biết thêm: Cỏ Gi-nê rất mềm, khác biệt với các loại cỏ chăn nuôi truyền thống như cỏ voi. Cỏ này còn có thể tự nhân giống dễ dàng. “Bà con chỉ cần đến mô hình mẫu, xin giống rồi tách hom cỏ mang về trồng là được”, ông nói.
Việc thiết kế băng chắn được tính toán kỹ lưỡng tùy theo độ dốc. Dốc càng cao thì băng chắn càng gần nhau, dốc thoải thì có thể giãn khoảng cách. Mỗi lớp cỏ như vậy là một “hàng rào xanh” ngăn nước cuốn trôi đất, giữ lại độ ẩm và tạo môi trường ổn định cho bộ rễ phát triển.

Ông Hào (đeo kính) động viên bà con học tập theo mô hình mẫu. Ảnh: Đức Bình.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, đánh giá: “Tôi theo dõi mô hình này từ đầu, thấy rõ hai tác dụng: Thứ nhất là chống xói mòn, giữ đất; thứ hai là có thêm thức ăn cho gia súc. Tôi đã khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này từ sớm, vì xã có gần 2.000 ha đất trồng ngô. Trước đây nhiều hộ chặt bỏ đi vì sản lượng giảm, nay áp dụng mô hình mới, hiệu quả tăng rõ rệt. Bà con có thể đặt niềm tin”.
Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La liên tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết nối với các tổ chức phi chính phủ và quốc tế nhằm học hỏi các kỹ thuật canh tác mới phù hợp với địa phương. Hai mô hình của Syngenta tại Chiềng Sại và Chiềng Sung là tiền đề quan trọng cho chiến lược nông nghiệp bền vững ở Tây Bắc.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, cho rằng: “Băng cỏ là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả. Giữ được đất màu là giữ được năng suất, giữ được vùng nguyên liệu, từ đó tạo nên giá trị kinh tế bền vững”. Bà nhấn mạnh, mô hình này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái mà tỉnh đang theo đuổi.