| Hotline: 0983.970.780

Giải những ‘điểm nóng’ phát thải trong chuỗi cá tra

Thứ Hai 16/10/2023 , 08:26 (GMT+7)

Ngành thủy sản huy động năng lực nhóm đối tác công tư, chủ động công nghệ, thực hành sản xuất tốt, tiến đến xây dựng tiêu chuẩn giảm phát thải cho chuỗi cá tra.

Thúc đẩy đối tác công - tư giải bài toán giảm phát thải

Lĩnh vực chế biến thủy sản nói chung và chuỗi cá tra nói riêng có nhiều tiềm năng đóng góp vào sản xuất giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Do đó, từ công đoạn nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển, chế biến và thương mại cần hoạch định phát triển theo xu thế tiết kiệm nguyên liệu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Trong Đề án Bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã xác định kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới.

Ngành hàng cá tra có nhiều tiềm năng đóng góp vào sản xuất giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ngành hàng cá tra có nhiều tiềm năng đóng góp vào sản xuất giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn theo hình thức hợp tác công tư trong chế biến thủy sản là cách tiếp cận tốt. Bởi ngành có khả năng kết nối nhiều bên liên quan dựa trên năng lực và nhu cầu, từ cơ quan quản lý trung ương, địa phương đến các doanh nghiệp trong toàn chuỗi, kể cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Ông Luân nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, từng ngành, lĩnh vực sản xuất phải có những nghiên cứu hướng đến giảm phát thải. Việc chủ động thực hiện nhiều quy trình công nghệ, các quy trình thực hành sản xuất tốt và các sáng kiến sẽ giúp ngành chủ động khi thị trường nhập khẩu đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn về giảm phát thải trong thời gian tới.

Đối với chuỗi cá tra, việc khởi động các nghiên cứu để đánh giá hiện trạng, phân tích thách thức cũng như xác định điểm mạnh, điểm yếu khi phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết. Đây là bước đầu tạo cơ sở để các chủ thể tham gia chuỗi giá trị đưa ra giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm, giảm phát thải, phát triển bền vững.

“Chuỗi sản xuất cá tra rất dài, với rất nhiều mắt xích, từ khâu sản xuất giống, đến các nhà sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, quy trình nuôi, thu mua, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu... Nhóm đối tác công tư với sự tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước... sẽ xây dựng các sáng kiến để giải quyết từng khâu trong chuỗi sản xuất cá tra. Nhóm đối tác công tư về thủy sản sẽ là chủ thể đưa các nghiên cứu, khoa học kỹ thuật giúp giảm phát thải trong nuôi cá tra tốt nhất, nhanh nhất”, ông Luân nhấn mạnh.

Để giảm phát thải trong chuỗi ngành hàng cá tra, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa khối doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Kim Anh.

Để giảm phát thải trong chuỗi ngành hàng cá tra, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa khối doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2020, nhóm đối tác công tư về thủy sản được Bộ NN-PTNT thành lập. Trên cơ sở đó, Cục Thủy sản đã ban hành quyết định thành lập 6 tiểu nhóm, trong đó có ngành cá tra. Nhóm đối tác công tư thủy sản hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, bền vững giữa khối tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm thủy sản và khối công (nhà nước) bao gồm các cơ quan, tổ chức quản lý, đơn vị sự nghiệp của nhà nước có liên quan.

Tại Lễ hội cá tra Đồng Tháp tổ chức vào năm 2022, một biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đồng trưởng nhóm khối công tư và khối thúc đẩy đã được ký kết với mục tiêu xác lập các nỗ lực hợp tác phát triển chuỗi cá tra.

Chưa tận dụng được phụ phẩm chế biến

Ông Nguyễn Bá Thông, quản lý của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) cho rằng, để thúc đẩy chuỗi sản xuất cá tra bền vững, giảm phát thải, cần đưa ra công cụ nghiên cứu, đo đạc, đánh giá và lộ trình giảm phát thải trong chuỗi.

Theo đó, cần tìm ra điểm nóng phát thải trong chuỗi để xây dựng các sáng kiến thực hành giảm phát thải và nhân rộng cho toàn ngành. Hơn nữa, những tính toán giảm phát thải cần thực hiện trên toàn chuỗi, không riêng lẻ một trang trại hay ao nuôi.

Các yếu tố gây phát thải trong chuỗi cá tra được ông Thông xác định gồm: Thức ăn, chất lượng nước đầu vào, bùn thải, quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển thương mại và thất thoát sản phẩm sau thu hoạch…

Thức ăn cho cá tra là yếu tố khiến phát thải khí nhà kính ở mức cao. Ảnh: Kim Anh.

Thức ăn cho cá tra là yếu tố khiến phát thải khí nhà kính ở mức cao. Ảnh: Kim Anh.

Trong đó, thức ăn là yếu tố đầu tiên khiến phát thải khí nhà kính ở mức cao do thức ăn trong nuôi cá tra chủ yếu lấy từ nguyên liệu nhập khẩu (đậu tương, đậu nành, ngô). Trên thế giới, nguồn nguyên liệu này được trồng trên đất phá rừng, nên được gắn hệ số phát thải rất lớn. Việc hạn chế sử dụng thức ăn nhập khẩu là yếu tố rất quan trọng góp phần giảm phát thải trong sản phẩm cá tra.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam chỉ ra, để đạt được số lượng trung bình khoảng 200 tấn cá tra/ha, cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu là 320 tấn, lượng chất hữu cơ thải ra môi trường khoảng 256 tấn. Trong khi đó, cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên do chưa tận thu được máu cá trong quá trình chế biến nên đã làm tăng ô nhiễm, tạo nên thách thức lớn về môi trường.

Nghiên cứu mới nhất cũng được ông Nguyễn Bá Thông đưa ra: 1kg cá tra tại trang trại trung bình phát thải từ 6 – 7kg carbon. Mỗi năm, ngành cá tra sản xuất 1,5 triệu tấn, tương đương khoảng 9 – 10,5 triệu tấn carbon phát thải. Vì vậy, các nhà cung cấp sản phẩm thủy sản, trong đó có cá tra phải có sáng kiến giảm phát thải để đáp ứng điều kiện xuất khẩu cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh. Bởi khi xuất khẩu, nếu chất lượng sản phẩm tốt, hệ số phát thải thấp thì năng lực cạnh tranh mạnh hơn.

Thức ăn là một trong những yếu tố 'điểm nóng' phát thải trong chuỗi giá trị cá tra. Ảnh: Kim Anh.

Thức ăn là một trong những yếu tố “điểm nóng” phát thải trong chuỗi giá trị cá tra. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Bá Thông cũng cho biết, hiện nay, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững đang phối hợp cùng các đối tác thực hiện nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến tận dụng bùn thải và các phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn nuôi côn trùng. Đồng thời tận dụng lượng côn trùng này để phục vụ sản xuất bột côn trùng, quay trở lại làm thức ăn trong nuôi cá tra để thay thế bột cá hay một phần nguyên liệu nhập khẩu.

Theo đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ sản xuất bột côn trùng tốt, sẽ giúp giảm giá thành sản xuất cá tra, đồng thời thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và giảm hệ số phát thải. Ngoài ra, tại các nhà máy chế biến cá tra, cần tận dụng phụ phẩm thu từ mỡ cá tra đã bị oxy hóa hay bùn thải trong các nhà máy chế biến để sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, có thêm nguồn thu.

Hiện nay, ruồi lính đen cũng đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục cho phép sản xuất thương mại. Ông Thông cho rằng, đây là đối tượng tiềm năng, có thể sử dụng để xử lý môi trường trong sản xuất, chế biến cá tra. Ấu trùng ruồi lính đen cũng là đối tượng tiềm năng tạo ra lượng sinh khối lớn, nguồn nguyên liệu tại chỗ cho sản xuất thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm.

Hiện chi phí thức ăn trong nuôi cá tra chiếm 70 – 80% giá thành sản xuất. Do đó, nếu giảm được giá thành thông qua giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm trong chuỗi sản xuất, chế biến, thương mại của ngành hàng cá tra, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm phát thải.

Phụ phẩm trong chế biến cá tra chưa được tận dụng có hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Phụ phẩm trong chế biến cá tra chưa được tận dụng có hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Các tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tương đối trầm lắng. Từ tháng 5/2023 đến nay, Cục Thủy sản đánh giá tình hình xuất khẩu có dấu hiệu cải thiện. Đặc biệt trong tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 862 triệu USD, tương đương so với cùng kỳ năm 2022.

Theo dõi thực tế tình hình xuất khẩu, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định có nhiều tín hiệu khởi sắc từ các thị trường trong các tháng cuối năm. Ông Luân tin tưởng, nhu cầu sản phẩm thủy sản sẽ tăng, khả năng giúp Việt Nam đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2023.

Ngành cá tra là một trong những ngành hàng thủy sản chủ lực. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt ở hơn 140 thị trường thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,44 tỷ USD.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.