Tiềm năng còn rất lớn
Bên cạnh những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra, cá rô phi hiện đang nổi lên là sản phẩm có tiềm năng lớn của ngành thủy sản Việt Nam nhờ lợi thế về diện tích nuôi, sản lượng và hệ thống nhà máy chế biến phục vụ sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), giai đoạn 2015 - 2024, diện tích nuôi cá rô phi đã tăng 43,8% và hiện đạt gần 43.000ha, sản lượng trên 316.000 tấn. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể từ gần 6,3 triệu USD năm 2023 lên khoảng 30 triệu USD trong năm 2024. Riêng đến hết quý I/2025, mặt hàng này cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình nuôi ghép cá rô phi trong ao phổ biến hiện nay. Ảnh: DH.
Hoa Kỳ hiện là thị trường quan trọng nhất của cá rô phi Việt Nam, chiếm đến 46% tỷ trọng xuất khẩu. Các sản phẩm chủ yếu gồm cá đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh và các loại thịt cá khác.
Mặc dù ghi nhận những tín hiệu tốt về sản xuất và xuất khẩu, thế nhưng tại Hội thảo “Giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi năm 2025” tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư đặt vấn đề: “Tại sao cá rô phi Việt Nam không phát triển được?”.
Theo ông Luân, trước đây ngành thủy sản từng có định hướng đưa cá rô phi vào đối tượng chủ lực và sản phẩm quốc gia để có những chính sách hỗ trợ và kế hoạch phát triển cụ thể. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, sản phẩm cần đáp ứng nhiều điều kiện, nhất là về giá trị kinh tế. Thế nhưng thời điểm đó mặt hàng này vẫn chưa đạt được yêu cầu.

Cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ và VASEP họp bàn tìm giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi năm 2025. Ảnh: Kim Anh.
Hiện nay, trước những thách thức về thuế đối ứng của Hoa Kỳ, dự báo giá cá rô phi sẽ giảm trong ngắn hạn do một số quốc gia chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế mới này sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, gây áp lực lên các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, mặt hàng cá rô phi cũng đang đối mặt với hàng loạt thách thức như các yêu cầu khắt khe về môi trường, giá thành sản xuất cao, chuỗi cung ứng yếu, thiếu các nhà máy chế biến đạt chuẩn và chi phí logistics tăng.
Thúc đẩy xây dựng thương hiệu V-Tilapia
Ông Phạm Thành Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Nông lâm Vina từng có kinh nghiệm trong nuôi cá rô phi cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở khâu đầu ra.
“Phải hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa ao nuôi và nhà máy chế biến nhằm phục vụ xuất khẩu. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp nông dân yên tâm sản xuất, tạo chuỗi cung ứng hiệu quả và đảm bảo cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp yêu cầu cá phải đạt kích cỡ 500up, tức từ 500gram/con trở lên”, ông Trung nhấn mạnh.

Sản lượng cá rô phi ở châu Á.
Về vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho rằng, nếu không tạo được chuỗi liên kết, sẽ không xây dựng được thương hiệu cá rô phi Việt Nam.
Thực tế, vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có những cơ sở sản xuất giống cá rô phi chất lượng cao. Các viện nghiên cứu cũng thực hiện các chương trình chọn giống, tạo nguồn gen để phục vụ sản xuất, tạo nền tảng cho ngành phát triển.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, sản lượng cá rô phi toàn cầu lên đến 7 triệu tấn, giá trị thương mại qua biên giới đạt khoảng 10,6 tỷ USD và có thể lên đến 14,5 - 15 tỷ USD vào năm 2033.
Rõ ràng, cơ hội để mở rộng thị trường cá rô phi còn khá nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký VASEP, phải có sự định hướng tốt từ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quy hoạch ở các địa phương. Trong đó cần có một số diện tích mặt nước phù hợp với cá rô phi.
Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, định hướng phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm “Cá rô phi Việt Nam - V-Tilapia”. Từ đó, đặt ra các tiêu chuẩn, triển khai các chương trình tương xứng để cá rô phi chiếm lĩnh thị trường. Cùng với đó, tận dụng thêm tiềm năng nuôi cá rô phi tại các vùng hồ chứa lớn hiện chưa được khai thác hiệu quả.
“Thời điểm này, không có cách nào khác là phải có thương hiệu, có tiêu chuẩn để công bố, chứ chúng ta không thể như trước, làm cái gì mình thích rồi gom đi bán, như thế vẫn luẩn quẩn câu chuyện tự cạnh tranh nội tại và tự làm xấu hình ảnh con cá rô phi Việt Nam”, ông Trần Đính Luân định hướng.