Biến bờ ruộng thành bờ kè
Chỉ cách thành phố Lào Cai khoảng 14km, nhưng xã Hợp Thành mang đậm khung cảnh vùng quê thanh bình, khác hẳn với những con phố nhộn nhịp ở trung tâm.
Sinh sống ở đây, đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Giáy, Tày, Mông… chiếm tới 90%. Hầu hết kinh tế chủ đạo của bà con xã là sản xuất nông nghiệp, trồng cấy và chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và thiên tai, hoạt động sản xuất của người dân gặp khó khăn nhất định, khi diện tích canh tác hạn hẹp, độ dốc cao, sạt lở... Chính vì vậy, một số hộ trên địa bàn đã có ý tưởng cứng hóa bờ ruộng để giữ đất, giữ nước canh tác.

Cán bộ xã cùng bà con nhân dân xã Hợp Thành kiểm tra sâu bệnh trên lúa. Ảnh: H.Đ.
Gia đình ông Lương Tiến Mạnh ở thôn Tượng 3, xã Hợp Thành, có hơn 5 sào ruộng, mỗi năm thu về khoảng 30 bao thóc. Cách đây hơn một năm, gia đình ông đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để cứng hóa bờ ruộng nhằm tránh sạt lở mỗi khi mùa mưa lũ đến.
"Cứng hóa bờ ruộng có nhiều lợi ích như: Không phải làm cỏ, đắp bờ, tránh rò rỉ nước… Khi cấy thì mở nước vào, đủ thì cắt nước đi. Cách làm này đầu tư một lần là sử dụng được suốt đời. Ruộng mình ở trên cao, xây bờ xong, nhà bên dưới cũng được lợi”, ông Lương Tiến Mạnh chia sẻ.
Cũng theo người đàn ông này, sau khi được nhà nước đầu tư kênh mương thủy lợi, việc cấy lúa của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Đập to thì nhà nước xây, kênh mương bé, bà con chủ động dọn dẹp, khơi thông nên không còn tình trạng thiếu nước...
Giáp ranh ruộng lúa của bà con thôn Tượng 3 là ruộng của người dân thôn Tượng 1. Sau mấy lần sạt bờ, gia đình ông Phạm Văn Xèng ở thôn Tượng 1 cũng quyết định cứng hóa bờ ruộng.
Ông cho hay: “Xây thì không được nhưng đổ bê tông từng tấm rồi mang ra ruộng xếp thành kè, vài chục phân một. Không làm thì sạt lở mất ruộng ngay. Cách này, tôi tập làm theo người Nhật Bản đấy".

Việc cứng hóa bờ ruộng giúp bà con gánh thóc về nhà dễ dàng và tránh được sạt sụt. Ảnh: H.Đ.
Hoạt động tự phát
Ghi nhận tại thôn Tượng 1, 2 và 3, ruộng một số hộ dân đã cứng hóa đẹp và chắc chắn. Song với thu nhập của người dân, không phải nhà nào cũng chịu chi đầu tư kiên cố bờ ruộng của mình. Số ít hộ nhặt đá ở dưới suối rồi xếp dọc theo bờ ruộng, tuy không kiên cố nhưng cũng có tác dụng nhất định mỗi khi mùa mưa đến.
Theo bà Trần Thị Hương, Trưởng thôn Tượng 1, hai năm gần đây, bà con một số thôn bắt đầu cứng hóa bờ ruộng theo kiểu tự phát để tránh sạt sụt, giữ đất.
Hằng năm, UBND xã Hợp Thành chỉ đạo các thôn đồng loạt tổ chức nạo vét các kênh mương 2-4 lần, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn.
“Ở đây diện tích canh tác nhỏ, năm nào cũng phải cuốc ruộng, be bờ chỉ vài phân thôi thì vài năm nhà nọ ảnh hưởng nhà kia… Còn nước thì không thiếu vì nạo vét kênh mương là trách nhiệm chung, hư hỏng nặng, bà con mới báo với xã để sửa chữa”, bà Trần Thị Hương chia sẻ.
Trước việc cứng hóa bờ ruộng, theo ông Bùi Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, địa phương đã có báo cáo lên thành phố. Tuy nhiên, với diện tích canh tác hạn hẹp của các hộ, lại giật cấp kiểu ruộng bậc thang, mưa lũ đã ảnh hưởng tới ruộng.
Vì vậy, một số hộ đã cứng hóa bờ ruộng để giữ đất canh tác. Mặc dù cách này khắc phục được những khó khăn do thiên tai gây ra, song, xã cũng lưu ý bà con không được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp…

Bờ ruộng được người dân cứng hóa để giữ đất canh tác. Ảnh: H.Đ.
Cũng theo UBND xã này, địa phương đang chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tăng hiệu quả và trình độ công nghệ thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng sản xuất mô hình và nhân rộng. Đồng thời tiếp tục lựa chọn và sử dụng giống mới một cách hợp lý, đưa vào sản xuất thâm canh tăng vụ tạo ra sản phẩm hàng hoá sạch, ưu tiên lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Ngoài ra, nhờ duy trì tốt hoạt động của 63 công trình thủy lợi, đập đầu mối và cứng hóa được tới 90% kênh mương (gần 38km), nên diện tích canh tác lúa hằng năm đạt 368 ha, năng suất đạt 52,7 tạ/ha, sản lượng trên 1.943 tấn.