| Hotline: 0983.970.780

Chậm rà soát cơ sở không được phép chăn nuôi

Thứ Năm 13/06/2024 , 21:29 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Hiện, các địa phương vẫn chưa thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch của tỉnh Bình Thuận về quy định vùng nuôi chim yến, khu vực không được phép chăn nuôi…

Hiện nay Bình Thuận có 212 cơ sơ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Ảnh: KS.

Hiện nay Bình Thuận có 212 cơ sơ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Ảnh: KS.

Chăn nuôi vẫn còn gây ô nhiễm môi trường

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có trên 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn và gần 30.000 hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ (chăn nuôi nông hộ).

Bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết, những năm gần đây chăn nuôi trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Chăn nuôi đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Bởi hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh là nông dân và chủ yếu là tận dụng đất tại nơi ở để chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập.

Vì vậy, trong quá trình chăn nuôi chất thải trực tiếp ra môi trường còn chiếm tỷ lệ rất cao dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là các hộ dân xung quanh.

Còn đối với các dự án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Trong quá trình hoạt động, đa số các dư án trang trại thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cũng như thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và giảm thiểu mùi hôi...

Các án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo đúng quy hoạch chăn nuôi. Ảnh: KS.

Các án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo đúng quy hoạch chăn nuôi. Ảnh: KS.

Trong thời gian qua cũng có một số trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh xử lý mùi hôi từ nước thải chăn nuôi chưa hiệu quả nên gây mùi hôi ảnh hưởng đến cộng đồng cư dân xung quanh. Vì thế cử tri đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Điển hình như các Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Làng Việt Nam trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, người dân tại thôn 1, xã Hồng Sơn có phản ánh việc phát sinh mùi hôi khó chịu từ trang trại chăn nuôi này từ đầu tháng 5/2023 đến nay, nhất là lúc trời âm u, không có gió, với tần suất 1 lần/ngày. Còn vào buổi chiều tối từ 18 -20 giờ, mùi hôi phát sinh kéo dài khoảng 60 phút, diễn ra liên tục từ 3 đến 5 ngày.

Nhận được thông tin, UBND huyện đã liên hệ với Công ty TNHH Làng Việt Nam kiểm tra, yêu cầu có biện pháp xử lý, đến nay mùi hôi có giảm song chưa được triệt để.

Đối với Trang trại chăn nuôi heo giống và hậu bị Làng Việt 1 tại xã Hàm Đức của Công ty TNHH Làng Việt Nam thì đầu tháng 5/2024, một số người dân tại thôn 2, thôn 3 có phản ánh về mùi hôi phát sinh vào buổi tối làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước tình hình trên, mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án chăn nuôi heo của Công ty TNHH Làng Việt Nam.

Theo đó, ông yêu cầu công ty xử lý dứt điểm mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi heo trước ngày 31/01/2025 và phải có cam kết gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát. Nếu công ty không xử lý dứt điểm mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi, UBND tỉnh sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương rà soát cơ sở chăn nuôi

Đối với gây nuôi chim yến tại Bình Thuận, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này có xu hướng gia tăng. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến đa số phát triển một cách tự phát. Nhiều nhà yến xây dựng xen kẻ trong khu dân cư, đã làm phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhưng chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.

Gây nuôi chim yến tại Bình Thuận có xu hướng gia tăng. Ảnh: KS.

Gây nuôi chim yến tại Bình Thuận có xu hướng gia tăng. Ảnh: KS.

Vào tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết 04 về quy định vùng nuôi chim yến. Khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác. Chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với khu vực không được phép chăn nuôi gồm toàn bộ các phường thuộc TP Phan Thiết. Các phường thuộc thị xã La Gi như Phước Hội, Tân Thiện, Tân An và Bình Tân. Toàn bộ khu vực quy hoạch đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt tại thị trấn Liên Hương và thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong).

Thị trấn Ma Lâm, thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc); thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam); thị trấn Lương Sơn và thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình); thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân); thị trấn Võ Xu, Đức Tài (huyện Đức Linh) và thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh).Tại huyện đảo Phú Quý gồm toàn bộ khu trung tâm huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các xã còn lại của các huyện, thị, thành phố bao gồm các khu vực xây dựng công trình công cộng, điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã theo quy định. Các khu vực được quy hoạch phát triển nhà ở có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng không được phép chăn nuôi.

Đối với quy định vùng nuôi chim yến từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành là vùng nằm ngoài khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân có nhà yến đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành nằm trong khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết, nhưng tuân thủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ- CP của Chính phủ được phép tiếp tục duy trì hoạt động.

Theo bà Đỗ Thị Hương, trên cơ sở Nghị quyết trên, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1721 ngày 18/8/2023 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời Chi cục tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở NN-PTNT việc phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1721 ngày 18/8/2023 theo đúng kế hoạch được UBND ban hành.

Tuy nhiên, đến nay 9/10 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 04, nhưng việc rà soát, thống kê cơ sở, hộ chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, cơ sở nuôi chim yến (nhà yến) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác chưa thực hiện theo đúng tiến độ của kế hoạch.

Trước tình hình này, Chi cục đề nghị các địa phương thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi đăng ký, cam kết việc thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi (không di dời) theo đúng thời gian quy định trước ngày 1/1/2025.

Xem thêm
Người đàn ông tử vong sau hai lần bị chó cắn

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Một người đàn ông 48 tuổi ở thành phố Phú Mỹ tử vong với các dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, sau hai lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.

Dưa hấu được mùa, giá giảm nhưng nông dân vẫn lãi khá

ĐÀ NẴNG Nông dân Hòa Vang (Đà Nẵng) đang vào mùa thu hoạch dưa hấu chính vụ. Nhờ được mùa, năng suất cao nên dù giá giảm bà con vẫn lãi khá.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho hoa Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung khẳng định, hoa - cây cảnh là ngành hàng phát triển và được quan tâm nhiều trên thế giới.

Sụt lún ngày càng lan rộng, cần sớm xác định nguyên nhân

Bắc Kạn Từ hố sụt lún đầu tiên vào tháng 3, đến nay đã xuất hiện 7 hố sụt lún ở thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn) khiến người dân lo lắng.

Nghị quyết 57 như 'hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học

Đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

9 kiến nghị phát triển khoa học công nghệ ngành chăn nuôi, thủy sản

9 kiến nghị tâm huyết được đưa ra nhằm tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy KHCN trong chăn nuôi và thủy sản, hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn sản xuất.

Quảng Ngãi: Hơn 159.000 ha rừng nguy cơ cháy cao

Năm 2025, dự báo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 159.000 ha nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.