Cà phê là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam được đánh giá cao nhất thế giới, đặc biệt là sau khi tái canh, nhiều vườn cà phê năng suất đã đạt từ 4 - 4,5 tấn/ha, có những diện tích thâm canh tốt năng suất đạt trên 6 tấn/ha. Đóng góp to lớn vào thành tựu ngành cà phê phải kể đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
80% diện tích cà phê Tây Nguyên sử dụng giống của WASI
Theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), sản xuất cà phê tại Việt Nam những năm qua đã có bước tiến vượt bậc, tăng mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng.

Giống cà phê chè TN2 được WASI chọn tạo và đã đưa vào sản xuất. Ảnh: PC.
Năm 2024, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 1,32 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với trên 5,48 tỷ USD. Riêng vùng Tây Nguyên, diện tích trồng cà phê vối chiếm tỷ lệ khoảng 92% tổng diện tích cà phê cả nước, phần còn lại là cà phê chè được trồng tại các vùng sinh thái đặc trưng như Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị…
Do phần lớn diện tích cà phê tại Tây Nguyên được trồng sau ngày giải phóng nên vườn cây bị lão hóa, dẫn đến năng suất và chất lượng thấp. Từ thực tế đó, những năm qua, Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai chương trình tái canh cà phê tại Tây Nguyên nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Trong quá trình triển khai chương trình tái canh, công tác giống, quy trình canh tác đặc biệt được chú trọng nhằm thay thế bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Những năm qua, công tác nghiên cứu giống cà phê được WASI đặt lên hàng đầu. Trải qua hơn 40 năm nghiên cứu cây cà phê, từ giống đến quy trình canh tác, chế biến, bảo quản, quản trị hệ thống canh tác, WASI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một trong những thành công nhất của Viện là nghiên cứu và chuyển giao giống, quy trình trồng, chăm sóc cà phê.
Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, công tác nghiên cứu và phát triển giống cà phê chất lượng cao đã được nhà nước quan tâm, triển khai thông qua các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cấp Bộ giai đoạn 2011 - 2015, đề án phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” đến năm 2020 và nhiều chương trình, dự án các cấp khác… Kết quả, đã chọn được nhiều giống cà phê chất lượng cao, có tiềm năng năng suất đưa vào chương trình tái canh để thay thế các giống cũ, tạo vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, bền vững.

Vườn thí nghiệm giống cà phê của WASI. Ảnh: PC.
Hiện tại, WASI đã có 14 giống cà phê vối (Robusta) gồm TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, TR14, TR15, TRS1, cà phê Dây, Xanh Lùn và 6 giống cà phê chè (Arabica) gồm TN1, TN2, TN6, TN7, TN9, THA1 được giới thiệu và đưa vào sản xuất. Những giống cà phê này có đặc tính tiêu biểu là năng suất cao, chất lượng hạt tốt và đều, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và sâu bệnh hại…
Theo thống kê, diện tích cà phê cả nước hiện đạt hơn 700 nghìn ha, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn 95% diện tích. Hiện trên 80% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống do WASI nghiên cứu, chọn tạo.
Những giống cà phê được WASI chọn tạo từ trước năm 2011 hiện vẫn được nông dân sử dụng khá nhiều như TR4, TR9, TR11. Đây là những giống có năng suất cao, khả năng thích nghi tốt tại vùng Tây Nguyên và hầu hết diện tích tái canh thời gian qua đều sử dụng các giống này.
Bà Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp thuộc WASI cho biết, năm 2015, Viện lai tạo thành công giống cà phê mới TRS1, được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận giống chính thức. Từ khi được công nhận, TRS1 là giống cà phê vối lai phục vụ tái canh phổ biến nhất. Giống TRS1 đã được trao giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.
Theo bà Oanh, việc nghiên cứu khả năng phối hợp các dòng vô tính để tạo ra giống lai F1 như TRS1 là bước đột phá. Giống cà phê vối lai TRS1 có đặc tính nhân giống bằng hạt nên giảm được chi phí sản xuất giống; năng suất trung bình 4 - 5 tấn cà phê nhân/ha, khả năng thích ứng rộng, đặc biệt tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh gỉ sắt rất thấp.
Với những thành tựu lớn trong nghiên cứu, chọn tạo ra các giống cà phê có đặc tính nổi trội phục vụ chương trình tái canh, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tạo đột phá cho tái canh
Bên cạnh những công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cho người dân cũng được WASI đặc biệt chú trọng thông qua 3 trung tâm đặt tại 3 địa phương phát triển cà phê lớn của Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng.

TRS1 là giống cà phê vối lai và hiện là giống phổ biến nhất phục vụ tái canh. Ảnh: PC.
TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách WASI cho biết, việc chuyển giao giống được Viện thực hiện phù hợp với điều kiện thời tiết của từng địa phương cũng như nhu cầu của người dân bằng nhiều hình thức như: Cung cấp cây giống được ươm tại Viện; cung ứng chồi giống hoặc cung ứng cây giống ghép tại chỗ; chuyển giao dưới dạng hạt giống lai (cà phê vối), hạt giống thuần chủng (cà phê chè) hoặc dưới dạng cây giống nuôi cấy mô.
Theo đó, công tác chuyển giao giống mới vào sản xuất được WASI thực hiện bằng việc khai thác vườn nhân giống tại các địa phương thông qua các chương trình, dự án. Trong đó, dự án phát triển giống cà phê giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 - 2020 đã xây dựng được các vườn giống đầu dòng/vườn nhân chồi tại 3 đơn vị của Viện gồm Đắk Lắk 4ha, Gia Lai 1ha, Lâm Đồng 1ha. Dự án này cung cấp 2 - 3 triệu cây giống (tương đương 2 nghìn ha); 30 - 35 tấn hạt giống TRS1 (tương đương 32 nghìn ha); 5 triệu chồi ghép, tương ứng khoảng 4 triệu cây ghép; tái canh khoảng 3,5 - 3,8 nghìn ha.
Dự án giống cà phê giai đoạn 2015 - 2020 cũng kết hợp với các địa phương xây dựng hệ thống nhân giống cà phê phục vụ tái canh cho các tỉnh trồng cà phê chủ lực ở Tây Nguyên.

Trên 80% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống do WASI nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: PC.
Ngoài ra, giai đoạn 2018 - 2023, Công ty Nestlé Việt Nam phối hợp với WASI đã cung cấp cho nông dân 5,88 triệu cây giống thực sinh cà phê vối TRS1 (diện tích tương đương 5.880ha). Các đơn vị trực thuộc Viện cùng các vườn giống tại Gia Lai và Kon Tum đã sản xuất và cung cấp cây giống cho nông dân trồng tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn 2018 - 2023 với tổng diện tích trên 49.680ha, chiếm khoảng 70% diện tích tái canh toàn vùng trong giai đoạn 5 năm gần đây.
"Trong giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu các tỉnh Tây Nguyên trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê, trong đó trồng tái canh 75 nghìn ha và giống cà phê vối lai TRS1 tiếp tục là giống chủ lực được người dân sử dụng cho tái canh. Trong 2 năm vừa qua, giá cà phê tăng cao, người dân tại các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung trồng tái canh rất lớn, vì vậy mục tiêu trên hoàn toàn khả thi”.
(TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách WASI).