Cảng cá hiện đại bậc nhất miền Trung
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc đầu tư các Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại 4 tỉnh miền Trung sử dụng khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.
Theo quyết định này, 2 dự án “Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng”, huyện Cẩm Xuyên và “Đầu tư mở rộng cảng cá Thạch Kim”, huyện Lộc Hà (nay là huyện Thạch Hà) thuộc diện cần thi công nhanh chóng để phát triển bền vững lĩnh vực thủy sản tại địa phương.

Cảng Cửa Nhượng đang được bàn giao cho Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh sử dụng. Ảnh: Thanh Nga.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian thực hiện liên tục. Đến tháng 5/2023, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh được kiện toàn, thay đổi bộ máy, đổi mới phương pháp lãnh đạo, dự án cảng cá Cửa Nhượng và cảng cá Thạch Kim mới xin điều chỉnh được thời gian thực hiện đến 31/12/2024.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN và PTNT Hà Tĩnh chia sẻ, quá trình thực hiện 2 dự án hậu cần nghề cá có nhiều khó khăn không lường trước được. Ví như thủ tục đầu tư mất nhiều tháng liền, điều kiện thi công trong thời tiết bất thuận...
"Nếu không có sự nỗ lực, quyết liệt từ công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công, động viên nhà thầu kịp thời thì dự án khó có thể xong trong thời gian ngắn như vậy. Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết toán hoàn thành cả 2 dự án, chúng tôi đang thực hiện bàn giao cho Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh đưa công trình vào khai thác", vị lãnh đạo nói.

Hạ tầng cầu cảng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thanh Nga.
Ghi nhận của Báo Nông nghiệp và Môi trường chiều muộn ngày đầu tháng 5 tại cảng cá Cửa Nhượng cho thấy, không gian bờ biển gần 5 ha được kè kiên cố, vệ sinh sạch sẽ. Khu neo đậu có thể đón những chiếc tàu công suất lớn đến 400CV.
Chị Nguyễn Thị Tâm, trú xã Cẩm Nhượng phấn khởi đếm xấp tiền vừa thu được từ việc bán cá nói: “Trước đây cảng cá Cửa Nhượng chỉ là một bãi bồi, cát dày hàng mét. Tàu thuyền muốn vào bán cá phải neo đậu cách bờ 3 - 4 hải lý, sau đó dùng thuyền nhỏ tăng bo sản phẩm vào bờ bán, vừa bất tiện, mất thời gian vừa tốn kém chi phí. Bây giờ, cảng được nạo vét, tàu lớn cập bến sát bờ nên rất thuận lợi cho ngư dân và thương lái thu mua hải sản”.
Chung niềm vui, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh đánh giá, việc hoàn thành 2 dự án cảng cá Thạch Kim và Cửa Nhượng trong thời gian 12 tháng là rất đáng khen. Bởi, trong giai đoạn cả nước cùng nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban Châu Âu EC, hạ tầng nghề cá tại huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên được đầu tư đồng bộ, đưa vào sử dụng sớm sẽ góp phần truy xuất nguồn gốc hải sản hiệu quả; quản lý tàu thuyền đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến; neo đậu tránh trú an toàn trong mùa mưa bão.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá cập bến tận bờ bốc dỡ hải sản. Ảnh: Thanh Nga.
“Từ nay đến cuối tháng 5 chúng tôi sẽ phối hợp cùng chủ đầu tư hoàn thành tiếp nhận bàn giao 2 dự án cảng cá Cửa Nhượng và cảng cá Thạch Kim. Về mặt tổng thể, các hạng mục đầu tư đã cơ bản đồng bộ, đầy đủ, bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại niềm phấn khởi cho chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý ngành thủy sản và bà con ngư dân”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tiết kiệm nguồn vốn, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư
Rõ ràng, trước nay không ít dự án đầu tư xây dựng cơ bản thường đội vốn sau khi quyết toán. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ thi công kết hợp cắt giảm các hạng mục đầu tư không cần thiết của chủ đầu tư đã “ghi tên” dự án cảng cá Cửa Nhượng và cảng cá Thạch Kim vào danh mục các dự án phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Theo đó, dự án cảng cá Cửa Nhượng có tổng mức đầu tư được duyệt là 280 tỷ nhưng giá trị quyết toán giảm xuống dưới 252 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 28 tỷ đồng. Dự án cảng cá Thạch Kim tổng mức đầu tư được duyệt 60 tỷ đồng nhưng quyết toán hơn 50,3 tỷ đồng, tiết kiệm gần 10 tỷ đồng.

2 dự án tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Ảnh: Thanh Nga.
Về phía địa phương thụ hưởng dự án, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên phân tích, Cẩm Xuyên có số lượng tàu thuyền lớn nhưng bao đời nay chưa có cảng biển nên bà con chưa có địa điểm để giao dịch tập trung, có sự quản lý.
Bây giờ cảng Cửa Nhượng hoàn thành, đưa vào sử dụng, lại nằm trong tổng thể khu du lịch sẽ tạo thuận lợi cho ngư dân giao dịch hàng hóa. Cảng còn là nơi neo đậu cho tàu thuyền của nhiều tỉnh thành khác, từ đó kích hoạt dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người bán đá, bán dầu, bán ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền...
“Về lâu dài, khi cụm công nghiệp tại Cẩm Nhượng hoàn thiện, cảng cá này sẽ góp phần đảm bảo liên kết vùng, phục vụ chế biến sâu sản phẩm chất lượng vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa phục vụ xuất khẩu. Cái này cũng rất phù hợp với định hướng xu thế phát triển trong thời gian tới của Chính phủ, của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên về sáp nhập đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển vùng, liên kết vùng, nâng cao giá trị”, ông Hà nhấn mạnh thêm.
Theo chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án cảng Cửa Nhượng là liên danh gói thầu HTNC-CN14 và dự án cảng cá Thạch Kim thuộc liên danh gói thầu HTNC-XL.TK09. Đây đều là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án hậu cần nghề cá và phối hợp khoa học trong tổ chức các biện pháp thi công.