| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

Thứ Bảy 11/01/2025 , 06:00 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.

Rạng sáng, các tàu cá lần lượt cập cảng Trần Đề sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Ảnh: Kim Anh.

Rạng sáng, các tàu cá lần lượt cập cảng Trần Đề sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Ảnh: Kim Anh.

Những ngày cuối năm là thời điểm cảng cá Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) trở nên tấp nập nhất. Các ghe tàu đánh bắt, ghe tải lần lượt trở về sau nhiều ngày bám biển, mang theo những khoang hải sản đầy ắp.

Từ rạng sáng, khi mặt trời còn chưa ló dạng, các chuyến xe chở hải sản liên tục di chuyển ra vào cảng. Một chiếc tàu khai thác cá, tôm, ghẹ, ốc… vừa cập bến và tất bật phân loại, chuyển hàng lên xe tải để kịp giao đến các vựa.

Tàu của ông Trần Thanh Đồng vừa trở về sau 10 ngày lênh đênh giữa sóng nước. Sản lượng chuyến đi này chỉ khoảng 3 tấn hải sản các loại, sau khi trừ chi phí, ông thu về 20 - 30 triệu đồng. Dù công suất tàu nhỏ, sản lượng đánh bắt không cao nhưng ông Đồng vẫn lạc quan cho biết sẽ tranh thủ bảo dưỡng máy móc, nghỉ ngơi, 1 – 2 ngày nữa tàu sẽ tiếp tục ra khơi thêm chuyến biển cuối cùng của năm Giáp Thìn trước khi nghỉ đón Tết cùng gia đình.

Người lao động tại cảng cá Trần Đề tất bật vận chuyển hải sản đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Kim Anh.

Người lao động tại cảng cá Trần Đề tất bật vận chuyển hải sản đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Kim Anh.

Thời tiết cuối năm không thuận lợi, sóng gió nhiều nhưng ông Đồng hi vọng chuyến đi cuối và cả năm mới sẽ thuận buồm xuôi gió, giúp bà con ngư dân Trần Đề yên tâm bám biển.

Theo nhiều ngư dân nơi đây, năm 2024 tình hình đánh bắt hải sản không thuận lợi, chi phí đầu tư cho mỗi chuyến biển tăng cao đáng kể, trong khi sản lượng đánh bắt lại không đạt như mong đợi khiến bà con gặp nhiều khó khăn nên ai cũng mong chuyến biển cuối năm trúng hải sản để đón Tết sung túc hơn.

Một ngư dân khác với kinh nghiệm mấy chục năm theo nghề đánh bắt trên biển tâm sự, gia đình chị đang sở hữu khoảng 20 chiếc tàu (nhiều kích cỡ) chuyên đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 3 tháng, chủ yếu khai thác mực để chế biến. Chuyến biển cuối năm 2024 của gia đình vừa trở về để chuẩn bị nghỉ Tết. Dự kiến, đến mùng 4 hoặc mùng 6 tháng Giêng, các tàu sẽ tiếp tục ra khơi. Chị hi vọng năm mới việc khai thác hải sản sẽ thuận lợi hơn.

Ngư dân kỳ vọng chuyến biển cuối năm có lợi nhuận cao để đón Tết sung túc hơn. Ảnh: Kim Anh.

Ngư dân kỳ vọng chuyến biển cuối năm có lợi nhuận cao để đón Tết sung túc hơn. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Đăng Luân, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Trần Đề cho biết, tình hình khai thác của bà con ngư dân trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản suy giảm và chi phí xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và lợi nhuận của ngư dân.

Ban Quản lý cảng cá đã nỗ lực hỗ trợ bà con ổn định sản xuất, từ việc bố trí khu vực lên xuống hàng hóa đến phối hợp với các cơ quan chức năng như biên phòng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng để tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản và công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Thống kê trong năm 2024, lượng hàng hóa qua cảng Trần Đề đạt 162.000 tấn, tăng 3,1% so với năm trước. Tổng số tàu khai thác lên cá tại cảng đạt 2.062 tàu.

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần, cảng cá Trần Đề đã bố trí khu vực neo đậu an toàn và hỗ trợ ngư dân thuận tiện lên xuống hàng hóa cũng như sẵn sàng phương tiện ra khơi trong năm mới.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp mua bán những ngày cuối năm. Ảnh: Kim Anh.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp mua bán những ngày cuối năm. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, Ban Quản lý cảng cá Trần Đề sẽ tiếp tục giám sát và vận động ngư dân đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến, duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 340 tàu cá trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đầy đủ. Một số tàu mất kết nối do nguyên nhân khách quan đã được nhắc nhở và hỗ trợ thay đổi thiết bị.

Theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 1/2025, bà con ngư dân sẽ được hỗ trợ cước phí thuê bao giám sát hành trình với mức 300.000 đồng/máy, áp dụng trong 2 năm.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Tuyên truyền rộng rãi ‘5 không’ phòng bệnh dại trên chó mèo

VĨNH LONG Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.