
Cán bộ xã Phúc Khánh trao đổi cùng nông dân cách trồng, chăm sóc cam. Ảnh: H.Đ.
Cây cam V2 được trồng thử nghiệm trên đất Bảo Yên cho thấy thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Cam V2 trồng tại đây quả to tròn, mọng nước, ít xơ, thơm và có vị ngọt thanh.
Từ năm 2017, tại xã Phúc Khánh chỉ có vài ba hộ trồng thử cây cam V2. Ông Đỗ Chí Tuấn là người đầu tiên mạnh dạn trồng giống cam này trong vườn nhà, nhờ hợp đất nên cây sai trĩu quả.
“Năm 2017 tôi trồng thử 3.000 gốc cam V2. Cây cam V2 trồng từ năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Đặc biệt, cam thu hoạch trái vụ từ tháng giêng đến tháng 3 - 4 bán được giá hơn, không lo đầu ra", ông Tuấn cho hay.
Mỗi cây cam V2 trưởng thành có thể thu trung bình khoảng 100kg quả. Với giá bán dao động 20 - 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về từ 500 - 600 triệu đồng từ cây cam. Để cây cam khỏe, nhanh cho quả, gia đình ông còn sử dụng gốc bưởi để ghép cam V2. Cách làm này giúp cây to khỏe, chống chịu tốt sâu bệnh, hạn hán và thời tiết khắc nhiệt.
Thấy cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con xung quanh đã học làm theo. Ông Chiêu Tiến Lên ở thôn Trĩ Ngoài (xã Phúc Khánh) sau khi tìm hiểu kỹ về giống, cách chăm sóc đã quyết định trồng 2ha cam Vinh và cam V2. Được hưởng thành quả từ cây cam, gia đình ông đã mở rộng diện tích lên 5,7ha, trong đó chủ yếu là cam V2.
Ông Lên chia sẻ, cây cam V2 cơ bản có sức đề kháng tốt tuy nhiên vẫn có thể gặp một số loại bệnh. Khi ra chồi non, cây cam dễ bị bọ đỏ bám vào lá nếu không kịp phòng trừ, lá, búp sẽ xoăn và khó phát triển. Ngoài ra, cây cam cũng dễ nhiễm bệnh rỉ sắt, biểu hiện là đốm lá...
Tuy nhiên, bệnh trên cây cam chỉ cần người trồng chịu khó quan sát hằng ngày sẽ dễ dàng phát hiện và có phương án phòng trừ kịp thời, hiệu quả bằng các chế phẩm sinh học theo quy trình của cán bộ khuyến nông.

Cam V2 trồng tại xã Phúc Khánh cho quả ngọt, thanh mát. Ảnh: H.Đ.
Theo ông Lý Văn Học, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Khánh, chăm sóc cho cây cam V2 không quá vất vả và đòi hỏi quy trình trồng phức tạp. Tuy nhiên, bà con lưu ý bón phân đúng đợt để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, đợt bón phân thứ nhất vào tháng 2, đợt hai vào tháng 4, đợt ba vào tháng 7 và đợt cuối vào tháng 11.
Ông Lý Văn Học cho hay, bón phân theo nhiều đợt giúp cây phát triển tốt, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn quan trọng. Tháng 4 cây ra quả con, phải bón phân để cây nuôi quả. Đến tháng 7 quả bắt đầu lớn cần bón loại phân khác để quả to đều. Tháng 11 tiếp tục chăm bón để cây giữ quả, chín đều, đẹp.
Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, ngoài phân bón, cây cam sau thu hoạch cần được rắc bột đậu tương giúp kích chồi, lá, chuẩn bị cho vụ sau…
Đến nay, xã Phúc Khánh đã có hàng chục ha cam V2. Từ chỗ bà con đồng bào thiếu số dè dặt, e ngại khi trồng loại cây mới, cam V2 đã được trồng đại trà, trở thành sản phẩm hàng hóa, chưa thu hoạch thương lái đã đến đặt mua.
Theo ông Đặng Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, hiện nay, xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích, quy hoạch vùng trồng cam thêm 20ha tại các thôn Trĩ Trong, Trĩ Ngoài, Làng Đẩu, Làng Nủ, nâng tổng diện tích lên 57ha. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch hơn 20ha. Thu nhập từ cây cam đạt trung bình 250 triệu đồng/ha.
Thực hiện đề án của Huyện ủy Bảo Yên về “Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025”, huyện Bảo Yên xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất cam theo chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho người dân.
Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn huyện có 100ha cam, trong đó 80ha cam V2 và 20ha cam đường Canh tại các xã Phúc Khánh, Lương Sơn, Việt Tiến…