Đó là những đề xuất được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Kiên Giang tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.

TS Lê Công Lương (đứng), Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung Chánh.
TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp 56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất.
Do đó, cần có những giải pháp căn cơ, khoa học, lựa chọn những mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản phù hợp để phát triển. Trong đó, xây dựng các mô hình sản xuất thuận thiên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp tuần hoàn vừa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất vừa đảm bảo tính bền vững.

Mỗi năm vùng ĐBSCL tạo ra hàng chục triệu tấn rơm sau mỗi vụ lúa, cần được thu gom đưa ra khỏi ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sẽ mang lại giá trị rất lớn. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng cơ quan phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam nêu ra 4 lợi ích khi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Thứ nhất là thu hồi và sử dụng các năng lượng sinh khối nói chung và biogas nói riêng trong sản xuất để tạo nguồn năng lượng mới. Hai là tăng lượng phân bón hữu cơ được sản xuất từ chất thải hữu cơ. Thứ ba, tuần hoàn nước và sử dụng hiệu quả nước trong nông nghiệp là yêu cầu quan trọng để duy trì phát triển bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Thứ tư là ngăn chặn chất thải ra môi trường bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học với các men vi sinh giúp tiến trình xử lý tự nhiên nhanh hơn, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tốt hơn.

Vỏ trấu rất dồi dào tại ĐBSCL, nếu được tận dụng để sản xuất than sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Ảnh: Trung Chánh.
Chuyên gia nông nghiệp, TS Nguyễn Đăng Nghĩa đề xuất một trong những công nghệ khá mới là sản xuất phân hữu cơ sinh học có hoạt lực cao từ than sinh học (Biochar). Sử dụng than sinh học trong nông nghiệp tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng cho đất, cung cấp các nguyên tố có lợi cho quá trình phát triển của cây trồng, tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của các vi khuẩn có lợi.
Theo chuyên gia Nguyên Đăng Nghĩa, một số nguồn nguyên liệu được lựa chọn phù hợp cho sản xuất than sinh học là bã mía sau ép nước, vỏ trấu, mụn xơ dừa, mùn cưa, dăm gỗ tạp, lá cao su và vỏ cà phê…, đặc biệt là vỏ trấu và mụn xơ dừa rất dồi dào tại khu vực ĐBSCL. Nếu sử dụng các nguồn nguyên liệu này làm than sinh học sẽ vừa khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm rẻ tiền, có chất lượng, lại vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Luân canh tôm - lúa là mô hình sản xuất thuận thiên đang được nông dân Kiên Giang thực hiệt rất hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.
Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đề cập, phát triển nông nghiệp bền vững bao gồm các hoạt động thân thiện với môi trường, khả thi về mặt kinh tế và công bằng về mặt xã hội.
Những năm qua, Kiên Giang đã tập trung hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận. Cụ thể, Kiên Giang đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với mục tiêu đạt 200.000ha vào năm 2030. Quy hoạch phát triển vùng tôm sinh thái – lúa hữu cơ mang lại hiệu quả và bền vững tại các huyện vùng U Minh Thượng. Thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng hiện đại và bền vững.
Mỗi năm nước ta tạo ra tổng khối lượng khoảng gần 157 triệu tấn phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào rất phong phú trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị lớn.