Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đang quản lý, khai thác 37 hồ chứa phải thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP 04/9/2018.
Điều đáng nói, do nhiều hồ chứa xây dựng đã lâu nên xuống cấp, bị bồi lắng, ảnh hưởng đến khả năng tích nước của công trình. Trong bối cảnh đó, kinh phí phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa còn hạn chế.

Hồ chứa nước Lòng Sông do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận quản lý. Ảnh: KS.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, đến nay chủ đầu tư các dự án nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho 19/37 hồ.
Cùng với đó xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp 22/37 hồ chứa như Sông Lũy, Đá Bạc, Sông Quao, Tân Lập, Trà Tân.
Để đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bão, mới đây, công ty phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương tiến hành kiểm tra hiện trạng các công trình. Kết quả cho thấy 24 hồ cơ bản đảm bảo an toàn gồm: Saloun, Suối Dẻ, hồ Dòng, Đrian, hồ Lúa...
Tuy nhiên có 8 hồ chứa gồm: Cà Giây, Bo Bo, Năm Heo, Suối Đá, Cà Giang - Hàm Hiệp, Giếng Cỏ, Sông Móng, Lâm trường Sông Dinh có nguy cơ mất an toàn cao (trong đó có 2 hồ đang được sửa chữa, nâng cấp là Cà Giây, Sông Móng).

Công ty Thủy lợi Bình Thuận đã kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Ảnh: KS.
Ngoài ra, hồ Tân Lập có tình trạng đập bị thấm; 7 hồ như Sông Lũy, Cà Giang, Găng Làng, hồ Thiểm, Bông Dâu, Sông Móng, Đu Đủ bị biến dạng mặt đập, mái đập (sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu).
Ngoài các hồ còn có 5 công trình khác cũng bị hư hỏng, xuống cấp, cần thiết phải sửa chữa để bảo đảm hoạt động an toàn trong mùa mưa lũ năm 2025. Cụ thể, cống tiêu tại K4+200 trên kênh chính Đông hồ Ba Bàu; cầu máng số 1 tại K2+540 trên kênh chính hồ Đu Đủ, đập Dốc Mới; cống tiêu tại K1+050 bên bờ hữu kênh tiếp nước hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập; tràn ra kết hợp cống xả sâu tại K5+400 trên kênh chính đập Hàm Cần.
Trước thực trạng trên, theo ông Khoa, công ty đã và đang tổ chức lập, rà soát điều chỉnh, bổ sung phương án bảo vệ công trình thủy lợi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước tháng 8/2025.

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận khai thác, vận hành hồ chứa an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: KS.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận đã đề nghị công ty khẩn trương sử dụng nguồn kinh phí sửa chữa đột xuất đã được phân bổ trong năm 2025 để sửa chữa, khắc phục sự cố lỗi thiết bị vận hành cửa tràn xả lũ số 5, hồ chứa nước Phan Dũng và tất cả các cửa tràn xả lũ hồ Sông Dinh 3.
Việc khắc phục phải hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2025, bảo đảm thiết bị vận hành thông suốt khi thực hiện xả lũ hồ chứa.
Cùng với đó, xử lý các vị trí bị lún, sụt tại mái thượng, hạ lưu đập các hồ Găng Làng, Sông Lũy, Hồ Thiểm, Bông Dâu và khắc phục sự cố nước thấm.
Triển khai sửa chữa các hư hỏng tại mặt đập, rãnh thoát nước mái hạ lưu đập chính hồ Đu Đủ đã được bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên thuộc kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi năm 2025.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận cũng đề nghị công ty thực hiện vận hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ tuân thủ nội dung quy trình vận hành được duyệt. Đi đôi với rà soát và có giải pháp xử lý cản trở dòng chảy khi vận hành xả lũ; cảnh báo các vị trí, khu vực thường xuyên bị ngập lụt khi hồ xả lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn tính mạng con người, công trình hạ tầng kỹ thuật vùng hạ du…