| Hotline: 0983.970.780

Xấu hổ không đi khám khi bị trĩ, nhiều người tá hỏa đã ở độ 4

Thứ Bảy 23/03/2024 , 21:23 (GMT+7)

TP.HCM Theo PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân, cứ 10 người thì có 9 người bị trĩ, nhưng người bệnh đến khám thường ở độ 3, 4.

Giấu bệnh

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học Điều trị bệnh trĩ với phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) do Bệnh viện Bình Dân tổ chức ngày 23/3, PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân cho biết, tỷ lệ mắc bệnh trĩ ước tính khoảng 4,4% dân số toàn cầu, trong đó tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trên 45 tuổi.

PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.Nhung.

PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.Nhung.

Tại Bệnh viện Bình Dân, có khoảng 40% người trên 50 tuổi có bệnh trĩ với dấu hiệu sa trĩ (độ 2 trở lên). Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ là chảy máu ở vùng hậu môn.

"Y văn ngày xưa gọi là “Thập nhân cửu trĩ” – 10 người thì có 9 người mắc trĩ. Nhưng nhiều người do tâm lý e ngại, xấu hổ nên thường để nặng, gây đau đớn, chảy máu ở hậu môn… mới đi khám. Có những trường hợp xấu hổ, ngay cả vợ/chồng cũng không biết người bên cạnh mắc bệnh trĩ”, PGS.TS.BS Dương Văn Hải nói và cho biết thêm, nếu không khám và điều trị kịp thời, dẫn tới chảy máu kéo dài gây thiếu máu cho người bệnh. Thậm chí có trường hợp người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng thiếu máu nặng và phải truyền máu trước mới tiến hành phẫu thuật trĩ.

Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng bao gồm sa búi trĩ, ngứa hậu môn, đau hậu môn. Đây thường là lúc búi trĩ đã có nhiễm trùng.

Với đa số trường hợp bệnh trĩ (thường độ 1, 2) người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc trong khoảng 6-8 tuần, sau đó tái khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tiếp tục điều trị thuốc hay phải điều trị phẫu thuật. Trường hợp người bệnh có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải cấp cứu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Tạo hình mô trĩ bằng laser ít xâm lấn

Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân, khoảng 3/4 số người bệnh trĩ đến khám khi trĩ đã diễn biến nặng, búi trĩ sa ra không thu vào được, phải dùng tay đẩy vào hậu môn (độ 3) hoặc búi trĩ sa hẳn ra ngoài (độ 4), nhiều trường hợp có kèm nhiễm trùng. Điều này khiến cho điều trị phức tạp hơn và nhiều trường hợp không thể áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn.

Đối với trĩ độ 3, thường bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật. Phương pháp kinh điển nhất là phẫu thuật cắt trĩ. Nhược điểm của phương pháp này là sau mổ người bệnh đau nhiều, đau kéo dài khoảng 6-8 tuần, dễ chảy máu và hẹp hậu môn.

Phương pháp khâu treo trĩ (phương pháp Longo) ít biến chứng hơn nhưng vẫn có thể gây chảy máu nhiều, thậm chí hẹp hậu môn.

Tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) là phương pháp ít xâm lấn hiện đại nhất được triển khai trên thế giới từ năm 2011 và được áp dụng trong phẫu thuật trĩ tại Bệnh viện Bình Dân từ năm 2016 đến nay. Bác sĩ dùng năng lượng laser đốt đám rối tĩnh mạch trĩ mà không tác động đến niêm mạc và mô xung quanh nên không có biến chứng, không đau và chỉ mất chưa đầy 30 phút hoàn thành phẫu thuật. Người bệnh có thể về nhà sau mổ 1 ngày, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau 3-5 ngày.

Theo PGS.TS.BS Dương Văn Hải, các phẫu thuật điều trị trĩ phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm, nếu không sẽ có nguy cơ thủng, rò hậu môn, tạo sẹo co rút, làm ảnh hưởng chức năng tự chủ hậu môn (ngăn không cho thoát khí và dịch ra khỏi hậu môn).

Bác sĩ Hải khuyến cáo, người dân nếu có bất thường ở vùng hậu môn trực tràng như đau, ngứa, rát, u, đi cầu đau, nặng hậu môn, tiết dịch… thì nên khám sớm, phát hiện sớm sẽ dễ điều trị hơn.

Để hạn chế tái phát trĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống, điều trị các bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Kết quả nghiên cứu thực hiện trên 830 người bệnh trĩ được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân bằng phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser và phẫu thuật Longo cho thấy, cả hai phương pháp đều giúp giảm triệu chứng bệnh trĩ, mức độ đau hậu phẫu và chảy máu sau phẫu thuật là không khác biệt giữa hai phương pháp.

Tuy nhiên, phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser có tỷ lệ hẹp hậu môn và tái phát sau phẫu thuật thấp hơn, thời gian phẫu thuật và lượng máu mất trong phẫu thuật ít hơn so với phương pháp Longo.

Xem thêm
Sai lầm dinh dưỡng tạo cơ chế phát sinh tế bào ung thư

Sai lầm dinh dưỡng được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các loại bệnh ung thư trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Sang chấn tâm lý sau bạo hành, làm sao hóa giải?

Sang chấn tâm lý ở những người từng bị bạo hành, luôn có những diễn tiến phức tạp, mà sự tổn thương ảnh hưởng đến cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Khách má hồng cũng đã hết nỗi truân chuyên

Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên không phải câu chuyện thời xa lơ xa lắc, mà vẫn ám ảnh những người phụ nữ bao phen chọn nhầm mối duyên nợ vợ chồng.

Máu nhiễm mỡ và hệ lụy từ lối sống không kiểm soát

Máu nhiễm mỡ diễn ra âm thầm nhưng lại phát sinh nhiều biến chứng khó lường, nếu mỗi người không có ý thức phòng ngừa trong ăn uống và sinh hoạt.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Bình luận mới nhất