
Tranh của danh họa Mai Trung Thứ.
Sống sung túc và hạnh phúc không thể trông chờ vào may rủi. Bằng kinh nghiệm một doanh nhân, tác giả Jim Rohn biên soạn cuốn sách “7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc” được đông đảo công chúng đón nhận. Liệu “7 chiến lược” của tác giả Mỹ có phù hợp với người Việt Nam không?
Khi đồng ý chuyển nhượng bản quyền “7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc” tại nước ta, tác giả Jim Rohn bày tỏ với những ai còn nghi ngờ về bản thân: “Hãy cho chính mình cơ hội để trở thành mọi điều mà bạn có thể trở thành và đạt được mọi thành tựu mà bạn có thể đạt đến. Chỉ có vậy bạn mới thật sự có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc, chứ không chỉ là giàu có. Cản ngại lớn nhất để đạt đến điều đó là ở chính bản thân mỗi người chứ không phải ở hoàn cảnh bên ngoài”.
Để sống sung túc và hạnh phúc, 7 chiến lược mà mỗi cá nhân cần lưu ý. Thứ nhất, giải phóng sức mạnh của mục tiêu. Thứ hai, tìm kiếm tri thức. Thứ ba, học cách thay đổi. Thứ tư, quản lý tài chính. Thứ năm, làm chủ thời gian. Thứ sáu, kết giao với những người thành đạt. Thứ bảy, học nghệ thuật sống tốt.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện không dễ, bởi chúng ta thường gặp phải các vấn đề: sống không có mục tiêu, thiếu kế hoạch, bị chi phối bởi sức ì, thiếu tính kỷ luật, không quản lý được thời gian, thiếu những đúc kết từ thực tiễn, thiếu triết lý sống…
Khi đề cập đến vấn đề vì sao phải giải phóng sức mạnh của mục tiêu, tác giả Jim Rohn chỉ ra những động lực mạnh mẽ khi có mục tiêu và ước mơ, chứng minh đó là những lý do thiết yếu để thay đổi và thành công. Theo ông “mục tiêu là một quá trình liên tục, trọn đời”, vì vậy “hãy khiến chúng phục vụ cho bạn, nếu không có ước mơ và tầm nhìn, chúng ta sẽ bị diệt vong”.
Về chiến lược “tìm kiếm tri thức”, hãy suy nghiệm lại bản thân, học từ người khác (cả thành công lẫn thất bại), lắng nghe, quan sát…
Về chiến lược “học cách thay đổi”, cần chú ý “việc bạn trở thành người như thế nào quan trọng hơn những gì bạn đạt được”. Bởi lẽ, giá trị làm nên sự khác biệt. Cách duy nhất để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho mỗi người là khi chính người ấy trở nên tốt hơn “những gì tốt hơn không phải là những gì bạn mong muốn, mà là những gì bạn trở thành”.

Cuốn sách "7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc".
Tác giả Jim Rohn cho rằng “cuộc sống và việc làm kinh tế tựa như các mùa, bạn không thể thay đổi các mùa nhưng bạn có thể thay đổi bản thân”. Đầu tiên, ông khuyên học cách ứng xử với “mùa đông”. Theo ông, có đủ loại mùa đông. Có mùa đông kinh tế, khi những con sói tài chính đến ngay trước cửa nhà; có mùa đông thể chất, khi sức khỏe của chúng ta đáng lo ngại; có mùa đông riêng của mỗi người, khi trái tim chúng ta tan nát.
Vậy, ta nên ứng xử với “mùa đông” như thế nào? “Mùa đông là mùa để trở nên mạnh mẽ, hãy sử dụng những “mùa đông” của mình để chuẩn bị sẵn sàng năng lượng mà tăng tốc cho “mùa xuân” - mùa luôn đến sau mùa đông. Đừng trông mong mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, mà hãy mong mình vững vàng hơn. Đừng trông mong có ít chuyện trục trặc hơn mà hãy mong mình có nhiều kỹ năng hơn. Đừng mong có ít thử thách hơn, hãy mong mình khôn ngoan hơn.
Tiếp đến “mùa xuân” là mùa để tận dụng, vì cơ hội thường theo sau khó khăn, “mùa hạ” là mùa để chăm sóc, để bảo vệ những gì mình tạo ra, còn “mùa thu” là mùa để nhận lấy trách nhiệm, chịu trách nhiệm hoàn toàn là một trong những hình thức cho thấy độ trưởng thành cao nhất của mỗi người, và cũng là một trong những điều khó nhất.
Để thực hành các chiến lược mưu cầu sống sung túc và hạnh phúc, thì đừng trì hoãn, đừng đổ lỗi, đừng tự bào chữa… Đó là một nguy cơ, vì “bản ngã tìm mọi cách để bảo vệ chính nó, chúng ta đổ lỗi cho những lực lượng bên ngoài để không phải đối diện với những yếu kém và thất bại của bản thân”. Mỗi người đã được ban tặng những món quà của cuộc sống, nhưng chúng ta là người quyết định liệu chúng ta có vận dụng những luật lệ của Thượng đế để sáng tạo, để được làm chính mình không.