Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Thành Long chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chia sẻ chi tiết về chính sách mang tính cách mạng này.
Theo đó, việc khám định kỳ miễn phí cho toàn dân là bước đi táo bạo để thay đổi căn bản thói quen và nhận thức về chăm sóc sức khỏe dự phòng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025-2030 là tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở mỗi năm, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho y tế xuống còn 30% và đặc biệt mỗi người dân sẽ được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý suốt vòng đời.

Mỗi người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ. Ảnh: Thủy Nhi.
Tầm nhìn xa hơn đến năm 2045, Việt Nam kỳ vọng đạt tuổi thọ trung bình hơn 80, số năm sống khỏe tăng lên đáng kể và chiều cao trung bình của thanh niên tiệm cận mức trung bình các nước phát triển. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi một chiến lược tổng thể và quyết liệt.
Tuy nhiên, con đường đến với những mục tiêu đầy hứa hẹn này không hề dễ dàng khi Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức lớn mà hệ thống y tế đang đối mặt, như gánh nặng kép bệnh tật (bao gồm cả bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm), sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là vấn đề dân số già hóa.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra các giải pháp cụ thể, gắn với điều kiện triển khai khả thi, không dừng lại ở tầm nhìn chung chung.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Y tế xây dựng tiêu chí sức khỏe trong hoạch định chính sách, làm rõ đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, chế độ lương và đãi ngộ, kèm số liệu cụ thể.
Chính sách toàn dân được khám định kỳ miễn phí từ năm 2026 không chỉ là một bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng cho mọi người dân Việt Nam.