Trước thực trạng bùng nổ thực phẩm sức khỏe (thực chức năng và thực phẩm bổ sung) trên các sàn thương mại điện tử, Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi toàn diện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm bán online sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Thủy Nhi.
Theo dự thảo sửa đổi, cơ quan quản lý sẽ không chỉ thực hiện các nội dung hậu kiểm truyền thống như đối chiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc và lấy mẫu kiểm nghiệm.
Một điểm đột phá là Bộ Y tế sẽ kiểm tra cả tính nhất quán của thông tin sản phẩm giữa sàn thương mại điện tử và thực tế lưu thông. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng sẽ trực tiếp so sánh nội dung quảng cáo, nhãn mác, hình ảnh những thực phẩm sức khỏe trên các nền tảng bán hàng trực tuyến với sản phẩm thật ngoài thị trường.
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Nghị định 15 hiện hành, vốn chưa có cơ chế kiểm tra chéo thông tin trên môi trường số.
Cụ thể, đối với thực phẩm sức khỏe kinh doanh online, cơ quan kiểm tra bắt buộc phải đối chiếu thông tin đăng tải trên website và sàn thương mại điện tử với sản phẩm thực tế, bên cạnh việc kiểm tra tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và an toàn. Nếu phát hiện nghi vấn về chất lượng hoặc an toàn, việc lấy mẫu kiểm nghiệm vẫn sẽ được tiến hành theo quy định hiện hành.
Để tạo thuận lợi cho công tác giám sát, dự thảo cũng bổ sung và sửa đổi nhiều biểu mẫu quản lý, đồng thời tăng cường phối hợp liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo minh bạch thông tin từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, nhằm tăng tính răn đe, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nếu doanh nghiệp vi phạm. Thông tin sai lệch về thực phẩm sức khỏe trên các nền tảng điện tử của cơ quan quản lý cũng sẽ bị gỡ bỏ.
Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: Không có giấy đăng ký kinh doanh phù hợp; bị xử phạt hành chính từ 2 lần trở lên trong 12 tháng về vi phạm an toàn thực phẩm; sử dụng chất cấm trong sản xuất; sản xuất hàng giả; để xảy ra từ 2 vụ ngộ độc trở lên hoặc 1 vụ ngộ độc gây tử vong trong 12 tháng; sử dụng tài liệu, con dấu, chữ ký, phiếu kiểm nghiệm giả trong hồ sơ hoặc không thông báo việc ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 12 tháng.