Đã có hơn 30 ca nhiễm
Theo Sở Y tế TP Huế, số ca mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus Suis) trên địa bàn đang có xu hướng tăng, đáng báo động. Chỉ riêng trong tháng 6 cho đến nay đã ghi nhận 18 ca mắc, tăng nhiều lần so với 5 tháng trước; đáng tiếc, đã có một trường hợp tử vong vào ngày 2/7 vừa qua.
Trong khi đó, Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 7/7/2025, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 32 ca mắc liên cầu lợn, đều là người dân trú trên địa bàn TP Huế (ở các phường Thuận Hóa, Kim Long, Phú Xuân, Hương An, An Cựu, Thuận An, Thủy Xuân, Dương Nỗ…).

Nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: V.D.
Trong số những người mắc bệnh, có 18 người đã ra viện và 14 người vẫn đang tiếp tục điều trị. Đáng chú ý, có 4 trường hợp do bệnh nặng (trong số 18 người đã ra viện) nên gia đình xin đưa về nhà để chăm sóc.
Bác sỹ CK II Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho rằng, tình hình bệnh liên cầu lợn đang diễn biến phức tạp, đáng lo ngại hơn mọi năm khi một số ca không rõ yếu tố dịch tễ, chưa xác định có tiếp xúc với lợn sống hoặc thực phẩm chế biến từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy các trường hợp nặng vẫn còn nhạy với các loại kháng sinh như penicillin, ceftriaxone và vancomycin.
Ngay khi tiếp nhận các ca bệnh, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện để huy động các chuyên khoa liên quan như Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Thần kinh cùng phối hợp điều trị. Các trường hợp được phát hiện sớm sẽ được điều trị kháng sinh kịp thời, đúng phác đồ, đồng thời được theo dõi sát các biến chứng thần kinh và nhiễm trùng huyết, điều trị hồi sức tích cực khi cần thiết…
“Các bệnh nhân vào viện chủ yếu với triệu chứng sốt, đau đầu, đau đầu dữ dội về khuya đến sáng sớm kèm nôn mửa nhiều và đau tăng khi ho. Một số bệnh nhân nhìn mờ, sợ ánh sáng, có xu hướng nhắm mắt lại. Hiện có một bệnh nhân nam 37 tuổi đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê chưa rõ nguyên nhân, tai biến mạch máu não, ngộ độc chất gây nghiện và nhiễm trùng huyết. Phần lớn các bệnh nhân còn lại đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới”, bà Hương chia sẻ.
Theo bác sỹ Phan Lê Quỳnh Thi - Khoa Bệnh Nhiệt đới, những ca viêm màng não do liên cầu lợn khi tiếp nhận, bác sỹ sẽ điều trị sớm kháng sinh theo kinh nghiệm chứ không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm máu dương tính. Nhờ đó, sẽ giảm các nguy cơ, biến chứng cho bệnh nhân về sau. Thời gian điều trị các ca bệnh liên cầu lợn kéo dài từ 14 - 21 ngày. Đối với viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, người bệnh bắt buộc phải điều trị trong 21 ngày.
Chủ động giám sát, phòng chống
Năm 2024, toàn TP Huế chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm liên cầu lợn và đều được điều trị khỏi bệnh.
Trước tình hình số ca mắc liên cầu lợn ở người gia tăng, Sở Y tế TP Huế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố khẩn trương làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế để nắm bắt, thu thập thông tin, phối hợp với các Trung tâm y tế điều tra xác minh lại các ca bệnh.
PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế - cho biết, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp trong việc chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật và trên người; giám sát thường xuyên, kết hợp với giám sát tích cực ca bệnh liên cầu lợn để phát hiện kịp thời bệnh dịch ở đàn lợn và trên người, làm cơ sở cho việc chủ động phòng chống dịch tại địa phương.
Đơn vị cũng tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, huy động các nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các gia đình có người bị bệnh, trong cộng đồng và các cơ sở y tế.

Lực lượng y tế TP Huế xử lý môi trường để phòng chống bệnh liên cầu lợn. Ảnh: V.D.
Tại các địa phương có ca dịch, lực lượng y tế tuyến cơ sở đã nhanh chóng vào cuộc. Cán bộ Trạm y tế phường khẩn trương xử lý môi trường, phun tẩy uế bằng dung dịch Cloramin B 25% tại gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận. Song song với đó, tiến hành truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người dân cách nhận biết dấu hiệu bệnh, cách xử lý và phòng chống lây nhiễm.
“Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan, Sở Y tế đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng cho người dân như tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng và thịt lợn chưa được nấu chín kỹ; không giết mổ, buôn bán hay tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc, giết mổ lợn; rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thực phẩm; chỉ mua bán, sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Sở Y tế đặc biệt lưu ý, khi người dân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà”, ông Hảo thông tin.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế) cho hay, đến thời điểm hiện tại, qua kiểm tra, phối hợp với Sở Y tế và cơ quan chức năng thì trên địa bàn thành phố chưa xuất hiện dịch bệnh nào liên quan đến lợn.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình chăn nuôi trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhất là liên cầu lợn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại…
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bệnh liên cầu lợn có thể lây sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín…