Sáng 11/7 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm 2025 và công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển dịch chính sách dân số từ kiểm soát sang phục vụ phát triển, lấy con người làm trung tâm và quyền sinh sản là nền tảng cho tương lai bền vững.
Đặt quyền sinh sản vào trung tâm chính sách
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số năm 2025 là bước tiến lớn trong tiến trình trao quyền sinh sản cho người dân. Luật pháp hiện hành quy định rõ mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng có quyền quyết định về số con, thời điểm sinh và khoảng cách giữa các lần sinh, hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế và xã hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số năm 2025 là bước tiến lớn trong tiến trình trao quyền sinh sản cho người dân. Ảnh: Linh Linh.
Bà Lan cho biết, tinh thần này đã được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật Dân số và Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, cần đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển. Quyền sinh sản không chỉ là quyền cá nhân mà còn là chỉ dấu cho một xã hội văn minh, tiến bộ và công bằng.
Tại lễ công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson, chia sẻ những phát hiện quan trọng từ khảo sát tại 14 quốc gia đại diện cho hơn một phần ba dân số toàn cầu. Báo cáo cho thấy, phần lớn người dân, kể cả ở những quốc gia có mức sinh thấp, vẫn mong muốn có từ hai con trở lên. Tuy nhiên, có tới 20% người dưới 50 tuổi cho biết, họ không thể đạt được quy mô gia đình như mong muốn, chủ yếu do các rào cản kinh tế, điều kiện sống bất ổn, vấn đề sức khỏe, hoặc thiếu bạn đời phù hợp.
“Đây không phải là cuộc khủng hoảng dân số, mà là cuộc khủng hoảng quyền sinh sản, khi người dân không thể tự do và có đủ điều kiện để quyết định có sinh con hay không, sinh khi nào và bao nhiêu con”, ông Jackson nhấn mạnh.
Cứ ba người được khảo sát thì có một người từng trải qua mang thai ngoài ý muốn. Nhiều người trẻ không có đủ tài chính để lập gia đình, trong khi nam giới vẫn còn chịu kỳ thị nếu nghỉ việc để chăm con. Những yếu tố này khiến khoảng cách giữa mong muốn và thực tế trong việc xây dựng gia đình ngày càng lớn.

Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson, chia sẻ những phát hiện quan trọng từ khảo sát tại 14 quốc gia đại diện cho hơn một phần ba dân số toàn cầu. Ảnh: Linh Linh.
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong ba thập kỷ qua kể từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994. Nước ta duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006, chất lượng dân số được cải thiện, chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng và tuổi thọ trung bình đạt 74,7 tuổi năm 2024.
Tuy vậy, Việt Nam cũng đang bước vào thời kỳ mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh. Tỷ suất sinh giảm từ 2,01 con/phụ nữ (2022) xuống 1,91 (2024). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn nghiêm trọng, với tỷ lệ 111,4 bé trai/100 bé gái. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, và mang thai ở tuổi vị thành niên còn phổ biến tại nhiều vùng miền núi và dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ tiền mặt, hiện vật cho gia đình sinh con một bề là gái
Nhằm thích ứng với thực tế nhân khẩu học mới, Bộ Y tế đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực trong Dự thảo Luật Dân số trình Quốc hội tháng 10 tới. Nổi bật là chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho các gia đình sinh con một bề là gái và có hai con gái, nhằm giảm áp lực giới tính và khuyến khích sinh đủ con.
Bộ Y tế cũng kiến nghị mở rộng chế độ nghỉ thai sản, ưu đãi tiếp cận nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con ở khu công nghiệp và tỉnh thành có mức sinh thấp, đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ sàng lọc trước sinh, tư vấn tiền hôn nhân, chăm sóc người cao tuổi, và đào tạo nhân lực ngành lão khoa.

UNFPA cũng khẳng định sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam xây dựng Luật Dân số mới, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển.
“Chúng ta cần một hệ thống chính sách bao trùm, nhân văn và phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương. Đó là cách để đảm bảo mỗi người dân được sống khỏe mạnh, có cơ hội lựa chọn và xây dựng cuộc sống theo đúng mong muốn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, khẳng định rằng Liên hợp quốc cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để đảm bảo tiếp cận phổ quát với dịch vụ sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính toàn diện và dữ liệu dân số chất lượng.
UNFPA cũng khẳng định sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam xây dựng Luật Dân số mới, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển.
Việt Nam đang chuyển mình, từ kiểm soát dân số sang phục vụ con người. Và trong hành trình ấy, quyền được sinh, hoặc không sinh, khi người dân sẵn sàng và mong muốn, chính là một biểu hiện của sự phát triển nhân văn, tiến bộ và toàn diện.