Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) về sự hỗ trợ của tổ chức này trong thời gian qua và định hướng sắp tới nhằm nâng cao vai trò, tiếng nói và quyền của phụ nữ trong kỷ nguyên mới.
Trong thời gian qua, UNFPA đã triển khai những chương trình và hoạt động nào để hỗ trợ phụ nữ Việt Nam? Ông có thể chia sẻ một số câu chuyện đáng nhớ từ những chuyến công tác tại các tỉnh thành Việt Nam?
Tôi rất may mắn được đi đến nhiều vùng miền trên khắp Việt Nam và tận mắt thấy những thay đổi tích cực mà UNFPA đã mang lại thông qua sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cộng đồng. UNFPA đã có mặt tại Việt Nam gần 50 năm, từ năm 1977, và suốt thời gian đó luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam giải quyết những vấn đề quan trọng như bạo lực giới, bạo lực gia đình, sức khỏe sinh sản, cũng như chăm lo cho người trẻ và người cao tuổi.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Ảnh: Tùng Đinh.
Kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi, phải kể đến những lần đến thăm các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề y tế. Tại đây, với các chương trình UNFPA triển khai, sức khỏe bà mẹ đã được cải thiện rõ rệt. Phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế tuyến huyện, đảm bảo sinh con an toàn hơn trước. Khi tới các thôn bản, tôi chứng kiến những nữ hộ sinh cộng đồng hướng dẫn người dân về dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em và sức khỏe bà mẹ rất hiệu quả. Chương trình này đã được triển khai tại hơn 60 cộng đồng thuộc 6 tỉnh, giúp cải thiện đáng kể sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Ngoài ra, UNFPA cũng rất tích cực trong việc ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực gia đình. Việc thành lập các trung tâm dịch vụ một cửa với tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương, đã thể hiện rõ cách làm việc toàn diện của chúng tôi. Tại các trung tâm này, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình được hỗ trợ toàn diện từ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ tài chính, dịch vụ y tế cho đến hỗ trợ giáo dục cho con em họ ngay tại một địa điểm. Những lần trực tiếp trò chuyện với các chị em tại đây giúp tôi cảm nhận rõ sự mạnh mẽ, kiên cường của phụ nữ Việt Nam và giá trị to lớn mà hỗ trợ toàn diện mang lại.

Trưởng đại diện UNFPA cho biết, trong các kế hoạch sắp tới, tổ chức sẽ đặc biệt chú trọng vào giáo dục toàn diện về giới tính cho thanh niên, nhất là các nữ thanh thiếu niên. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo ông, cần hành động thế nào để nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ, giúp họ sống trong môi trường không bao lực và không phân biệt đối xử tại khu vực nông thôn ?
Nâng cao vai trò và tiếng nói của phụ nữ là trọng tâm trong mục tiêu phát triển của Việt Nam. UNFPA luôn làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương và Trung ương để thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các hoạt động xã hội và quyền đưa ra quyết định. Điều quan trọng là tiếng nói của phụ nữ không chỉ được lắng nghe, mà còn phải được tôn trọng và đưa vào thực tế cuộc sống.
Ví dụ, sau cơn bão Yagi, UNFPA đã nhanh chóng hỗ trợ tiền mặt cho các bà mẹ mang thai, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng ưu tiên ngăn chặn bạo lực giới bằng việc mở rộng các Ngôi nhà Ánh Dương và đường dây nóng quốc gia để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Việc triển khai các kế hoạch chương trình của tổ chức tại nông thôn có gặp những khó khăn gì không? Đặc biệt khi định kiến về giới vẫn đang là rào cản ?
Bất bình đẳng giới là vấn đề phổ biến trên toàn cầu, và tại Việt Nam, điều này càng rõ nét tại các vùng nông thôn và miền núi, nơi người dân tộc thiểu số sinh sống. Những rào cản như khác biệt ngôn ngữ đã gây khó khăn trong việc truyền tải thông tin và triển khai các chương trình hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên các hoạt động phù hợp văn hóa, ngôn ngữ địa phương để thông điệp dễ dàng tiếp cận người dân hơn.

Ông Matt cho biết, UNFPA làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương và Trung ương để thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các hoạt động xã hội và quyền đưa ra quyết định. Ảnh: Tùng Đinh.
Phụ nữ Việt Nam cần trang bị gì để phát huy tối đa vai trò và đóng góp trong kỷ nguyên mới, thưa ông?
Phụ nữ Việt Nam đã và đang có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và xã hội đất nước, giữ vai trò quan trọng từ cấp địa phương tới Trung ương. Tuy nhiên, khi Việt Nam ngày càng phát triển về công nghệ và thay đổi về dân số, phụ nữ cần chủ động nâng cao kỹ năng mới, nhất là kỹ năng số và khả năng sử dụng công nghệ. Việc trang bị những kỹ năng này sẽ giúp chị em khai thác tốt các công cụ kỹ thuật số trong công việc, gia đình và cộng đồng, qua đó gia tăng vai trò và tiếng nói của mình.
Ngoài ra, việc học tập và nâng cao kỹ năng liên tục rất cần thiết để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Phụ nữ nên chủ động tìm hiểu và nắm bắt cơ hội kinh tế mới, đảm bảo kỹ năng luôn phù hợp với nền kinh tế số hóa. Thông qua việc đầu tư vào giáo dục công nghệ và tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận công nghệ, phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng phát huy được hết khả năng, đóng vai trò lãnh đạo và góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong năm 2025, UNFPA có những kế hoạch và dự án nào nhằm hỗ trợ phụ nữ? Tầm nhìn dài hạn của UNFPA trong những năm tới là gì?
Năm nay, chúng tôi đã khai trương trung tâm dịch vụ một cửa thứ năm, tức Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình, bổ sung cho các trung tâm hiện hoạt động tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa và thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2025, UNFPA dự kiến tiếp tục mở rộng mạng lưới này bằng cách xây dựng thêm ít nhất hai trung tâm mới ở An Giang và Điện Biên. Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị, và dự kiến đầu năm 2026 sẽ khai trương thêm hai trung tâm nữa nhằm củng cố mạng lưới hỗ trợ phụ nữ trên toàn quốc.
Bên cạnh việc mở rộng Ngôi nhà Ánh Dương, UNFPA còn chú trọng tăng cường hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số, hiểu rõ những khó khăn đặc thù mà họ gặp phải. Trong các kế hoạch sắp tới, chúng tôi đặc biệt chú trọng vào giáo dục toàn diện về giới tính cho thanh niên, nhất là các nữ thanh thiếu niên. Chương trình này giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về sức khỏe sinh sản, giới tính và kỹ năng sống, từ đó giúp họ tự tin và chủ động trong cuộc sống. Tầm nhìn lâu dài của chúng tôi phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội toàn diện và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!