Lâu rồi mới về quê, tôi ngỡ ngàng trước cảnh "thay da đổi thịt" của quê hương. Đường liên thôn rộng rãi, rải nhựa đen bóng, đẹp hơn cả đường phố nơi tôi đang ở.
Nhà cửa khang trang được quy hoạch ngay hàng, thẳng lối. Nhà nào cũng dùng bếp ga, nước máy không kém gì phố. Mới thấy vai trò của công cuộc xây dựng nông thôn mới!
Mấy đứa cháu dẫn tôi ra khu mộ của dòng họ thắp hương. Tôi lại ngỡ ngàng tiếp. Bãi tha ma xưa kia chỉ toàn những nấm mộ đắp đất lúp xúp không còn, thay vào đó là khu nghĩa trang khang trang, rộng rãi. Bên trong, mỗi dòng họ lại có một khu mộ được quy hoạch theo bề bậc, xung quanh có tường bao chắc chắn, đẹp đẽ.
Đặc biệt, những ngôi mộ tổ xây cao lừng lững, có tháp với mái cong vút, chạm trổ rất kỳ công. Tôi rất vui vì cuộc sống của bà con quê mình đã khấm khá nên có điều kiện tỏ lòng "uống nước nhớ nguồn". Trong bữa ăn, thấy tôi tấm tắc khen khu nghĩa trang của thôn đẹp, anh con ông bác tôi lắc đầu ngán ngẩm:
- Khổ vì tội ganh đua thôi! Nhiều người cũng chưa khá giả gì đâu, nhưng cũng phải theo không bị "tẩy chay"!
Rồi anh kể cho tôi nghe chuyện xây mộ của dòng họ Ngô. Thấy họ Nguyễn xây khu mộ cho dòng họ to nhất nghĩa trang, không thể lép vế, mấy cụ của dòng họ Ngô tức tốc họp con cháu lại. Thế là "công văn hỏa tuyến" được gửi đi khắp nơi trong cả nước để quyên góp. Nào mấy người cháu nghèo phải tha hương tận Tây Nguyên. Rồi con cháu mấy bà góa chồng phiêu bạt lên Lào Cai từ hồi khai hoang những năm 70 của thế kỷ trước, những người trong dòng họ thành đạt lập nghiệp ở thủ đô...
Các cụ lập danh sách các suất đinh của từng nhà để huy động bằng hết. Anh cháu đích tôn được làm tổng chỉ huy, các cụ giám sát. Trước ngày khởi công, mấy cụ vai vế nhất họp đám cháu trai lại ra nghị quyết:
- Khu mộ của họ mình nhất định phải đàng hoàng, to đẹp hơn họ Nguyễn!
Thế là các cụ mua thêm đất, xây lại tường bao. Mộ được quy hoạch lại cho từng chi và theo bề bậc thứ hàng. Đặc biệt mộ tổ thì chỉ kém lăng vua chúa với rồng bay phượng múa, màu sắc lòe loẹt, cổ kim pha trộn. Tiền quyên góp không đủ nên các cụ nói với cháu đích tôn tạm ứng rồi "đâu có đó".
Được cái anh cháu đích tôn có đại lý xe máy trên thị trấn ăn nên làm gia, con cái thành đạt cũng muốn tỏ lòng biết ơn tổ tiên nên sẵn sàng tạm ứng tiền xây dựng. Sau mấy tháng, quyết toán, tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Trong khi đó, tiền huy động mới được hơn trăm triệu, còn hơn trăm triệu nữa chưa biết trông vào đâu để thanh toán cho anh cháu trưởng.
Công việc xong, tưởng ai cũng hể hả vì khu mộ họ mình to đẹp nhất nhưng lại nảy sinh bao mâu thuẫn. Chi đóng nhiều chỉ trích chi đóng ít là dựa dẫm. Người đóng ít lại lấp lửng mình đóng không kém ai. Người không có con trai kêu mình thiệt thòi. Có người còn to nhỏ nghi ngờ người thực thi "chấm mút".
Gia đình anh cháu trưởng cũng lục đục vì có ít tiền để chạy việc cho con bị lấy ra sử dụng, giờ không biết đòi ai mà lại còn mang tiếng "chấm mút". Thế là anh phải lập một bảng danh sách công khai đóng góp của các gia đình.
Thấy khu mộ họ Ngô giờ to nhất nghĩa trang, những dòng họ khác chỉ trích:
- Dòng họ nào cũng "bành trướng" như họ Ngô thì chẳng mấy mà hết đất nghĩa trang.
Thế là tình cảm trong họ ngoài thôn sứt mẻ. Anh tôi buồn bã kết luận:
- Chỉ vì "con gà tức nhau tiếng gáy" mà khổ thế đấy! Ở quê còn nhiều hủ tục lắm cô ạ! Đồng tiền làm ra thì hiếm mà nay giỗ, mai chạp, ngày kia mừng tân gia..., thôi thì đủ thứ trông vào hạt thóc. Hộ khá giả có con cái làm công chức còn đỡ lo chứ những hộ nghèo muốn không bị "tẩy chay" thì cũng bở hơi tai.
Chia tay quê, lòng tôi buồn vui lẫn lộn!