| Hotline: 0983.970.780

Trồng 1 sào su su, lợi nhuận bằng 1 mẫu lúa

Thứ Ba 27/05/2025 , 12:43 (GMT+7)

Được coi là giống rau đặc sản của Tam Đảo, su su trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ dân nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều cây trồng khác.

Cây rau 2 vụ

Những ngày cuối tháng 5, tôi tìm về vựa rau su su nổi tiếng Tam Đảo. Đó là thời điểm giao mùa - khi những vườn su su dưới chân núi tại các xã Hồ Sơn, Tam Quan bắt đầu lụi, thì trên thị trấn Tam Đảo, rau su su bắt đầu vào vụ mới.

Tờ mờ sáng, tại cánh đồng xã Tam Quan, vài bóng người lom khom cắt ngọn rau giữa sương sớm. Những bao tải rau su su nhanh chóng được buộc gọn, đưa kịp chuyến xe sớm về xuôi. Rau non, cắt vội, bởi chỉ cần nắng lên là ngọn sẽ cứng, bớt vị ngọt, khó bán.

Rau su su trồng lấy ngọn được làm dàn thấp để tiện cho việc thu hoạch. Ảnh: Hùng Khang. 

Rau su su trồng lấy ngọn được làm dàn thấp để tiện cho việc thu hoạch. Ảnh: Hùng Khang. 

“Giờ là cuối vụ rồi, rau dạc hết rồi đây. Tranh thủ cắt sớm cho rau non, mềm kẻo nắng lên rau cứng, khó bán”, bà Dương Thị Phương (50 tuổi) ở xã Tam Quan vừa cắt rau vừa nói. Dưới chân núi, rau su su chỉ thu từ tháng 11 đến khoảng tháng 5 năm sau.

Với gia đình chị Phương, su su là sinh kế chính. Chị đầu tư 4 sào su su sau nhà, từ giàn leo, phân bón,  giống. “Một sào đầu tư khoảng 6 - 7 triệu đồng. Phân gà bón mạnh từ đầu, thêm tiền giống, làm giàn. Cây ít sâu bệnh, thu hoạch được liên tục vài tháng, nên tính ra 1 sào su su còn lời hơn cả mẫu lúa”, chị nói rành rẽ như một nông dân đã nhiều năm ăn rau su su, ngủ cùng giàn su su.

Rau su su cuối vụ được người dân thu hoạch từ 5h30 sáng để tránh bị cứng khi nắng lên. Ảnh: Hùng Khang.

Rau su su cuối vụ được người dân thu hoạch từ 5h30 sáng để tránh bị cứng khi nắng lên. Ảnh: Hùng Khang.

Thời điểm tháng Giêng, rau su su có giá 16.000 - 17.000 đồng/kg. Nhưng đến cuối vụ, giá bán buôn chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg. Mùa su su vùng chân núi chuẩn bị kết thúc, bà con chuyển sang trồng các loại rau màu khác.

Ngược lại, chỉ cách hơn chục cây số, tại thị trấn Tam Đảo - nơi có độ cao và khí hậu mát mẻ quanh năm - su su lại đang bắt đầu vào vụ mới. “Trên này thời tiết mát quanh năm, ngọn su su mập mạp, ngọt lắm. Có hôm cắt hôm nay, mai lại cắt tiếp được rồi”, bà Dương Thị Tần (59 tuổi), một nông dân thị trấn Tam Đảo, hồ hởi khoe. Tại đây, nhờ khí hậu đặc thù, rau su su có thể trồng gần như quanh năm, liên tục nối vụ, phục vụ cả thị trường tiêu dùng lẫn du lịch.

Rau su su tại thị trấn Tam Đảo đang vào mùa. Ảnh: Hùng Khang.

Rau su su tại thị trấn Tam Đảo đang vào mùa. Ảnh: Hùng Khang.

Rau su su được trồng nhiều tại các khu vực ven đường dẫn lên thị trấn, chủ yếu phục vụ khách du lịch và một phần cung cấp cho thị trường. Việc có thể thu hoạch quanh năm khiến su su trở thành một trong những đặc sản nổi bật của vùng núi Tam Đảo.

Từ chênh lệch độ cao và điều kiện khí hậu, rau su su tại Tam Đảo hình thành hai mùa rõ rệt: vụ chính ở vùng thấp và vụ trái màu ở vùng cao. Mô hình này vừa tận dụng được điều kiện tự nhiên, vừa tạo nguồn cung liên tục cho thị trường, góp phần ổn định thu nhập cho người dân địa phương.

Bệ đỡ kỹ thuật

Theo ông Trần Duy Lịch - Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo) là địa bàn sản xuất rau su su tập trung lớn và hiệu quả bậc nhất của tỉnh. Đây được xem là những "vựa rau" chủ lực, với hàng chục hecta su su leo xanh mướt trải dài ven chân núi.

"Su su là cây trồng phù hợp với khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng của vùng Tam Đảo. Bà con ở đây có kinh nghiệm nhiều năm trong việc chăm sóc cây su su. Họ sử dụng chủ yếu là phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ để đảm bảo an toàn với môi trường", ông Lịch cho biết.

Rau su su được coi là đặc sản của Tam Đảo vì hợp đất, hợp khí hậu tại nơi này. Ảnh: Hùng Khang.

Rau su su được coi là đặc sản của Tam Đảo vì hợp đất, hợp khí hậu tại nơi này. Ảnh: Hùng Khang.

Thời gian thu hoạch su su kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 - 5 năm sau, tức khoảng 5 - 6 tháng, với chu kỳ 2 - 3 ngày hái một lần. Đây chính là ưu điểm vượt trội của su su so với cây lúa. "Có năm, 1 sào su su có thể lãi tới 20 triệu đồng, ngang với trồng 1 mẫu lúa. Đó là chưa kể các năm được giá tốt, su su có thể bán tới 20.000 - 23.000 đồng/kg", ông Lịch chia sẻ.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng UBND xã Hồ Sơn tổ chức mỗi năm ít nhất một lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con, tập trung vào quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Riêng xã Hồ Sơn được hỗ trợ 50% vật tư đầu vào như phân bón hữu cơ - sinh học - vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nhiều năm.

Cụ thể, năm 2021, hỗ trợ 90 tấn phân bón và 15.000 gói thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho 50 ha su su. Các năm tiếp theo tiếp tục duy trì hỗ trợ tương tự, tùy theo diện tích canh tác thực tế. Trung tâm Khuyến nông chủ yếu hỗ trợ bà con về vật tư và hướng dẫn kỹ thuật.

Ven đường lên Tam Đảo, không khó để bắt gặp các sạp rau su su bày bán ngay bên lề đường. Ảnh: Hùng Khang.

Ven đường lên Tam Đảo, không khó để bắt gặp các sạp rau su su bày bán ngay bên lề đường. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Lịch cũng nhấn mạnh: “Trước đây từng có thời điểm rau su su của Tam Đảo bị hiểu lầm là sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, phân tích mẫu thì không phát hiện sai phạm nào. Từ đó mới thấy, sản xuất rau an toàn rất cần được truyền thông rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm”.

Với điều kiện thời tiết mát mẻ quanh năm, độ ẩm từ 60 - 70%, nhiệt độ lý tưởng 18 - 23 độ C, rau su su ở Hồ Sơn phát triển thuận lợi mà không cần đến các biện pháp can thiệp quá mức. Cũng chính nhờ thế mà nơi đây đang dần trở thành “cánh đồng rau an toàn” kiểu mẫu - một mô hình nông nghiệp sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống.

Xem thêm
Gỡ rào cản thủ tục, cám gạo Việt sẵn sàng chinh phục thị trường Trung Quốc

Dù đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp xuất khẩu cám gạo Việt Nam vẫn gặp khó về thủ tục hành chính theo Nghị định thư mới.

Hàng tấn lợn chết, bốc mùi hôi thối đang tuồn đi tiêu thụ

Hàng tấn lợn chết, bốc mùi hôi thối, đang được tuồn đi tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhà khoa học U90 và giấc mơ xanh hóa nông nghiệp bằng bèo hoa dâu

Sau 3 tháng điều trị bệnh thoái hóa xương khớp, viêm cơ, mới tập tễnh đi lại được bà đã rủ tôi sang Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thăm bèo hoa dâu.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Chàng trai đưa sản phẩm gia dụng làm từ tre ra thế giới

THANH HÓA Các sản phẩm làm bằng tre của HTX Tre Thăng Thọ đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Rùa Philippines vượt đại dương về Côn Đảo đẻ trứng

Bà Rịa - Vũng Tàu Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, một cá thể rùa xanh có dấu từ Philippines vừa vượt hàng nghìn cây số để đẻ 84 quả trứng tại Hòn Bảy Cạnh.

Phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Sự phối hợp chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở và tham gia của cộng đồng, Quảng Nam đang từng bước xây dựng một thế trận phòng cháy rừng chủ động, hiệu quả.

Bình luận mới nhất