Biết tin Thương và Hải yêu nhau, bà Mến (mẹ Thương) và bà Khuê, mẹ Hải ra sức vun vén.
Họ là hàng xóm gần, rất gần. Nhà đối diện nhau, chỉ cách cái ngõ 3 mét rưỡi, lại chơi thân với nhau nên nếu hai đứa trẻ thành đôi, hai nhà sẽ như một.
Đôi trẻ phát triển tình cảm tự nhiên, một năm sau thì chúng xin phép cưới. Hàng xóm ai cũng mừng cho hai gia đình. Dù gì thì con gái lấy chồng gần vẫn là nhất, các cụ xưa đã nói: “Con gái mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”.
Tuy vậy, nhà thông gia quá gần nên bên nào làm gì cũng phải giữ kẽ, kẻo “nhà bên” họ… cười. Ngay cả chuyện dạy con dâu – con rể cũng phải lựa lời, khéo léo, sợ mếch lòng thông gia. Thế nhưng, sự xa cách giữa hai nhà lại tăng lên, nhất là sau khi họ có cháu.
Thương là con út nên được bố mẹ khá cưng chiều. Ở nhà, cô ít khi phải làm gì bởi có mẹ và chị “đảm đương” hết. Nhưng lấy chồng, ở chung với bố mẹ chồng thì không thể như vậy. Hải tuy rất yêu thương vợ, nhưng công việc của anh đi sớm về muộn, chả đỡ đần vợ được bao nhiêu. Bố mẹ Hải vẫn đang đi làm nên việc nhà hầu hết do Thương đảm nhiệm.
Nhìn con gái sáng dậy sớm đi chợ, chiều đi làm về lại tất bật cơm cơm nước nước, bà Mến không khỏi xót xa. Nhất là khi Thương chưa quen nấu nướng, nay đứt tay, mai bị bỏng. Những lúc ấy, bà chỉ biết xót con trong lòng, không dám góp ý với thông gia, và thậm chí hơi giận bà Khuê vì đã để con gái mình vất vả.
Bà Mến ngấm ngầm giúp con gái bằng cách nấu sẵn một số thức ăn, nháy Thương khi nào đi làm về thì qua lấy. Vài lần đầu còn giấu được, đến khi bà Khuê biết thì tỏ rõ sự không vui. Bà nói con dâu: “Mẹ muốn con tập làm, để sau này không ở gần bố mẹ cũng có thể quán xuyến nhà cửa. Con thử nghĩ xem, con có thể ỉ lại vào mẹ con được bao lâu? Sẽ đến lúc nào đó, khi bố mẹ đã già con phải tự mình chăm sóc con cái, bố mẹ, nếu cứ lóng ngóng, vụng về mãi thì có được không?”.
Thương lí nhí vâng dạ. Cô không dám kể chuyện này cho mẹ, nhưng thấy con gái nhất định không nhận đồ mình nấu sẵn, bà Mến lờ mờ hiểu ra sự việc.
Hồi Thương mới sinh con, bố mẹ chồng vẫn đi làm nên không thể chăm sóc, bà Mến muốn con gái ở hẳn nhà mình để tiện chăm nom, nhưng bà Khuê không đồng ý. Bà Khuê chỉ cho con dâu và cháu sang bên ngoại ban ngày, còn tối phải sang nhà nội.
Khổ nỗi, đứa bé khóc dạ đề, ban ngày ngủ im thin thít, ban đêm lại khóc ngằn ngặt. Ở bên nhà, bà Khuê chẳng tài nào ngủ được, nghe tiếng cháu khóc, con hát ru, dỗ dành mãi, rồi có cả ông bà nội bế hộ, nhưng bà Mến cũng không yên tâm. Bà chỉ muốn sang ngay bế cháu, nhưng chồng bà không chịu. Ông bảo bà làm thế là không được, thông gia sẽ tự ái ngay…
Việc nhỏ, việc lớn cứ tích tụ trong lòng bà Mến, khiến bà cũng chẳng thể cởi mở với bà Khuê như trước. Bà Khuê có quan điểm riêng, bà muốn Thương vững vàng, chăm lo quán xuyến mọi việc trong gia đình. Do đó, bà giao cho cô “toàn quyền” chợ búa, cơm nước, nhà cửa. Thiếu tiền, bà đưa.
Cứng rắn là vậy, nhưng khi thấy cháu nội “quấn” ông bà ngoại hơn (do ông bà trông cháu cả ngày) thì bà Khuê lại buồn. Chiều về, bế cháu, cho cháu ăn mà nó cứ eo éo gọi: “Bà ngoại, bà ngoại cơ…” đôi khi cũng bực mình. Có lúc, sẵn chuyện khó chịu ở cơ quan, bà Khuê mắng cháu: “Đấy, thích thì sang ở bên đó luôn đi”. Bé con chỉ chờ có thế, chạy tót đi trong sự ấm ức của bà.
Hai ông thông gia như người hòa giải, luôn phải động viên, xoa dịu bà xã. Các ông cùng hai con về phe với nhau, khuyên nhủ “các mẹ”. Cũng may, gia đình họ có điều kiện nên những chuyến pic – nic, dã ngoại cuối tuần kéo hai bà gần nhau hơn. Càng vui hơn khi cháu đến tuổi đi trẻ, bà Khuê về hưu, lúc này hai bà thông gia – hai bà bạn lại rảnh rang, rủ nhau đi lễ chùa, mua sắm đồ cho cháu hay đi tập thể dục…
Chị Nguyễn Thanh Hà, giảng viên Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia khi được hỏi về nghệ thuật ứng xử với thông gia là hàng xóm gần, cho biết: Có thông gia là hàng xóm gần vừa thuận lợi, vừa bất lợi. Thuận lợi ở chỗ các con có thể qua lại giữa hai nhà rất thuận tiện, có việc gì là có thể chạy qua luôn. Nếu hai gia đình hòa thuận, thì như có thêm người anh em, họ hàng tốt. Hai nhà có thể “dựa” vào nhau, là “hậu phương” vững chắc của đôi trẻ.
Ngược lại, thông gia quá gần (sát vách, đối diện) nhau đôi khi mang lại những phiền toái như: Do gần gũi, đã hiểu hết về nhau nên mối quan hệ giữa họ thường suồng sã hơn những thông gia khác. Họ rất dễ can thiệp vào đời sống riêng tư của nhau và của con cái. Từ đó, bất cứ chuyện gì của đôi trẻ cũng biến thành chuyện người lớn…
Do đó, khi có thông gia ở gần, mỗi gia đình nên lưu ý rằng: Nên giữ kẽ, không quá suồng sã, xâm phạm vào đời sống riêng của gia đình thông gia. Trong trường hợp này, con dâu, con rể nên là cầu nối hai bên gia đình, giúp hai gia đình thêm gắn bó, hòa hợp.