Xã Trường Ninh, tỉnh Quảng Trị có gần 1.200 ha lúa hè thu bị ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 1 từ giữa tháng 6. Theo ông Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Ninh, khoảng 70% diện tích lúa bị ngập sẽ bị ảnh hưởng lớn tới năng suất. “Riêng tại các đơn vị Hoành Vinh, Thống Nhất đã có tổng cộng trên 360 hecta không thể gieo lại được nên coi như mất trắng”, ông Khánh nói.

Tuyến đê hói Chọc thuộc khu vực HTX Hoành Vinh bị xuống cấp, không còn khả năng ngăn lũ trái mùa. Ảnh: T. Đức.
Đê ngăn lũ cần sớm được nâng cấp
Cánh đồng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh (HTX Hoành Vinh) và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (HTX Thống Nhất) liền kề nhau, có tổng diện tích khoảng 700 hecta. Hàng chục năm trước, vùng đồng này được xem là chiêm trũng. Sau đó, Nhà nước huy động hàng vạn ngày công của bộ đội, dân công… để đào đắp, làm nên các tuyến hói, đê để ngăn lũ, tiêu úng. Phía diện tích của HTX Thống Nhất là hói 186, còn bên HTX Hoành Vinh có tuyến hói Chọc, hói tiêu Nam Long. Các tuyến hói này đều có hai tuyến đê bao để ngăn lũ và là đường giao thông nội đồng với chiều dài trên 3 km.
Hàng năm, các tuyến đê bao này đều được các hợp tác xã bỏ kinh phí tu bổ. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn nên việc tu bổ chỉ chống chọi được với những trận mưa lũ trái mùa nhỏ. Trận lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 1 vừa qua đã tràn qua các tuyến đê dù lực lượng nhân công, máy móc đã được huy động để múc đất, nâng cao mặt đê nhằm ngăn lũ cứu lúa. Ông Võ Doãn Chúc, Phó Giám đốc HTX Hoành Vinh cho biết: “Dù đã cố gắng hết sức nhưng các tuyến đê đều bị lũ tràn nên không thể cứu được lúa trên đồng”.

Lãnh đạo HTX Hoành Vinh ngồi buồn trên cánh đồng lớn phải bỏ trắng trong vụ hè thu. Ảnh: T. Đức.
Theo ông Chúc, sau hơn 50 năm đưa vào sử dụng, các tuyến đê bao đã bị bào mòn, thấp hơn ban đầu khoảng 1 m. Dưới hói trước đây có độ sâu tính từ mặt nước là hơn 2 m, nay chỉ còn khoảng 1 m. Nhiều đoạn đê bị sạt lở, trở thành điểm xung yếu trong mùa mưa lũ. “Để đảm bảo sản xuất lúa hai vụ với diện tích trên 700 hecta, chúng tôi mong có sự quan tâm đầu tư để nâng cấp các tuyến đê ngăn lũ, nạo vét các hói tiêu thoát nước. Có như vậy bà con mới an tâm sản xuất”, ông Chúc nói thêm.
Ông Chúc tính, chỉ riêng thiệt hại vụ hè thu năm nay với 360 hecta, năng suất bình quân 60 tạ/hecta thì đã mất gần 220 tấn lúa. Với giá bình quân 7 triệu đồng/tấn như năm ngoái, tổng thiệt hại là trên 15 tỷ đồng. “Chưa kể nếu các tuyến hói, đê có đủ khả năng ngăn lũ, nông dân có thể mở rộng thêm hàng trăm hecta, tăng vụ và thu lợi nhuận cao hơn nữa. Vậy nên việc đầu tư nâng cấp các hói ở vùng này là cấp bách và sẽ phát huy hiệu quả tức thì”, ông Chúc nhìn nhận.
Nước mắt trên đồng lúa cháy
“Lão nông tri điền” Võ Đức Giỏi ở thôn Hoành Vinh, xã Trường Ninh người to khỏe nhưng mấy hôm nay bị ốm, dù vậy ông vẫn cố ra đồng cùng chúng tôi. Ông cho biết, cũng vì mê ruộng đồng nên vụ hè thu năm nay ông tăng vụ cả ruộng trong và ngoài với diện tích tổng cộng hơn 12 hecta. Sau khi gieo sạ hơn chục ngày, thấy cây lúa bén rễ xanh tốt, ông vui mừng và hi vọng một vụ mùa bội thu. Ai ngờ, trận mưa lũ trái mùa đã nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa. Khi lũ rút, khoảng 2 hecta ruộng ở vùng trong lúa chết rụi sạch, còn hơn 10 hecta ruộng vùng ngoài thuộc vùng trũng nước vẫn xâm xấp mặt ruộng.

Cánh đồng lớn của HTX Hoành Vinh và Thống Nhất thường dẫn đầu về năng suất lúa nhưng vụ hè thu này phải bỏ hoang. Ảnh: T. Đức.
Ông ngồi xổm trên vạt ruộng vừa khô nước, cây lúa non bị lũ ngâm héo rũ, chết tạo thành lớp trắng xám phủ mặt ruộng đang nứt nẻ chân chim, nghẹn ngào: “Tôi không tính đến chi phí phân bón, làm đất, giống má… mà nghĩ đến cuối năm giáp hạt không còn hạt thóc trong nhà thì không biết xoay xở ra sao. Ngửa tay là thấy thiếu đói rồi”.
Tại cánh đồng HTX Thống Nhất, ông Nguyễn Đại Thỏa buồn rười rượi nhìn cánh đồng lúa chết và cỏ dại bắt đầu mọc lên. Ông nhớ lại thời điểm này năm ngoái lúa đang vào kỳ làm đòng. Vụ hè thu năm trước, 2 hecta ruộng nhà ông thu được 12 tấn lúa. Ông bán 10 tấn lúa tươi tại ruộng được 75 triệu đồng, còn 2 tấn mang về nhà làm lương thực và chăn nuôi cho đến vụ sau.
Ông bộc bạch: “Khi lũ rút, nước tiêu hết thì lúa cũng chết sạch. Ai cũng muốn gieo lại nhưng không có giống phù hợp với thời vụ, dùng lúa ăn làm giống thì quá bấp bênh. Vậy là đành phải bỏ ruộng trắng. Làm nông được – mất là chuyện thường. Nhưng mất mà bất lực thì đứt ruột lắm”.
Vùng trũng trắng lúa
Nhìn cả cánh đồng lớn hàng trăm ha bỏ trắng cho cỏ dại mọc, ông Võ Văn Ngùng, Phó Giám đốc HTX Hoành Vinh cứ như nói một mình, hàng chục năm qua, vùng quê này luôn làm hai vụ được mùa. Vụ hè thu nào cũng đạt năng suất bình quân hơn 60 tạ/hecta. “Năm ngoái bà con có thu nhập khoảng 47 triệu đồng/hecta, lãi ròng tầm 25 triệu đồng/hecta. Riêng cánh đồng 250 hecta của chúng tôi vụ hè thu năm nay mất đứt hơn 12 tỷ đồng”, ông Ngùng chậm rãi nói.

Ông Võ Đức Giỏi (phải) bên cánh đồng 10 ha của gia đình phải bỏ hoang sau mưa lũ bất thường đầu vụ hè thu 2025. Ảnh: T. Đức.
Ông Hoàng Hải Đàn, Giám đốc HTX Thống Nhất cho hay, hơn 20 năm qua, cánh đồng lúa hai vụ ở đây luôn được mùa, luôn là điểm sáng về năng suất của địa phương. Bà con sản xuất, làm giàu nhờ ruộng lúa. Sau thu hoạch còn phát triển đàn vịt và nghề phụ. Nay cánh đồng bị bỏ trắng thì đời sống, thu nhập người dân sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Ông Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Ninh cho hay, người dân thường lấy thu nhập từ vụ đông xuân để đầu tư vụ hè thu và lấy lúa vụ này dùng cho thời kỳ giáp hạt. Nhiều hộ bán lúa để chuẩn bị khai giảng cho con cái. “Diện tích lúa mất trắng nhiều đã tác động lớn đến hàng ngàn hộ dân. Không có thu hoạch sẽ dẫn đến thiếu đói cục bộ. Chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên để có chính sách hỗ trợ kịp thời trong kỳ giáp hạt”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho hay: “Vụ hè thu 2025 toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy trên 37.000 hecta lúa, có trên 29.800 hecta bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó, hơn 14.000 hecta được chăm sóc để tự phục hồi, trên 14.330 hecta nông dân tự gieo lại và trên 435 hecta bị mất trắng. Diện tích mất trắng chủ yếu tập trung tại xã Trường Ninh”.