Mạnh tay xử phạt người “châm mồi lửa”
Tỉnh Hà Tĩnh có hơn 358.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó đất có rừng hơn 313.000 ha. Tính đến nay, đã có gần 322.000 ha rừng và đất lâm nghiệp giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý; số còn lại đang do UBND xã quản lý, bảo vệ.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu cả hệ thống chính trị nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR khi mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn căng thẳng. Ảnh: Thanh Nga.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý về cơ bản trở thành “cánh tay nối dài” giúp cơ quan chuyên môn bảo vệ rừng tại gốc hiệu quả. Tuy nhiên, tại một số địa phương, sự vào cuộc của chính quyền và ý thức của người dân còn hạn chế cũng không ít lần đe dọa đến rừng, ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa nắng nóng.
“Năm 2024 toàn tỉnh xảy ra 19 điểm phát lửa nhưng chỉ 6 điểm gây cháy rừng, giảm 5 vụ cháy và diện tích thiệt hại giảm hơn 5,7 ha. Con số này phần nào khẳng định nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng bảo vệ rừng trong bối cảnh khó khăn chồng chất như thiếu hụt biên chế, kinh phí bảo vệ rừng cắt giảm, nắng nóng gay gắt kéo dài…”, ông Phạm Nguyễn Bính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCCCR và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo ông, sở dĩ nhiệm vụ PCCCR luôn được đặt lên hàng đầu bởi, “rừng là vàng”, rừng ngăn chặn biến đổi khí hậu gia tăng, điều hòa môi trường sống cho con người. Mất một cây rừng trưởng thành sẽ mất cả chục năm, thậm chí hàng chục năm trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc để gia tăng độ che phủ. Vì vậy,

Khi phát hiện các hành vi vi phạm lâm luật, cơ quan chức năng Hà Tĩnh luôn “mạnh tay” xử lý, tham mưu xử lý dứt điểm nhằm tăng tính răn đe. Ảnh: Thanh Nga.
khi phát hiện các hành vi vi phạm lâm luật, cơ quan chức năng Hà Tĩnh luôn “mạnh tay” xử lý, tham mưu xử lý dứt điểm nhằm tăng tính răn đe.“Trong năm vừa qua lực lượng kiểm lâm đã xử phạt và phối hợp tham mưu xử phạt vi phạm quy định về an toàn PCCCR 33 vụ/33 đối tượng, phạt tiền hơn 438 triệu đồng. Các thủ phạm “châm mồi lửa” gây cháy rừng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin.
Nghiên cứu đầu tư thêm "mắt thần" giám sát lửa rừng
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, nền nhiệt độ năm 2025 tương đương năm 2024, thời gian nắng gay gắt tập trung từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7. Thời điểm này gió Lào cũng thổi mạnh nên cần cảnh giác cao độ PCCCR.
“Các kịch bản PCCCR năm nay chúng tôi đã xây dựng xong. Khi có cháy lớn xảy ra luôn có 500 người cùng các phương tiện, thiết bị thiết yếu sẵn sàng cơ động. Ngoài ra, đoàn liên ngành cấp tỉnh (Kiểm lâm, Công an) cũng sẽ kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại các địa phương, đơn vị nhằm chấn chỉnh kịp thời các trường hợp lơ là”, ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh nói.

Chính quyền cơ sở và lực lượng Kiểm lâm kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh đầu tư kinh phí trang bị thêm "mắt thần" giám sát lửa rừng. Ảnh: Thanh Nga.
Theo ông, tỉnh cũng phân ra 5 cụm địa bàn trọng điểm để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, huy động lực lượng, phối hợp ứng cứu khi có cháy rừng lớn xảy ra. Theo đó, cụm 1 gồm: huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh; cụm 2: huyện Hương Khê, Vũ Quang; cụm 3: huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh; cụm 4 gồm: huyện Hương Sơn, Đức Thọ và cụm 5: huyện Can Lộc, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR năm 2025 và thời gian tới, chính quyền các địa phương và lực lượng Kiểm lâm kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh bố trí ngân sách tiếp tục đầu tư nguồn lực trang bị thêm camera giám sát lửa rừng.
Đồng tình với kiến nghị sườn của các địa phương, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Việc số hóa trong công tác BVR-PCCCR là rất cần thiết. Hiện toàn tỉnh mới trang bị được 22 mắt camera là quá ít so với diện tích rừng cần bảo vệ hàng trăm nghìn ha. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Sở Tài chính sau hội nghị tổng kết công tác PCCCR kịp thời báo cáo ủy ban nội dung này để có giải pháp tiếp tục đầu tư, trang bị thêm mắt camera”.
Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, các địa phương, đơn vị cần tuân thủ nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính; chủ động dự báo, cảnh báo và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các điểm phát lửa. Tổ chức thực hiện tốt công tác trực tuần tra, phát hiện sớm lửa rừng, trực kiểm soát tại các cửa rừng, giám sát người ra, vào rừng trong suốt thời gian nắng nóng.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BVR-PCCCR năm 2024. Ảnh: Thanh Nga.
Khi có cháy, yêu cầu cấp huyện thực hiện nghiêm phương án “4 tại chỗ” đã ban hành; chỉ huy động lực lượng ứng cứu cấp tỉnh khi thật sự cấp thiết...
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo các điểm cầu đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 4 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BVR-PCCCR năm 2024.