| Hotline: 0983.970.780

Nước tưới vụ hè thu: Dùng nước tiết kiệm, gieo sạ tập trung

Thứ Năm 29/05/2025 , 08:11 (GMT+7)

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa sẽ thực hiện điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, đảm bảo sản xuất vụ hè thu.

Mở nước phục vụ sản xuất lúa hè thu

Những ngày này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) đang triển khai điều tiết nước tưới hồ Am Chúa dẫn về các kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất vụ hè thu của bà con các xã Diên Điền, Diên Sơn (Diên Khánh).

Hồ Am Chúa nằm tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Hồ Am Chúa nằm tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Bùi Hữu Thúc, Giám đốc Hợp tác Nông nghiệp Diên Sơn 1 cho biết, hằng năm do hồ Am Chúa không đủ nước nên Hợp tác xã phải bỏ sản xuất khoảng 100 ha trong vụ hè thu.

Tuy nhiên, kết thúc vụ đông xuân vừa qua, hồ này vẫn còn khá nhiều nước nên vụ này hợp tác xã được phép sản xuất 58 ha, bà con rất vui mừng.

“Nước về tới đâu hợp tác xã cho tiến hành cày xới đất tới đó, tránh thất thoát. Khi cày xong, chúng tôi sẽ gieo sạ tập trung”, ông Thúc chia sẻ và cho biết thêm, đối với 41 ha phải tạm dừng sản xuất, hợp tác xã đã tuyên truyền, mời bà con ký cam kết không được tự ý bơm nước để gieo sạ tránh thiệt hại.

Ông Bùi Hữu Hoàng, Cụm trưởng hồ chứa nước Am Chúa cho biết, kết thúc vụ đông xuân, hồ Am Chúa còn 3,64 triệu m3 nước, đạt gần 90% dung tích thiết kế. Do đó, Cụm đã phối hợp với Văn phòng đại diện Diên Khánh, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cân đối nguồn nước cho sản xuất 307 ha lúa hè thu và tạm dừng sản xuất khoảng 52 ha thuộc các hợp tác xã Diên Sơn 1 và Diên Sơn 2.

Nước về, các xã Diên Điền, Diên Sơn triển khai cày bừa để chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu. Ảnh: KS.

Nước về, các xã Diên Điền, Diên Sơn triển khai cày bừa để chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu. Ảnh: KS.

“Nếu từ nay đến ngày 5/6, trời có mưa, hồ đủ nguồn nước, chúng tôi sẽ phối hợp Văn phòng đại diện Diên Khánh và Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cân đối nguồn nước cho sản xuất 52 ha còn lại”, ông Hoàng nói.

Sẽ điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý

Ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác vận hành 19 hồ chứa nước, với tổng dung tích thiết kế 213 triệu m3. Ngoài ra, công ty còn được giao quản lý 32 đập dâng và 6 trạm bơm.

Trong năm 2025, Công ty phục vụ cấp nước sản xuất cho 31.787 ha, trong đó vụ đông xuân 16.402 ha, còn vụ hè thu khoảng 15.200 ha. Bên cạnh đó, cấp nước thô cho 11 đơn vị, công ty trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Thành, kết thúc mùa mưa năm 2024, nguồn nước tại các hồ chứa do công ty quản lý cơ bản đạt dung tích thiết kế. Tuy nhiên để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, ngay từ vụ đông xuân, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh, văn phòng đại diện trong quá trình cấp nước tưới, nước sinh hoạt phải linh hoạt đúng nơi, đúng chỗ, hợp lý, tránh lãng phí nước, từ đó giữ nguồn nước cấp cho vụ hè thu.

Thủy nông viên khơi thông dòng chảy để cấp nước hiệu quả, tránh thất thoát. Ảnh: KS.

Thủy nông viên khơi thông dòng chảy để cấp nước hiệu quả, tránh thất thoát. Ảnh: KS.

“Kết thúc vụ đông xuân, nguồn nước tại các hồ chứa do công ty quản lý còn 171 triệu m3, đạt 80% tổng dung tích thiết kế. Trên cơ sở này, công ty đã tính toán đưa ra kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2025 là hơn 14.700 ha, đạt 97% kế hoạch.

Diện tích tạm ngừng sản xuất là 475 ha do tại các hồ chứa nước như Suối Trầu, Cây Sung, Am Chúa không đủ nước để tưới theo diện tích thiết kế và một số đập dâng trên sông nguồn sinh thủy xuống thấp”, ông Thành bày tỏ.

Về diện tích tạm dừng sản xuất hè thu, ông Thành cho hay, thời gian tới, nếu có mưa bổ sung thì công ty sẽ tính toán và thông báo cho đơn vị dùng nước biết để tiếp tục mở rộng diện tích.

Còn đối với diện tích sản xuất, để cấp nước đảm bảo, công ty chỉ đạo các chi nhánh, văn phòng tiến hành phát dọn, nạo vét, sửa chữa các hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi; khơi thông các dòng chảy sông, suối để tạo nguồn cấp nước thông suốt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, công ty đã đề nghị các đơn vị dùng nước phát dọn, nạo vét, sửa chữa các hệ thống công trình kênh mương theo phân cấp quản lý. Đồng thời tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, gieo sạ tập trung, đúng thời vụ. Tuyệt đối không được tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, tránh tình trạng bị thiệt hại do không có nước tưới.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa sẽ điều tiết nước tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: KS.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa sẽ điều tiết nước tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: KS.

Ngoài ra, trong việc điều tiết nước cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị dùng nước, đảm bảo đủ nguồn nước tưới, nước sinh hoạt cho bà con, từ đó góp phần thắng lợi trong vụ hè thu này.

Lưu ý

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ, từ tháng 5 - 7, hiện tượng ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70 - 90%, từ tháng 8 - 10 có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính với xác suất từ 55 - 65%. Nắng nóng và khô hạn tiếp tục duy trì tại khu vực vùng núi phía Tây và Nam tỉnh Khánh Hòa, sau đó có khả năng mở rộng khu vực đồng bằng ven biển. Từ tháng 9 trở đi, nắng nóng có xu hướng giảm.

Mặt khác, từ tháng 5 - 6, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 10 - 20%, riêng tháng 7 - 10 xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nước điều tiết dẫn về các kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất vụ hè thu. Ảnh: KS.

Nước điều tiết dẫn về các kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất vụ hè thu. Ảnh: KS.

Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa cho biết, vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh sẽ gieo sạ khoảng 17.780 ha. Ông lưu ý, đối với vùng chủ động và an toàn về nguồn nước, bà con cần tiến hành gieo sạ tập trung vào trà chính vụ, đầu tư thâm canh cao, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, gieo sạ đúng kế hoạch.

Vùng có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ, cần xây dựng phương án chống hạn để chủ động khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả kết hợp với việc sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày khác.

Còn vùng không có khả năng đảm bảo lượng nước tưới cần thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn gây ra.

Cụm hồ chứa nước Am Chúa thường xuyên phát dọn kênh mương, khơi thông dòng chảy, tránh thất thoát nguồn nước. Đồng thời phối hợp các hợp tác xã tuyên truyền, động viên bà con không được tự ý lấy nước. Sau khi bà con gieo sạ xong, Cụm sẽ thực hiện cấp nước luân phiên (2 ngày tưới, 2 ngày đóng) để sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Chứng nhận MarinTrust: Cánh cửa giúp bột cá Việt vượt rào cản IUU

TP.HCM Sáng 24/7, Chi hội Bột cá, dầu cá Bà Rịa - Vũng Tàu và Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam tổ chức tập huấn chứng nhận MarinTrust và thực hành IUU.

Trồng rừng bền vững, gặt lợi đa tầng

Vĩnh Long Với người dân, rừng không chỉ là 'lá chắn' gió biển, mà còn là sinh kế thiết thân của những phận đời miệt biển.

Bình luận mới nhất