Ưu tiên bộ giống ngắn ngày
Ngày 8/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ hè thu năm 2025.
Vụ thè thu năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu gieo cấy hơn 45.000ha lúa, sản lượng phấn đấu đạt trên 23 vạn tấn. So với năm 2024, thời tiết năm nay dự báo thuận lợi hơn, ít căng thẳng về nước tưới. Tuy nhiên cuối vụ nguy cơ cao chịu ảnh hưởng các đợt mưa cực đoan, ngập lụt.

Hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ hè thu năm 2025 của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
“Từ đầu năm đến nay lượng mưa khá lớn, các đợt nắng nóng trong mùa hè cũng ít hơn nhiều so với các năm trước nên nguồn nước tưới không đáng ngại. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý cuối vụ vì áp thấp nhiệt đới, mưa lũ dự báo sẽ nhiều hơn”, ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh thông tin.
Để đảm bảo an toàn cho vụ hè thu, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương khuyến cáo, đôn đốc người dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, phấn đấu kết thúc trước ngày 15/6 để lúa trổ tập trung từ 5 - 10/8, kết thúc thu hoạch trước ngày 10/9. Riêng các địa phương vùng ngoài đê huyện Đức Thọ, vùng hạ huyện Hương Sơn, bắc Hồng Lĩnh, Nghi Xuân phải bố trí gieo cấy các giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày để thu hoạch trước 5/9 nhằm né thiên tai.
Quan trọng nhất, cơ cấu giống lúa phải đảm bảo đa dạng, có khả năng thích nghi, chống chịu tốt với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và sâu bệnh. Theo đó, các giống đại trà đã sản xuất ổn định qua nhiều năm, nhiều vùng sinh thái, thổ nhưỡng khuyến khích gieo cấy gồm: Nếp 98, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Khang dân đột biến, Khang dân 18, VNR20, Hương thơm số 1, BQ, HN6, Thiên ưu 8, ADI168; các giống lúa lai như TH3-5, Lai thơm 6, Thái Xuyên 111, Nhị ưu 838...

Vụ hè thu năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu gieo cấy hơn 45.000ha lúa. Ảnh: Thanh Nga.
Các giống đã được công nhận lưu hành bước đầu thể hiện tính thích nghi trên địa bàn tiếp tục mở rộng diện tích phù hợp để đánh giá, chọn lọc bổ sung vào bộ giống đại trà gồm: HG12, TBR97, Hương Bình, Hương Thanh 8, ADI28, TH3-7, TBR87, AYT77, Hana 318, LP5, QC03, DT82, Q5, SV181.
Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất
Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh về diện tích sản xuất lúa hè thu hàng năm. Năm nay, huyện phấn đấu gieo cấy hơn 8.200ha, năng suất 54,8 tạ/ha, sản lượng hơn 45.000 tấn.

Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tích tụ ruộng đất để nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: Thanh Nga.
2 năm gần đây, Cẩm Xuyên đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với dồn điền, đổi thửa rất hiệu quả. Nhiều cánh đồng lớn sản xuất đồng nhất một giống, một quy trình chăm sóc và thu hoạch được hình thành như: Cánh đồng lúa theo quy trình hữu cơ sử dụng máy cấy, mạ khay và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Cẩm Bình (16ha), Cẩm Quang (5ha), Cẩm Lạc (3ha), Cẩm Vịnh (4ha)...
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tích tụ ruộng đất để nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hàng hóa, ưu tiên sử dụng các giống phục vụ nhu cầu chế biến như Khang dân 18, Xuân Mai, Nếp 98; ứng dụng cơ giới hóa ở các khâu làm đất, phun thuốc, thu hoạch”, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói.
Theo ông, năm nay áp lực thời vụ lớn do thu hoạch vụ xuân chậm hơn so với các năm từ 8 – 10 ngày. Việc cần làm nhất bây giờ là tỉnh sớm hướng dẫn, phân cấp quản lý công trình thủy lợi để địa phương phối hợp điều tiết, phân bổ nước tưới hợp lý, kịp thời.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị . Ảnh: Thanh Nga.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nguyên nhân khiến khung thời vụ vụ hè thu năm nay căng thẳng ngoài yếu tố thu hoạch lúa xuân muộn, việc xóa cấp huyện, thiếu hụt cơ giới hóa, nhất là thời điểm làm đất đồng loạt hoặc thu hoạch đồng loạt cũng là những yếu tố sẽ làm chậm thời vụ.
“Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đang chỉ đạo hình thành tổ đội, HTX cùng nhau làm dịch vụ cơ giới từ máy làm đất, máy phun thuốc BVTV, máy gặt. Giao các xã mời chủ máy đến làm việc, quán triệt đẩy nhanh tiến độ và quản lý giá dịch vụ, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập của người dân”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu sở ngành liên quan và các địa phương không để việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt lịch thời vụ, cơ cấu giống nhằm đảm bảo vụ hè thu thắng lợi.