Những đơn vị chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm
Hơn chục năm về trước, ngày 15/9/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 3750/QĐ-UBND-ĐC về việc công bố danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên địa bàn các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, vào ngày 01/10/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 1788/QĐ-TTg công bố giai đoạn năm 2003 đến năm 2015, toàn tỉnh Nghệ An có 77 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ÔNMT và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước đây tỉnh Nghệ An có đến 77 cơ sở trong danh sách gây ÔNMT. Ảnh: Đình Tiệp.
Việc ban hành các quyết định nói trên nhằm mục đích rà soát, định vị các điểm đang gây ÔNMT trên địa bàn Nghệ An phải có phương án xử lý triệt để, đảm bảo đời sống sinh hoạt ổn định cho người dân. Cũng sau khi có công bố 77 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ÔNMT, từ năm 2016 đến nay, Nghệ An chưa phát hiện, công bố thêm điểm nào phát sinh về ÔNMT.
Theo xác nhận của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, sau nhiều nỗ lực, 72 đơn vị gây ÔNMT đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Từ kết quả này, Nghệ An quyết tâm không để phát sinh nguồn gây ÔNMT phức tạp và tiến tới sẽ "sạch" cơ sở gây ÔNMT.
Đơn cử, vào ngày 29/6/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2483/QĐ-UBND.ĐN phê duyệt dự án xử lý triệt để ÔNMT nghiêm trọng với tổng kinh phí thực hiện 28 tỷ đồng, thực hiện tại bãi rác thị xã Thái Hòa, giao UBND thị xã Thái Hòa làm chủ đầu tư.

Bãi rác thải thị xã Thái Hòa - một trong những cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng được đầu tư ở một vị trí mới. Ảnh: Đình Tiệp.
Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã chấm dứt tình trạng ÔNMT từ nhiều năm nay. Cuộc sống của người dân cũng trở lại trạng thái bình thường. Nỗi ám ảnh về cảnh sống chung với ÔNMT cũng đã được xoá bỏ.
Đến nay, cơ quan có thẩm quyền cũng đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để cho 72 cơ sở từng gây ÔNMT. Cụ thể, trước năm 2018 có 17 đơn vị; năm 2018 có 7 đơn vị; năm 2019 có 4 đơn vị; năm 2020 có 2 đơn vị; năm 2021 có 2 đơn vị; từ năm 2022 đến nay có 40 đơn vị được đưa ra khỏi danh sách này.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, hiện nay còn 5 đơn vị trong danh sách nói trên đang chưa hoàn thành việc xử lý triệt để ÔNMT. Cụ thể là Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An; bãi rác thị xã Cửa Lò; bãi rác Đông Vinh; bãi rác huyện Tân Kỳ và trang trại lợn Thái Dương.
Làm ‘sạch’ danh sách và không để phát sinh đơn vị ÔNMT
Được biết, ngày 02/3/2022, Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2030.
Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết 08 đặt ra là vào năm 2025, 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đặc biệt, đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu đạt 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.

Trại lợn Thái Dương là 1 trong 5 đơn vị đang còn trong danh sách gây ÔNMT nhưng đã dừng hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: Đình Tiệp.
Trở lại với 5 đơn vị đang nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nêu trên. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nằm trong Quyết định 4586/QĐ-UBND ngày 08/10/2015 của UBND tỉnh Nghệ An với yêu cầu xây dựng và cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Thời hạn hoàn thành là giai đoạn năm 2015 đến 2018.
Sau đó, đơn vị này đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và lò hấp rác thải theo công nghệ hấp ướt bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường Trung ương và ngân sách đối ứng của tỉnh Nghệ An. Hệ thống xử lý nước thải sau đó được bàn giao, sử dụng. Tuy nhiên, nước thải sau xử lý chưa đạt yêu cầu.
Hiện Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) với quy mô hơn 1 nghìn giường bệnh tiêu chuẩn quốc tế. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.259 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 5/2025. Khi đó, toàn bộ bệnh viện này sẽ được chuyển ra cơ sở mới hoạt động.
“Cơ sở mới của Bệnh viện được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải cũng được đầu tư với công nghệ tiên tiến, hiện đại nên khi đi vào vận hành trong thời gian tới vấn đề môi trường chắc chắn sẽ đảm bảo”, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho hay.
Các đơn vị khác như bãi rác Đông Vinh cơ bản đã được vận chuyển lượng rác tồn đọng đi xử lý. Hiện còn tồn đọng khoảng 84 nghìn tấn đang tiếp tục được xử lý. Riêng trại lợn Thái Dương đã dừng hoạt động và sẽ tiến hành chuyển đổi lĩnh vực sản xuất trong thời gian tới…

Để Nghệ An 'sạch' cơ sở gây ÔNMT và không phát sinh cơ sở mới thì tỉnh này đang chú trọng thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường. Ảnh: Đình Tiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, Chi cục đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở gây ÔNMT thực hiện các biện pháp xử lý triệt để theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.Về cơ bản, trên địa bàn tỉnh đã không còn cơ sở gây ÔNMT. Vì theo quy định và cơ chế quản lý mới, nếu đơn vị nào không đảm bảo vấn đề môi trường thì sẽ không cấp giấy phép môi trường, mà không có giấy phép môi trường thì đồng nghĩa với việc không được hoạt động.
Trong số 5 đơn vị còn trong danh sách, có 4 đơn vị đã không còn hoạt động (gồm các bãi rác Đông Vinh, Tân Kỳ, Cửa Lò cùng trại lợn Thái Dương), còn Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cũng đã sắp di chuyển ra cơ sở mới.
“Để Nghệ An 'sạch' cơ sở gây ÔNMT và tránh phát sinh các đơn vị gây ÔNMT trong thời gian tới, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường chặt chẽ các đơn vị đã và đang hoạt động thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ chính sách quản lý đến kỹ thuật thực tiễn. Theo đó, siết chặt quy hoạch ngành nghề, khu vực, chỉ cho phép đầu tư các ngành, dự án thân thiện với môi trường vào khu vực nhạy cảm như gần khu dân cư, sông hồ, khu bảo tồn…
Thẩm định môi trường phải thực chất, khoa học, yêu cầu doanh nghiệp chứng minh giải pháp xử lý chất thải hiệu quả; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các lĩnh vực có nguy cơ cao…”, ông Lê Văn Hưng, cho biết thêm.