| Hotline: 0983.970.780

'Mổ xẻ' nguyên nhân ngập lụt đô thị Cần Thơ

Thứ Tư 23/07/2025 , 21:26 (GMT+7)

Ngập ở Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng do đô thị hóa thiếu kiểm soát, kênh rạch bị bức tử và không còn không gian cho nước lan tỏa tự nhiên.

Ngập do mưa

Tại TP Cần Thơ, ngập lụt đô thị đã trở thành hiện tượng thường xuyên. Cuộc sống “lõm bõm” nơi đô thị miền Tây chính là phản ánh rõ nét về sự bất cập trong quy hoạch phát triển và tổ chức không gian nước.

Người dân Cần Thơ lội nước giữa trung tâm thành phố sau cơn mưa lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân Cần Thơ lội nước giữa trung tâm thành phố sau cơn mưa lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để có giải pháp đúng, cần nhận diện rõ hai dạng ngập phổ biến là ngập do mưa và ngập do thủy triều, hai hiện tượng với nguyên nhân và hướng xử lý hoàn toàn khác nhau.

Ngập do mưa ở Cần Thơ phần lớn xuất phát từ tình trạng đô thị hóa thiếu kiểm soát với mật độ xây dựng quá cao, khiến bề mặt thấm nước bị bê tông hóa gần như hoàn toàn.

Hệ thống thoát nước hiện nay quá yếu, không kịp dẫn nước ra ngoài kể cả khi lượng mưa chưa phải là cực đoan. 

Một trận mưa vừa đủ làm toàn bộ nước từ các mái nhà dội xuống mặt đường, nhưng đất không thể hút vì đã bị bê tông phủ kín. Nước thay vì đi xuống lòng đất lại lan tràn khắp phố phường, gây ngập nhanh chóng.

Khôi phục kênh rạch nội ô

Cần Thơ từng là đô thị sông nước đúng nghĩa, xuồng ghe đi len lỏi khắp nội ô được. Ngày nay, nhiều kênh rạch đã bị san lấp, bị kè bằng bê tông và ô nhiễm nặng. Việc “làm sạch” bằng bê tông tưởng là văn minh nhưng thực chất lại loại bỏ hoàn toàn sự sống sinh thái của đô thị sông nước.

Những dòng kênh từng là bản sắc sông nước Cần Thơ nay bị san lấp hoặc bó hẹp bằng bê tông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những dòng kênh từng là bản sắc sông nước Cần Thơ nay bị san lấp hoặc bó hẹp bằng bê tông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khôi phục hệ thống kênh rạch nội đô tuy tốn kém nhưng là khoản đầu tư lâu dài với lợi ích đa dạng. Các tuyến rạch được cải tạo thành không gian xanh, có đường đi bộ cho người dân tập thể dục, thư giãn mỗi sáng. Kênh rạch sạch sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Du khách có thể ngắm hàng bần ven sông, ngắm đom đóm ban đêm và khám phá văn hóa bản địa qua các tuyến tham quan thủy quyển. Ông Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, thay vì lấn chiếm kênh rạch để xây dựng, thành phố nên nhận thức rằng một dòng rạch sinh thái chính là tài sản đô thị quý giá, vừa giúp giảm ngập, vừa nâng tầm diện mạo và tạo bản sắc riêng.

Ngập thủy triều do nước không có không gian lan tỏa

Ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định thêm, ngập do thủy triều là vấn đề vượt khỏi phạm vi từng đô thị mà phải đặt các đô thị vào bối cảnh chung của toàn đồng bằng. Mực nước chúng ta thấy những ngày ngập là tổng của 3 thành phần gồm thủy triều từ Viển Đông vào, nước lũ từ sông Mekong xuống và nước mưa nội vùng.

Tình hình ngập càng ngày càng nghiêm trọng hơn, năm sau cao hơn năm trước vì mấy yếu tố sau: Thứ nhất, là nước biển dâng dù với tốc độ chậm chỉ khoảng 3mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm sẽ đáng kể. 

Thứ hai, là toàn bộ ĐBSCL đang bị sụt lún nghiêm trọng với tốc độ trung bình 1.1cm/năm và ngày càng gia tăng. Thứ ba, là nước thiếu không gian lan tỏa, kể cả nước từ thượng nguồn xuống và nước thủy triều từ biển lên. 

Ngày trước, nước từ trên thượng nguồn Mekong đổ về được các cánh đồng trũng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hấp thu tới hơn 19.000m3. Còn bây giờ nước sông Mekong về gặp những ô đê bao khép kín để làm lúa vụ ba, không vào được. Do đó, nước ở trong lòng sông đi xuống phía dưới như Mỹ Tho (Đồng Tháp), Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy (Hậu Giang cũ) gây ngập. 

Thủy triều từ biển lên giờ đây không còn không gian để lan tỏa như trước. Đê biển ngăn nước từ phía ngoài, các đê ven sông cũng cản trở dòng chảy lan tỏa. Nước chỉ ở trong lòng sông và dâng cao gây ngập các đô thị và đường giao thông, trong khi ruộng vườn vẫn khô ráo.

Xem thêm
Uống nước nhớ nguồn

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết mang tiêu đề 'Uống nước nhớ nguồn'. Báo Nông nghiệp và Môi trường xin trân trọng giới thiệu toàn văn.

Bình luận mới nhất