Chiều muộn 22/7, khi những đám mây nặng nước vừa trôi qua bầu trời xã Hải Thịnh, ông Nguyễn Văn Hà, cán bộ thủy nông Hải Hậu (tỉnh Ninh Bình) đã đứng bên cửa cống tự bao giờ. Mắt dõi theo vệt nước đang lên dần ngoài kênh.
Chỉ vài giờ trước, mưa trút như dội, khiến khu vực dọc đê biển Thịnh Long trắng nước. “Bão số 3 (Wipha) gió không lớn, nhưng mưa thì dồn dập. Tiêu nước trong điều kiện như vậy không đơn giản, vì phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều”, ông Hà nói, giọng trầm đều sau mấy đêm thức trắng.
Đó cũng là điều mà không ít người dân vùng ven biển từng thắc mắc: Ruộng đã ngập trắng, sao không mở ngay cống tiêu cho nước thoát? Tại sao lại phải chờ? Những câu hỏi rất đời thường ấy, năm nào cũng lặp lại, mỗi mùa mưa bão. Và câu trả lời nằm ở nơi mà ít người để ý đến - mực nước ngoài biển.

Những cống tiêu nước dọc bờ biển Ninh Bình là công trình phòng, chống úng ngập hiệu quả, bảo vệ sản xuất khi thiên tai ập đến. Ảnh: Bảo Thắng.
Không ít người cho rằng tiêu úng nội đồng là một việc đơn giản. Ruộng ngập thì mở cống, nước sẽ tự chảy ra. Nhưng trên thực tế, vận hành tiêu thoát vùng ven biển là một quá trình phức tạp, vừa phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vừa gắn với yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Cái khó không nằm ở chỗ thiếu thiết bị, mà ở chỗ... không được phép nóng vội.
Ông Nguyễn Văn Việt, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Hải Hậu, lý giải: “Tiêu nước không phải như mở van nước sinh hoạt. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Nếu mở sai thời điểm, không những không tiêu được mà còn bị... ngập hơn”.
Hệ thống tiêu úng ở các xã ven biển, như Hải Thịnh, Hải Tiến, chủ yếu vận hành theo nguyên lý trọng lực. Nước chỉ thoát được khi trong đồng cao hơn ngoài biển. Ngược lại, nếu thủy triều đang dâng, mở cống chẳng khác nào mở đường cho nước mặn tràn vào, gây hại cho sản xuất nông nghiệp.
Thực tế, việc vận hành cống tiêu là một cuộc đua chính xác theo lịch âm. “Có khi một ngày chỉ có một con nước cho phép xả. Lệch một, hai giờ là coi như mất cả ngày”, cán bộ thủy nông Nguyễn Văn Hà nói thêm. Bởi vậy, dù lịch làm việc của cán bộ thủy nông không theo giờ hành chính, nhưng lại luôn đúng nhịp với trăng, với nước.

Nước trong đồng tại nhiều khu vực tại Ninh Bình còn cao, nhưng việc mở cống ven biển tiêu nước phụ thuộc vào con triều, khi nào triều rút thì mới có thể mở cống. Ảnh: Phạm Hiếu.
Có những đợt mưa lũ, dù là 2-3 giờ sáng, cả đội phải bật dậy đi mở cống. Họ lội giữa trời mưa, cầm đèn pin ra trạm, mở xả trong thời gian ngắn ngủi khi nước biển thấp hơn nước trong đồng. “Sai một chút là nước mặn vào, hỏng cả vụ mùa”, ông Hà nói, mắt vẫn không rời khỏi mực nước biển bên ngoài cửa cống.
Không chỉ khó khăn về mặt kỹ thuật, việc mở cống sai thời điểm còn ẩn chứa nhiều nguy cơ về an toàn hệ thống. Khi nước ngoài biển cao hơn trong đồng, áp lực dòng chảy ngược có thể gây xói lở, phá hoại chân đê hoặc hư hỏng cửa van. Một sự cố nhỏ tại cửa cống cũng có thể ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng nghìn hecta lúa, hoa màu và tính mạng người dân vùng thấp.
Trong những năm gần đây, một số xã đã được tỉnh hỗ trợ máy bơm cưỡng bức hoặc bơm di động. Tuy nhiên, theo ông Việt, số lượng vẫn rất hạn chế. “Bơm cưỡng bức đòi hỏi đầu tư lớn, trạm bơm công suất cao, điện ba pha, đội vận hành chuyên trách. Không thể trang bị đại trà cho tất cả các vùng trũng”, ông Hà phân trần. Vì vậy, phần lớn hệ thống tiêu vẫn dựa vào tự nhiên, tức là vào... con nước.
Có năm, mưa lớn rơi trúng kỳ triều dâng, cả tuần không tiêu được. Nước lênh láng mà những cán bộ thủy nông như ông phải đứng bó tay chịu trận. Đồ đạc ướt hết, anh em trong trạm phải đi mua quần áo mới để trực tiếp, để chờ sang con nước sau mới xử lý được. Với những người đã quen với bão, lũ, trăng, triều như ông Hà, điều ám ảnh là cảm giác bất lực, khi thấy đồng ruộng chìm trong nước, biết rõ nguyên nhân, nhưng đành đứng nhìn vì trời chưa cho phép.

Ông Nguyễn Văn Hà, cán bộ thủy nông Ninh Bình. Ảnh: Phạm Hiếu.
Kinh nghiệm mấy chục năm làm công tác thủy lợi đã dạy ông Hà rằng, dù không thể chống lại thiên nhiên, con người vẫn có thể chủ động một phần, bằng cách xả sớm trước khi mưa đổ, tạo dung tích đệm trong hệ thống.
Hạt trưởng Nguyễn Văn Việt, dù vẫn còn căng thẳng vì những trận mưa chưa dứt ngoài đê, giọng vẫn nhuốm màu hào hứng: “Trận Wipha này, được lãnh đạo tỉnh và sở quan tâm, lên kế hoạch sớm, chúng tôi đã tiêu trước 3 ngày. Nhờ đó, đến lúc mưa dồn dập thì ruộng còn chỗ chứa, đỡ ngập hơn nhiều”.
Tuy nhiên, sự chủ động ấy cũng chỉ mang tính tình huống. Về lâu dài, hệ thống thủy nông cũng như cả ngành nông nghiệp đều mong chờ sự đầu tư bài bản hơn. Chẳng hạn, lắp đặt thêm trạm bơm cưỡng bức, hiện đại hóa hệ thống cống tiêu, tích hợp dữ liệu thủy triều và dự báo khí tượng. “Không thể mãi trông chờ vào trời. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan, triều bất thường. Nếu không chuẩn bị trước, nguy cơ úng lụt sẽ ngày càng lớn”, ông Việt nhận định.
Người dân có thể thấy ruộng ngập và đặt câu hỏi vì sao chưa mở cống. Nhưng trong điều kiện ven biển, nơi mực nước thay đổi từng giờ theo thủy triều, mọi quyết định vận hành phải dựa trên tính toán kỹ lưỡng. Đó là sự phối hợp giữa trực giác hiện trường và kiến thức thủy văn, giữa kinh nghiệm tích lũy và sự thận trọng tuyệt đối.
Chậm nhưng chắc, an toàn. Đó có lẽ là nguyên tắc bắt buộc trong tiêu úng ven biển mà những người như ông Việt, ông Hà phải nắm như lòng bàn tay.