| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình ưu tiên khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão Wipha

Thứ Ba 22/07/2025 , 21:55 (GMT+7)

UBND tỉnh yêu cầu tập trung khôi phục sản xuất, tiêu úng cho cây trồng sau đợt mưa lớn, đồng thời đảm bảo an toàn đê điều và vệ sinh môi trường vùng bị ngập.

Từ đêm 21 đến ngày 22/7, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 (Wipha), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xảy ra mưa lớn trên diện rộng, phổ biến 100-250 mm, nhiều nơi vượt 250mm. Mưa lớn kéo dài kết hợp với nước sông lên cao gây ngập úng tại các cánh đồng, vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn công trình thủy lợi, đê điều.

Trong ngày 22/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 46/UBND-VP3 yêu cầu các Sở, ngành và địa phương triển khai biện pháp khắc phục khẩn cấp, trong đó đặt nhiệm vụ bảo vệ và khôi phục sản xuất nông nghiệp lên hàng đầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng xuống chỉ đạo trực tiếp tại tuyến đê biển Hải Hậu, Ninh Bình trong ngày 22/7. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng xuống chỉ đạo trực tiếp tại tuyến đê biển Hải Hậu, Ninh Bình trong ngày 22/7. Ảnh: Bảo Thắng.

Đồng bộ khôi phục sản xuất và tiêu úng cho lúa, hoa màu

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh được giao chủ trì rà soát thiệt hại, chỉ đạo các địa phương bơm tiêu thoát nước tại những khu vực bị ngập úng để bảo vệ diện tích lúa, cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản, nhất là những nơi có nguy cơ mất trắng nếu úng kéo dài. Công tác đánh giá thiệt hại và hướng dẫn khôi phục sản xuất phải được tiến hành nhanh chóng, bám sát thực tế từng xã, từng cánh đồng.

UBND các xã, phường phối hợp với công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành tối đa công suất máy bơm, tiêu thoát nước tại khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra và phân loại thiệt hại của cây trồng, vật nuôi cũng như lên phương án gieo trồng bổ sung, thay thế được yêu cầu thực hiện khẩn trương để người dân sớm ổn định sinh kế.

Ngoài ra, chính quyền cơ sở được yêu cầu huy động lực lượng thu gom rác thải, xử lý vệ sinh môi trường sau mưa bão nhằm tránh phát sinh dịch bệnh, bảo đảm điều kiện an toàn cho sản xuất và đời sống.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, công tác bảo vệ đê điều và hệ thống công trình thủy lợi cũng được đẩy mạnh. Sở Nông nghiệp và Môi trường, các công ty khai thác công trình thủy lợi được giao thường xuyên kiểm tra các tuyến đê chính, kênh dẫn nước và các hạng mục công trình trọng yếu để kịp thời phát hiện sự cố, sạt lở, rò rỉ hoặc xuống cấp do mưa lớn.

Tuyến kênh chính tại các vị trí xung yếu phải được theo dõi sát sao. Việc điều tiết, vận hành công trình phải phù hợp địa hình, năng lực thiết kế và diễn biến mực nước thực tế, đảm bảo an toàn vận hành và chủ động đối phó với các đợt mưa lớn tiếp theo có thể xuất hiện do hoàn lưu bão.

Cánh đồng ngập nước tại xã Rạng Đông, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Cánh đồng ngập nước tại xã Rạng Đông, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân trở lại sinh hoạt

Đối với công tác dân sinh, các địa phương phối hợp với lực lượng công an, quân đội kiểm tra tình trạng nơi ở, hỗ trợ người dân sơ tán trở về khi đủ điều kiện an toàn. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự được yêu cầu sẵn sàng phương tiện, nhân lực để ứng cứu, vận chuyển và hỗ trợ khắc phục hậu quả bão theo đề nghị từ cơ sở.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo nhanh tình hình thiệt hại trước 16h hằng ngày về Sở Nông nghiệp và Môi trường, để tổng hợp và báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Việc theo dõi, đánh giá sát tình hình sau bão là cơ sở để điều chỉnh chỉ đạo phù hợp, kịp thời hỗ trợ những khu vực chịu ảnh hưởng nặng.

Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến 16h hôm nay 22/7, tổng diện tích cây trồng bị ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3 lên tới hơn 74.700ha, trong đó gần như toàn bộ là diện tích lúa vụ mùa mới gieo sạ, theo thông tin từ Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi.

Dù các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã tổ chức bơm tiêu nước đệm từ 17/7, với phương châm "có nước là bơm", nhưng lượng mưa lớn kết hợp triều cường vẫn khiến hàng chục nghìn hecta bị úng.

Dự báo trong 2-3 ngày tới, mưa có thể tiếp diễn với tổng lượng 20-50 mm, khiến Ninh Bình và Hưng Yên tiếp tục là 2 địa phương có diện tích ngập úng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Hồng.

Xem thêm
Ban Bí thư chỉ đạo ứng phó bão số 3, hạn chế thiệt hại tối đa

Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, ứng phó với bão số 3 (bão Wipha), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Bình luận mới nhất