Gió mạnh giảm dần, nguy cơ mưa lũ tăng
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi bão Wipha (bão số 3) đổ bộ vào Việt Nam, trong chiều nay (22/7), khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu và Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.

Sóng mạnh tại biển Hải Tiến (Thanh Hóa) trưa 22/7. Ảnh: Quốc Toản.
Chiều 22/7, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 3, khu vực ven biển tỉnh Hưng Yên có gió Đông Nam mạnh, dồn nước vào ven bờ. Tại các trạm ven biển và các vùng cửa sông ven biển đã có nước dâng từ gần 1m. Tại trạm thủy văn Ba Lạt (Hưng Yên) nước dâng 0,8m; mực nước cao nhất đạt 297cm ( vượt mức lịch sử 2017: 26cm); tại trạm thủy văn Đông Quý (Hưng Yên) nước dâng 0,6m, mực nước dâng 244cm và còn tiếp tục lên.
Hoàn lưu bão số 3 đang gây mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa tính từ 7h ngày 21/7 đến 13h ngày 22/7 ở nhiều nơi vượt 300mm. Đặc biệt, tại Thanh Hóa, các trạm Nga Sơn ghi nhận mưa đạt 412mm, Sầm Sơn 380mm, Triệu Sơn 336mm, Như Thanh 327mm, Ba Đình 326mm, Hạc Thành 315,8mm. Tại Ninh Bình, các trạm Hải Anh, Giao Linh, Tam Điệp cũng quan trắc mưa trên 260mm. Một số nơi ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Hải (Hải Phòng) vượt 180mm.

Người dân bất chấp nguy hiểm vớt củi tại đập Kẻ Cọc, xã Châu Tiến, tỉnh Nghệ An, chiều 22/7. Ảnh: Cắt từ video người dân cung cấp/Đình Tiệp.
Trong cơn bão số 3, gió mạnh nhất trên biển ghi nhận được tại đặc khu Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) mạnh cấp 10, giật cấp 12. Khu vực ven biển Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió cấp 10, giật cấp 14.
Do mưa lớn cục bộ nên đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường, khu dân cư của tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Mưa lớn kéo dài làm gia tăng nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Hiện mực nước thượng nguồn sông Nậm Nơn (Lào) và lưu lượng về hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) đang dự báo sẽ tăng trong những ngày tới. Trung tâm đề nghị các đơn vị theo dõi sát diễn biến, kịp thời điều tiết và chủ động phương án bảo đảm an toàn hạ du.
Rủi ro lũ quét, sạt lở đất rất cao ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An
Dự báo, từ chiều 22 đến chiều 23/7, bão sẽ suy yếu dần thành vùng áp thấp và gây mưa trên suốt quãng đường di chuyển sang phía thượng Lào.
Sau khi gió bão qua, mối lo lớn nhất nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất trên sườn dốc. Khu vực có mức độ rủi ro cao là miền núi, trung du các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. "Đặc biệt lưu ý các xã vùng núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An do đây là tâm mưa trong đợt bão lần này", ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Xã Nhôn Mai (tỉnh Nghệ An) xảy ra lũ quét trong ngày 22/7. Ảnh: Đình Tiệp.
Dự báo từ chiều 22/7 đến sáng 23/7, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam tỉnh Phú Thọ và Sơn La có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150mm trong vòng 3 giờ. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Từ ngày 22/7 đến ngày 25/7, dự báo lũ lên trên sông Mã, sông Cả với biên độ từ 3-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ ở thượng lưu các sông khả năng lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Đỉnh lũ hạ lưu sông Cả lên mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu sông Mã còn ở dưới mức BĐ1.