Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 (Wipha) tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực Thanh Hóa, khiến nhiều tuyến đường tại phường Hạc Thành và các khu dân cư ven biển bị ngập sâu, có nơi nước dâng đến 70-80 cm.
Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và tiếp tục giảm cấp thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Ảnh chụp mây vệ tinh cập nhật lúc 15h ngày 22/7.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Sau khi đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to đến rất to cho khu vực Thanh Hóa, Nghệ An trong ngày và đêm nay, với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Do vùng mây bão tập trung chính ở phần hoàn lưu phía nam Tây Nam của bão nên các tỉnh/thành phố ở phần hoàn lưu phía bắc của bão số 3 trong đó có Hà Nội, các tỉnh/thành đông Bắc Bộ lượng mưa sẽ giảm so với chiều và đêm qua.
Về đặc trưng mưa của bão số 3, ông Mai Văn Khiêm cho biết: Vùng mây tập trung chính ở phần hoàn lưu phía Tây và phần phía Tây Nam của bão. Vùng mưa chính sẽ ở các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nhóm PV Báo Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục cập nhật tình hình mưa, bão tại các tỉnh/thành.
NGHỆ AN
Nước lũ ùn ùn kéo về, nhiều tuyến đường bị chia cắt
Ghi nhận của phóng viên Đình Tiệp vào cuối giờ chiều 22/7, do mưa lớn nên từ trưa và chiều ngày 22/7, nước lũ tại các khe suối đầu nguồn ùn ùn kéo về khiến cho nhiều tuyến đường, cầu tràn bị ngập sâu, chia cắt.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Hùng Châu, trên địa bàn xã vùng cao này hiện có ít nhất 4 cầu tràn (bản Lìm, bản Liên Minh, bản LIên Canh, bản Chiềng) bị ngập sâu, chia cắt, hàng trăm hộ dân không thể lưu thông qua các cầu tràn này. iều đáng nói, mực nước ngập tại các cầu tràn này đều ở mức cao từ 1 - 1,8m nên rất nguy hiểm. Lực lượng chức năng phải lập rào chắn cấm người qua lại.

Người dân bất chấp nguy hiểm vớt củi tại đập Kẻ Cọc, xã Châu Tiến chiều ngày 22/7. Ảnh: Từ video người dân cung cấp.
Tại xã Yên Hòa, nước lũ đổ về khiến cầu tràn khe Chon bị ngập sâu hơn 1m, chia cắt hoàn toàn tuyến đường dẫn vào 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt với hơn 200 hộ với 913 nhân khẩu sinh sống. Chính quyền xã Yên Hòa cũng đã chủ động rà soát, sơ tán các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Tương tự, hệ thống cầu tràn ở các xã vùng cao khác như Quỳ Châu, Quế Phong, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ, Mường Quàng, Tam Hợp, Hữu Khuông, Nhôn Mai, Lượng Minh, Môn Sơn…cũng có hàng loạt cầu tràn bị ngập sâu, chia cắt.

Tất cả các bản của xã miền núi Keng Đu đều có nguy cơ sạt lở cao.
Thông tin phóng viên Việt Khánh gửi về, ông Thò Bá Rê, Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Những ngày qua mưa lớn kéo dài liên hồi, với diễn biến lúc này có thể khẳng toàn bộ 10 bản của xã Keng Đu có nguy cơ cao bị sạt lở”. Ông Thò Bá Rê cũng thông tin thêm, đến nay việc di dời chưa thể triển khai trên diện rộng. Trước mắt, xã mới tổ chức di dời cho 2 hộ ở bản Keng Đu, số còn lại vẫn đang theo dõi.
THANH HÓA
Sạt lở đất khiến quốc lộ 15C ách tắc giao thông
Theo báo cáo nhanh của UBND xã Nhi Sơn, trưa nay, tại Km77+750, Quốc lộ 15C xảy ra sạt ta luy dương khiến đất, đá lấp đầy cống, tràn ra đường với khối lượng khoảng 400 m3, người và phương tiện không qua lại được. Hiện tại đất, đá vẫn tiếp tục đổ xuống.
Đoạn sạt lở ta luy dương đất gây ách tắc giao thông trên quốc lộ 15C đoạn qua xã Nhi Sơn.
Ông Lê Hữu Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn cho biết, chính quyền đã thông báo cho người dân, gồm cả 2 xã lân cận là Pù Nhi và Trung Lý nắm được. Đồng thời phân công lực lượng lập chốt chặn 2 đầu, không cho người và phương tiện qua lại. Đồng thời, báo cáo Hạt giao thông số 7 để phối hợp với địa phương xử lý sớm thông tuyến.
NGHỆ AN
Lâm trường trồng keo ở Quỳ Châu ngổn ngang sau bão
Ông Phạm Công Thành, Giám đốc Lâm trường Quỳ Châu (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp Sông Hiếu) thông tin, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 19/7 đến nay trên địa bàn xảy ra mưa lớn và gió giật mạnh, qua đó làm thiệt hại đến nhiều diện tích rừng trồng của đơn vị.

Lâm trường Quỳ Châu thiệt hại khoảng 10 ha keo do mưa bão.
“Tầm suất mưa bão có chiều hướng tăng dần, đến trưa hôm nay đã gây ngập lụt sâu và chia cắt ở một số điểm. Lâm trường có tổng cộng 4 trạm, riêng trạm số 3 gần như bị tê liệt do nước dâng cao. Mưa to, gió giật mạnh làm tốc mái, hư hỏng một số vật dụng, tài sản. Qua kiểm đếm sơ bộ, khoảng 10 ha keo của lâm trường đã bị gãy đổ”, ông Thành thông tin nhanh.
THANH HÓA
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra phòng, chống bão tại hồ Cửa Đạt, kè chống sạt lở sông Chu
Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Thanh Hóa và yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải chủ động cao độ, đặc biệt trong tình huống mưa lớn kéo dài sau bão số 3.
Tại công trình kè chống sạt lở hữu - tả sông Chu khu vực cầu Vạn Hà (dài 7,8 km, tổng vốn hơn 200 tỷ đồng), Phó Thủ tướng đánh giá cao việc thi công đảm bảo tiến độ, góp phần bảo vệ cầu Vạn Hà và ổn định dòng chảy, chống sạt lở cho khu vực dân cư lân cận.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác kiểm tra công trình hồ chứa nước Cửa Đạt (Thanh Hóa).
Tại cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập), Phó Thủ tướng yêu cầu trực ban 24/24h trong thời gian mưa bão, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và nhân lực ứng phó. Hiện địa phương đã dự trữ khoảng 1.000 m3 đất đắp và sẵn sàng huy động 200 người khi cần thiết.
Tại hồ Cửa Đạt - công trình thủy lợi quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ mưa, dòng chảy từ lưu vực, nhất là phía thượng nguồn Lào. Các đơn vị phải chủ động điều tiết hồ sớm theo các kịch bản đã tính toán, không để bị động khi xảy ra mưa lớn bất thường. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh thêm, Thanh Hóa cần đặc biệt lưu ý đến các hồ đập lớn, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; linh hoạt chuyển trọng tâm chỉ đạo kịp thời để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.
NGHỆ AN
Lũ quét xuất hiện ở xã biên giới Nhôn Mai
Chiều ngày 22/7, ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai (tỉnh Nghệ An), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra trận lũ quét nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Theo ông Nguyên, từ 11h đến 14h chiều nay, nước từ thượng nguồn đổ về quá nhanh khiến suối Khe Hỷ dâng cao, tràn bờ gây lũ quét. Một cây cầu dân sinh bắc qua bản Nhôn Mai đã bị cuốn trôi hoàn toàn.

Một ngôi nhà bên suối Khe Hỷ.
Trụ sở Công an xã bị ngập sâu, buộc phải di dời khẩn cấp tài liệu, thiết bị. Hiện, có ít nhất 4 bản dọc quốc lộ 16 bị cô lập do tuyến đường bị chia cắt 4-5 điểm. Theo ghi nhận ban đầu, lũ quét tràn qua dọc tuyến suối Khe Hỷ đoạn qua trung tâm xã khiến toàn bộ khu vực dân cư ven suối bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngôi nhà ở bản Có Hạ, xã Nhôn Mai bị lũ cuốn trôi.
Một ngôi nhà ở bản Có Hạ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, ít nhất 3 hộ dân khác phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình hạ tầng, cầu cống tiếp tục bị hư hỏng sau đợt mưa lớn cuối tháng 5 vừa qua.
Lãnh đạo xã Nhôn Mai cho biết đang phối hợp với các lực lượng chức năng huy động phương tiện, triển khai cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị chia cắt, đồng thời chuẩn bị phương án tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân vùng lũ.
THANH HÓA
57 người dân ở xã Bá Thước bị chia cắt do mưa lũ
Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng, tại xã Bá Thước, đến 12 giờ trưa ngày 22/7, nước dâng làm chia cắt vùng Đồng Song dẫn đến có 11 hộ dân và 57 nhân khẩu bị chia cắt do mưa lũ.
Tại xã Hồ Vương, toàn bộ diện tích sản xuất lúa mùa bị ngập sâu, khoảng 70% diện tích ao nuôi tôm, cá nước ngọt bị tràn nước.
THANH HÓA
Mưa như trút nước, sóng biển vỗ bờ dữ dội
Theo ghi nhận của phóng viên Quốc Toản, vào lúc 13h30 ngày 22/7, tại bờ biển Hải Tiến (xã Hoằng Tiến) và phường Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), trời mưa lớn như trút nước, gió giật mạnh, sóng biển cao khoảng 1m vỗ bờ dữ dội, nước biển đục và tràn sát mép kè, tầm nhìn xa hạn chế. Nhiều hàng quán ven biển đóng cửa, người dân hạn chế ra đường.

Sóng vỗ dồn dập tại biển Hải Tiến.
Trước đó, từ đêm 21/7 đến sáng 22/7, toàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận mưa to đến rất to. Theo số liệu từ các trạm khí tượng thủy văn, lượng mưa tại khu vực vùng núi phổ biến từ 50 - 120mm; vùng đồng bằng và ven biển từ 100 - 190mm. Một số điểm có mưa đặc biệt lớn như trạm khí tượng Nga Sơn 336,9mm, trạm khí tượng Sầm Sơn 229mm. Lực lượng chức năng túc trực để cảnh báo, ngăn người dân và du khách ra khu vực nguy hiểm. Các địa phương đang triển khai các phương án ứng phó mưa lũ, sẵn sàng sơ tán khi cần thiết.
THANH HÓA
Nhiều hộ dân ngập sâu, xảy ra sự cố trượt mái đê
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường khu dân cư tại thôn Thành Lập, xã Vạn Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị ngập sâu trong nước. Đây là khu vực nằm sát biển, đông dân cư, nhà cửa san sát, chật chội nên mỗi khi mưa lớn thường xuyên xảy ra ngập cục bộ.

Khu dân cư tại thôn Thành Lập ngập sâu.
Ông Lê Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Vạn Lộc cho biết, thôn Thành Lập có 50/496 hộ dân bị ngập. Chính quyền địa phương đã phối hợp di dời tài sản của các hộ trong vùng ngập sâu tới nơi an toàn.
Thông tin từ UBND xã Hoằng Châu cho biết: sáng 22/7, khu vực cống Đồng Đền 2 xuất hiện hiện tượng sạt trượt mái đê với chiều dài khoảng 8m, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, chính quyền xã Hoằng Châu đã huy động nhân lực, vật tư để xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tuyến đê và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân khu vực.
NGHỆ AN
Thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ xả điều tiết lũ
Trưa ngày 22/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 121/BCH-PCTT gửi Công ty Thủy điện Bản Vẽ lệnh vận hành hồ chứa giảm lũ cho hạ du.
Chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở bản tin dự báo khí tượng thủy văn số 03/ĐNA-DB do Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nghệ An phát hành cùng ngày, dự báo lưu lượng nước lũ lớn nhất đổ về hồ Bản Vẽ trong 24 giờ tới có thể lên tới 3000 m³/s.

Theo kế hoạch, Công ty Thủy điện Bản Vẽ sẽ bắt đầu mở tràn từ 16h ngày 22/7/2025. Tổng lưu lượng xả xuống hạ du (gồm cả lưu lượng qua tổ máy phát điện và qua tràn) sẽ dao động từ 300 m³/s đến 1.600 m³/s và sẽ điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến thực tế của lưu lượng nước về hồ.
Tương tự, Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc (xã Quế Phong) dự kiến cũng sẽ xả điều tiết nước từ 15 giờ 00 phút ngày 22 tháng 7 với lưu lượng xả dự kiến từ 500m3/s đến 1.100 m3/s;
Nhà máy Thủy điện Khe Bố (xã Tam Quang) cũng dự kiến xả nước lúc 14h hôm nay với tổng lưu lượng xả từ khoảng 500 m3/s đến 2.000 m3/s (xả qua các tổ máy và qua khoang đập tràn).
THANH HÓA
Hàng trăm ha lúa, rau màu bị ngập úng, đổ rạp
Ghi nhận của phóng viên Thu Thủy tại xã Nga An và phường Hãi Lĩnh, tỉnh Thanh Hóa, lúc 12h ngày 22/7, nhiều diện tích lúa, rau màu ngập úng, đổ rạp có thể còn tăng. Hiện tại, địa phương đang tập trung chỉ đạo các lực lượng ứng trực, khẩn trương kiểm tra đồng ruộng, các kênh tiêu thoát nước, phối hợp với các đơn vị quản lý thủy lợi và bà con nông dân thực hiện tiêu thoát nước ra khỏi đồng ruộng, không để tình trạng ngập úng kéo dài.

Tại xã Nga An (Thanh Hóa), nhiều diện tích lúa, rau màu bị ngập úng. Ảnh: Thu Thủy.
Hiện tổ công tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cũng đã đi kiểm tra tại diện tích lúa, rau mau bị ngập để sớm có biện pháp khắc phục.
Theo thống kê nhanh, tại phường Hải Lĩnh mưa lớn làm cho 50ha diện tích lúa mùa bị ngập. Xã Minh Sơn có 7 nhà ngôi nhà ở, 1 nhà bếp, 1 nhà xe của người dân bị gió thổi tốc mái.
Tại xã Nga An, diện tích lúa, rau màu bị ngập hoàn toàn khoảng hơn 200 ha. Xã Kim Tân có 123 hộ với 487 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, hiện đã sơ tán được 12 hộ với 54 nhân khẩu đến nhà văn hóa, có 3 nhà dân bị tốc mái và nhiều diện tích hoa màu, cây xanh bị ngập nghiêng đổ, cùng với đó, mưa dông làm đổ gãy 6 cột điện và hư hại 1 chuồng chăn nuôi.
HÀ NỘI
Mưa lớn, gió giật xuất hiện
Gần 12h trưa 22/7, thời tiết tại Thủ đô Hà Nội có dấu hiệu chuyển biến rõ rệt. Một số khu vực đã bắt đầu xuất hiện mưa lớn, từng đợt mưa kéo dài xen kẽ với các cơn gió giật nhẹ.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, từ các khu dân cư, cửa hàng kinh doanh đến các tòa nhà cao tầng, không khí chuẩn bị phòng chống bão đang diễn ra khẩn trương, trật tự. Nhiều người dân đã sử dụng các bao tải chứa cát để chèn vào chân cửa kính, gia cố các lối ra vào nhằm tăng khả năng chống chịu trước gió lớn.
Tại một số tòa nhà lớn, khu vực hút gió như Lotte Center hay Capital Place, công tác phòng chống bão cũng được triển khai kỹ lưỡng. Các bao cát, thanh gỗ, thanh sắt được chèn vào khu vực cửa kính và tay nắm cửa ra vào để tăng độ an toàn cho khu vực bên trong tòa nhà.
Trên các tuyến đường như Võ Chí Công, lực lượng công nhân môi trường vẫn đang tích cực nạo vét rãnh thoát nước, khơi thông miệng cống, đồng thời bố trí xe chuyên dụng ứng trực để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh do mưa lớn.
Không chỉ nhà cửa, công trình, mà cả những khu vườn cây cảnh có giá trị cao cũng được các chủ vườn chú trọng bảo vệ. Tại một vườn bonsai trên đường Võ Chí Công, nhiều cây tùng La Hán dù có kích thước lớn vẫn được gia cố bằng dây chằng chuyên dụng, sẵn sàng các phương án bảo vệ cây ngay khi nhận được thông tin bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực.
NINH BÌNH
Nhận định: Tâm bão đã di chuyển khỏi khu vực biển Thịnh Long
Đưa tin từ Ninh Bình, PV Bá Thắng cho biết, sau khoảng 30 phút lặng, từ khoảng 11 giờ 20 gió bắt đầu thổi mạnh tại ven biển Thịnh Long. Theo ghi nhận của báo phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, mưa bắt đầu nặng hạt tại dọc tuyến đê biển Hải Hậu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng trực tiếp kiểm tra tình trạng tiêu úng cũng như an toàn đê, kè.
Tại Trạm chỉ huy tiền phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng trực tiếp kiểm tra tình trạng tiêu úng cũng như an toàn đê, kè. Đoàn kiểm tra đánh giá công tác vận hành và hạ tầng của công trình vẫn ở mức an toàn.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai nhận định, tâm bão đã di chuyển khỏi khu vực biển Thịnh Long. Tuy nhiên khu vực này cần đề phòng mưa lớn. Các công trình thủy lợi cũng như vận hành tiêu úng cần vận hành hết công suất, bố trí nhân sự ứng trực 24/24.

Nhà báo Xuân Hào thông tin, vùng ven biển Ninh Bình bầu trời mịt mù, gió giật liên hồi, mưa rất to. Toàn tỉnh Ninh Bình có nguy cơ ngập úng, thiệt hại nhiều diện tích lúa hè thu, đầm nuôi thủy sản
NINH BÌNH
Mưa xối xả, gió giật liên hồi cấp 9 tại xã Rạng Đông

Sau khoảng lặng trước bão, biển Hải Thịnh bắt đầu nổi gió trở lại

Các tàu thuyền neo đậu trong âu tránh trú vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhiều diện tích hoa màu và lúa hè thu của địa phương này có nguy cơ bị thiệt hại do ngập úng.
THANH HÓA
Hơn 7.000ha lúa bị ngập, huy động 151 máy bơm tiêu úng
Tính đến 9 giờ sáng 22/7, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, tổng diện tích lúa bị ngập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 7.200ha. Diện tích bị ảnh hưởng tập trung chủ yếu tại các địa bàn Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Bỉm Sơn, Thiệu Hóa...

Để ứng phó, hiện 34 trạm bơm do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý đã vận hành 151 máy bơm tiêu úng. Trong đó, Công ty Bắc Sông Mã đang vận hành 20 trạm, Công ty Sông Chu 12 trạm và Công ty Nam Sông Mã 2 trạm.
Về công trình đê điều, đã xảy ra sạt lở mái đê phía đồng đê Tây sông Cùng (đê cấp IV) tại đoạn K5+858 đến K5+905, chiều dài khoảng 47m. Chính quyền địa phương đã triển khai phương án “4 tại chỗ” để xử lý, đồng thời cắm mốc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm và thông tin rộng rãi nhằm đảm bảo an toàn khu vực.
NGHỆ AN
Đoàn kiểm tra suýt bị đá lớn lăn trúng khi đi thực địa
Xác nhận với PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, bà Vi Thị Quyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ, tỉnh Nghệ An khẳng định, trên địa bàn xã có nhiều điểm đối diện nguy cơ sạt lở cao, hiểm nguy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Ngay trong sáng nay, vào khoảng 9h ngày 22/7, Đoàn kiểm tra của xã biên giới Mường Típ suýt bị đá lớn lăn trúng khi đang đi khảo sát và thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy cơ sạt lở trến Tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền. May mắn không có mất mát về người.
ĐIỆN BIÊN
Đứt cáp cầu treo, 4 người rơi xuống suối
Khoảng 8h20 sáng 22/7, trên địa bàn xã Thanh Yên có 1 cầu treo dài 50m bất ngờ đứt cáp, lật nghiêng; trên cầu có 1 xe bán tải (chở 3 người) và 1 người đi xe máy rơi xuống; ngay sau đó các lực lượng đã kịp thời ứng cứu 4 người dân, chăm sóc y tế an toàn; xe bán tải còn dưới suối, xe máy đã đưa lên bờ; hiện tại đã phân luồng giao thông, ứng trực đảm bảo an toàn. Vị trí cầu tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm cũ.

Hiện trường vụ đứt cáp cầu treo.

4 người dân được kịp thời ứng cứu, chăm sóc y tế an toàn.
THANH HÓA
Biển động mạnh, sóng cao từ 40-60 cm
Phóng viên Quốc Toản ghi nhận tại bãi biển Hải Tiến, xã Hoằng Tiến (Thanh Hóa), lúc 10h sáng 22/7, biển động mạnh, sóng cao từ 40-60 cm liên tục đánh vào bờ kè, kèm theo gió giật từng cơn khiến mặt biển cuộn trắng xóa.
Nhiều hàng quán ven biển đã chủ động đóng cửa, chằng néo mái tôn, bàn ghế để tránh thiệt hại. Trên các tuyến đường ven biển bị ngập cục bộ, lực lượng chức năng liên tục phát loa tuyên truyền, yêu cầu người dân không ra khơi, di chuyển đến nơi an toàn và theo dõi sát diễn biến bão số 3.
THANH HÓA
Hơn 100 hộ dân bị cô lập do mưa lũ, lực lượng chức năng khẩn trương tiếp tế
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to, gây ngập cục bộ ở nhiều nơi. Tại làng Mài, xã Hóa Quỳ (Thanh Hóa), hơn 100 hộ dân hiện đang bị cô lập do tuyến đường tràn bị ngập sâu, các phương tiện không thể di chuyển qua lại.
Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân. Ngoài ra, trong xã có 2 hộ thuộc khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn.
Dự báo mưa lớn còn kéo dài trong những ngày tới, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại khu vực miền núi Thanh Hóa tiếp tục gia tăng. Các địa phương đang theo dõi sát tình hình thời tiết, sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán và cứu hộ khi cần thiết.
HÀ NỘI
Cán bộ xã đảo Minh Châu trực 24/24 ứng phó bão Wipha
"Bà con Minh Châu ơi! Bão Wipha đang vào, mưa gió có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Đừng ngại gọi khi cần hỗ trợ. Chúng tôi luôn trực 24/24, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống! Hãy chia sẻ thông tin này đến mọi người nhé!", thông tin đăng tải trên trang Facebook chính thức của xã để người dân dễ dàng tiếp cận.

Người dân trên "xã đảo" Minh Châu, TP Hà Nội được trang bị áo phao phòng tránh bão.
Là xã đảo giữa sông Hồng, mọi hoạt động của người dân Minh Châu phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phà, đò. Để đảm bảo an toàn, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị và khu dân cư. Lực lượng ứng trực 24/24 giờ đã được thành lập, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, Công an xã, lực lượng quân sự và các đơn vị liên quan.
Xã Minh Châu cũng đã chủ động trang bị 50 áo phao phục vụ khách đi đò, bố trí 20 thuyền composite và 200 áo phao để hỗ trợ các cụm dân cư khi cần. Đối với các tổ ứng trực phòng chống lụt bão, xã cũng huy động vật tư, trang thiết bị, máy móc tại chỗ, bao gồm cả cưa máy và phương tiện hỗ trợ khác để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
THANH HÓA
Di chuyển 360 khách du lịch vào khu tránh trú an toàn
Ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Hoằng Tiến (Thanh Hóa), cho biết, hiện tại khu du lịch Hải Tiến vẫn còn khoảng 360 du khách lưu trú tại một số khách sạn ven biển. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chính quyền địa phương đã khẩn trương phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ tổ chức di dời du khách vào sâu trong đất liền để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, các hộ kinh doanh ven biển được yêu cầu đóng cửa tạm thời, lực lượng chức năng túc trực 24/24 để theo dõi tình hình thời tiết, phát loa truyền thanh cảnh báo sóng to, gió lớn, sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
HÀ NỘI
Phường Giảng Võ thăm hỏi, động viên các hộ dân di dời tránh bão
Sáng 22/7, tổ công tác của UBND phường Giảng Võ đã đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ cho các hộ dân sinh sống tại khu tập thể G6A Thành Công - chung cư nguy hiểm cấp độ D - đã được vận động di dời đến nơi lưu trú an toàn để phòng tránh ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Wipha).

Các hộ dân ký cam kết di chuyển ra khỏi các tòa nhà, chung cư cũ, nguy hiểm.
Từ đêm 21/7, 10 hộ dân đã chủ động di chuyển đến cơ sở lưu trú được bố trí sẵn nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của thời tiết. Sáng 22/7, tổ công tác của phường tiếp tục kiểm tra, rà soát điều kiện cơ sở vật chất tại nơi lưu trú, đảm bảo người dân được sinh hoạt an toàn và ổn định.
Chia sẻ về công tác hỗ trợ người dân, bà Trần Thị Tố Tâm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Giảng Võ, cho biết: “Ngay từ ngày 21/7, phường đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, kịp thời hỗ trợ, vận động người dân tại các chung cư nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Trong bối cảnh mưa bão diễn biến nhanh và phức tạp, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Sáng nay, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đến thăm hỏi, động viên bà con với tinh thần 'an toàn là trên hết'".

UBND phường Giảng Võ đến thăm, động viên, trao quà cho các hộ dân tại nơi lưu trú an toàn.
Ghi nhận tại khu tập thể Thành Công sáng cùng ngày cho thấy, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bão. Nhiều cửa hàng, ki-ốt đã tạm thời đóng cửa để đảm bảo an toàn, chỉ còn một số cơ sở kinh doanh thực phẩm vẫn hoạt động để phục vụ nhu cầu thiết yếu. Không khí mua sắm tại các chợ diễn ra khẩn trương nhưng trật tự, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong những ngày mưa bão.
NINH BÌNH
Với đặc điểm hơn 7km đê biển, hơn 7km đê sông Ninh Cơ và 39 xóm và tổ dân phố, mỗi khi xảy ra thiên tai sẽ gây ra nhiều khó khăn cho đời sống dân sinh và sản xuất của các hộ dân trên địa bàn xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là những hộ nuôi nuôi trồng thủy sản.

Lực lượng chức năng tại xã Hải Thịnh, Ninh Bình hỗ trợ người dân trong sáng 22/7.
Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Bùi Xuân Thủy, Trưởng Công an xã Hải Thịnh, cho biết, trong những ngày qua, lực lượng công an xã đã tích cực hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, động viên các hộ nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn. 100% lực lượng túc trực để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.
Bộ Quốc phòng duy trì hơn 346.000 cán bộ, chiến sĩ ứng trực bão số 3
Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Chỉ huy trưởng Trung tâm quốc gia Điều hành Tìm kiếm Cứu nạn (Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu) thông tin: Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tổng tham mưu, Cục Cứu hộ - Cứu nạn tiếp tục đôn đốc các đơn vị Quân đội duy trì trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Quân đội đã cử cán bộ tham gia hai đoàn công tác của Chính phủ và Quân khu 3 kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Diêm Điền (Hưng Yên), đê biển Phong Cốc, Hạ Long và Đông Mai (Quảng Ninh).
Trước đó, đến chiều 21/7, Bộ Quốc phòng duy trì hơn 346.000 cán bộ, chiến sĩ và 8.200 phương tiện (gồm hơn 5.000 ô tô, gần 2.300 xuồng và ca nô, hơn 620 xe đặc chủng và 5 máy bay) ứng trực bão số 3.
Lực lượng biên phòng phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 54.300 tàu thuyền với 227.194 người nắm rõ diễn biến bão, chủ động di chuyển tránh bão.
THANH HÓA
Mưa rất to, nông dân 'chạy đua' cứu đầm tôm
8h50 ngày 22/7, PV Trịnh Tâm có mặt tại đầm tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Thiện ở thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Hiện gia đình ông đánh khoáng và rắc vôi bột vào khu đầm tôm để dung hòa độ ngọt và mặn để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Theo ông Thiện, hiện gia đình ông nuôi 1ha tôm với khoảng 50.000 con; tôm của gia đình ông đang đạt tỷ lệ khoảng 80 con/kg nên gia đình rất lo lắng khi trời ngày càng mưa to.
Xã Hoằng Thanh hiện có 435,28ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 20ha đang nuôi tôm nhà bạt công nghệ cao. Do đó, trường hợp mưa liên tục nhiều ngày hoặc lượng mưa lớn sẽ làm chết tôm do ngộp nước.
Trên địa bàn xã có 326 tàu, thuyền, bè mảng cũng đã vào nơi neo đậu an toàn từ sáng ngày 21/7.
Tại xã Hoằng Thanh cũng có 2 dự án kè đê biển đang thi công với chiều dài tổng cộng là 4.740. Trước tình hình bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, hiện Thanh Hóa đang mưa to, UBND xã Hoằng Thanh đã chủ động lên phương án ứng phó 4 tại chỗ luôn sẵn sàng. Trong đó huy động lực lượng tại chỗ là 130 người, 4 xe vận tải, 2 máy xúc, 2 máy cẩu, 1.800 cọc tre và các loại vật dụng khác để xử lý khi có sự cố.Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường ở phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngập sâu.
Mưa lớn gây ngập úng, thiệt hại hàng nghìn héc-ta lúa ở nhiều tỉnh phía Bắc
Theo báo cáo nhanh của Phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu (Cục Thủy lợi), đến 9h ngày 22/7/2025, mưa lớn kéo dài trong đêm 21 và rạng sáng 22/7 dẫn đến ngập úng cục bộ trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tình hình ngập úng đã gây ra những thiệt hại ban đầu cho sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại trên địa bàn các địa phương là 11.077ha. Trong đó, Ninh Bình là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 10.953 ha bị ngập, Bắc Giang có 174ha. Các địa phương khác vẫn đang tiếp tục cập nhật số liệu thiệt hại.
Nhận định về tình hình úng ngập sắp tới, các vùng trũng thấp của các tỉnh thành như Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ tại khu vực Bắc Bộ có nguy cơ cao. Tại Bắc Trung Bộ, khoảng 3.000-5.000 ha tại các vùng trũng thấp tập trung ở Bắc sông Mã, Nam sông Chu (Thanh Hóa) và Nam Hưng Nghi, Diễn Yên Quỳnh (Nghệ An) cũng được cảnh báo có thể bị ngập.
Dự báo tình hình mưa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong hai ngày 22-23/7. Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An dự kiến có mưa to đến rất to với lượng phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh cũng được cảnh báo mưa vừa đến to, phổ biến 50-100 mm, cục bộ trên 150mm.
NINH BÌNH
Duy trì mưa không quá lớn, gió đang mạnh dần lên
Nhà báo Xuân Hào cập nhật tình hình mưa bão tại Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão Quần Vinh của tỉnh Ninh Bình, sáng 22/7.
Thời điểm 9h00 sáng ngày 22/7, tại Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão Quần Vinh của tỉnh Ninh Bình, hàng trăm tàu cá đã về neo đậu. Thời tiết tại xã Rạng Đông, tỉnh Ninh Bình duy trì mưa không quá lớn, gió đang mạnh dần lên.
HẢI PHÒNG
Hơn 700 cơ sở chăn nuôi ngoài đê đang nguy hiểm trước bão Wipha
Hơn 2.600 trang trại và hơn 56.000 nông hộ chăn nuôi ở Hải Phòng nguy cơ bị ảnh hưởng do bão Wipha.Theo Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, trước khi bão Wipha đổ bộ, toàn thành phố có hơn 2.600 trang trại và khoảng 56.350 hộ chăn nuôi quy mô nông hộ.
Tổng đàn bò trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 20 nghìn con, đàn trâu hơn 9,5 nghìn con, đàn lợn hơn 600 nghìn con và đàn gia cầm lên tới 26,1 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 21,95 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 79,7 triệu quả.
Ứng phó với bão Wipha, việc đảm bảo an toàn cho hoạt động chăn nuôi được đơn vị đặc biệt quan tâm, nhất là tại các khu vực ngoài đê. Hiện tại khu vực này đang có 728 cơ sở chăn nuôi tại 66 xã, phường, đặc khu, với tổng số 12.726 con lợn, 956 con trâu bò, 175.975 con gà, 161.372 con ngan vịt và 810 con dê.
Trước diễn biến phức tạp của bão Wipha (bão số 3), Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y đã triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Cùng với đó đã cử bán bộ bám sát địa bàn, thống kê và theo dõi sát sao để triển khai các biện pháp phòng chống, di dời kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại về vật nuôi.
QUẢNG NINH
Chưa có thiệt hại về thủy sản
Theo Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản, Kiểm ngư Quảng Ninh, tính đến 8h30 phút ngày 22/7/2025, chưa có thiệt hại về thủy sản (bao gồm tàu cá và các cơ sở nuôi trồng thủy sản), tàu chở dầu chưa có sự cố tràn dầu.

Ông Trần Đình Luân (áo tối màu), Cục trưởng cục Thủy sản và Kiểm ngư, kiểm tra tại khu vực Bến Giang, phường Tân An.
Cũng trong sáng 22/7, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng cục Thủy sản và Kiểm ngư cùng với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh đi kiểm tra khu neo đậu Bến Giang và khu nuôi trồng thủy sản của Công ty CP Thủy sản Tân An (phường Tân An).
HẢI PHÒNG
Ven biển có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9
Tính đến 8 giờ ngày 22/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cát Hải, Cát Bà có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Tại thành phố Hải Phòng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa từ 19 giờ tối 21/7 đến 7 giờ ngày 22/7 phổ biến từ 30-60 mm, riêng Bạch Long Vỹ 85mm, Cát Hải 80,2mm...

Sáng 22/7, tại thành phố Hải Phòng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo Đài khí tượng thủy văn thành phố Hải Phòng, dự báo vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, đặc khu Cát Hải, vùng biển Cát Bà, vịnh Lan Hạ và đảo Hòn Dấu) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12; sóng biển cao 2,0-4,0 m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0 m; biển động rất mạnh.
Vùng ven biển Hải Phòng (bao gồm các phường Đồ Sơn, Nam Đồ Sơn, Dương Kinh, Đông Hải, Hải An, Nam Triệu và các xã Kiến Hải, Hùng Thắng, Chấn Hưng) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.
Trên đất liền gồm các phường, xã thuộc phía Đông Bắc và Đông Nam thành phố có gió cấp 6, giật cấp 7-8, các phường/xã thuộc phía Tây Bắc và Tây Nam thành phố có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7. Gió cấp 9 có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà gây thiệt hại về nhà cửa.
HẢI PHÒNG
Xây dựng xong phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm xung yếu
Tính đến sáng 22/7, các vị trí trọng điểm xung yếu về đê điều trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được thành phố, xã, phường, đặc khu xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "bốn tại chỗ".

Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng - động viên người dân ngoài đê cần thận trọng khi bão đổ bộ.
Theo Ban Chủ huy Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố có 75 vị trí trọng điếm xung yếu về đê điều, bao gốm: 13 trọng điểm đê; 11 trọng điểm kè; 43 trọng điểm cống; 1 cửa khẩu; 7 bờ lở. Trong đó, cấp thành phố là 8 điểm (phía Tây có 1 điểm ở xã Chí Minh; phía Đông có 7 điểm ở các Phường Việt Khê, phường Lê ích Mộc và phường Thủy Nguyên); cấp phường, xã, đặc khu 67 điểm.
Về công tác tiêu úng, các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tháo, hạ thấp nước đệm, chuẩn bị máy móc, thiết bị, đồng thời, phân công lực lượng thường trực để vận hành theo yêu cầu.
Cũng trong sáng 22/7, trao đổi với PV Hoàng Phong, Chủ tịch UBND phường Kiến An Nguyễn Phong Doanh cho biết, địa phương đã hoàn thành công tác di dời người dân tại các khu vực trọng yếu đến nơi an toàn.

Toàn bộ người dân tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn phường Kiến An đã được di dời đến nơi an toàn.
Trên địa bàn phường Kiến An có 7 khu vực trọng yếu cần di dời nhân dân để đảm bảo an toàn khi bão số 3 đổ bộ vào. Cụ thể, khu tập thể 4 tầng thuộc tổ dân phố Lê Duẩn có 64 hộ đang sinh sống với 161 nhân khẩu; khu tập thể 3 tầng Cống Đôi thuộc Tổ dân phố số 1 có 39 hộ với 73 nhân khẩu; khu vực sạt lở núi Thiên Văn phường Kiến An; 6 khu nhà trọ thuộc Tổ dân phố Cựu Viên 2, Mạc Đĩnh Chi, Hoàng Thiết Tâm với tổng 22 hộ với 67 nhân khẩu; 4 hộ trong đê và 17 hộ ngoài đê; khu vực Tổ dân phố Tân Khê (đê xung yếu thuộc đê Hữu Lạch Tray ) có 16 hộ gồm 48 nhân khẩu; khu vực Tổ dân phố số 1, số 10 có 8 hộ với 19 nhân khẩu.
Trước đó, chiều ngày 21/7, các lực lượng của phường đã tích cực phối hợp với các tổ dân phố tuyên truyền vận động, tổ chức cho các hộ ký cam kết tự nguyện di dời; với những hộ đồng ý di dời, lực lượng của phường hỗ trợ người dân đến địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn, đồng thời niêm phong nhà. Tại các điểm sơ tán, lương thực, thực phẩm được chuẩn bị chu đáo cho các hộ gia đình.
THANH HÓA
Sơ tán 19 hộ dân đang sinh sống tại khu vực bản Tung
Sáng 22/7, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kéo dài khiến một chiếc đò ngang tại khu vực sông Mã, đoạn qua bản Pá Húa, bị đứt dây neo, trôi dạt và chìm hoàn toàn. Chiếc đò thuộc sở hữu của ông Cứ A Lộng, người dân địa phương, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch xã Trung Lý (Thanh Hóa), chủ trì họp ứng phó với bão số 3, sáng 22/7.
Cùng thời điểm, chính quyền xã Trung Lý đã khẩn trương sơ tán 19 hộ dân đang sinh sống khu vực bản Tung - khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đến tránh trú tạm thời tại nhà văn hóa bản. Trung Lý là xã vùng cao, biên giới, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn nên công tác sơ tán được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, rà soát các điểm có nguy cơ sạt trượt để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
NGHỆ AN
Nhiều diện tích rau màu bị ngập úng, đổ rạp, dập nát
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kéo dài suốt đêm 21 đến sáng 22/7 nên nhiều diện tích rau màu, ngô, vừng... tại địa bàn xã Quỳnh Anh (chuyên canh rau màu) bị ngập úng, đổ rạp, dập nát ở một số thôn Đồng Hưng, Học Văn, Văn Lý, Tân Hải… Một số vùng trũng thấp có nguy cơ tiếp tục bị ảnh hưởng xấu nếu mưa lớn kéo dài.

Nhiều diện tích rau mà bị ngập nước, hư hỏng tại xã Quỳnh Anh. Ảnh: Hội nông dân xã Quỳnh Anh.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND xã Quỳnh Anh đang đề nghị bà con nông dân theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động khơi thông rãnh thoát nước, gia cố lại cây trồng, che chắn rau màu và phối hợp với các Hợp tác xã, cán bộ nông nghiệp địa phương để kịp thời tiêu úng, giảm thiểu thiệt hại.Đồng thời, chính quyền xã và Hợp tác xã cũng đang khẩn trương kiểm tra, cập nhật thống kê thiệt hại, đồng thời chủ động các phương án ứng phó trong thời gian tới.
HÀ NỘI
Có gió khoảng cấp 4-5, chưa xuất hiện mưa lớn
Theo ghi nhận của PV Tùng Đinh, 8h sáng 22/7, Hà Nội có gió khoảng cấp 4-5, chưa xuất hiện mưa lớn. Tại các tuyến phố chính, nhiều cơ sở kinh doanh đã có các biện pháp phòng chống trước khi bão số 3 đổ bộ như chèn bao cát ngăn nước, phủ bạt lên hàng hóa, hay tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, gió lớn xuất hiện tại mội số ngã tư, ngã ba, gây đổ, gãy cây và đồ đạc.
Dưới đây là một số hình ảnh đường phố Hà Nội vắng vẻ, trường học tạm đóng cửa cho học sinh nghỉ học tránh bão (có tổ chức học online), người dân tranh thủ gia cố nhà cửa phòng, chống bão:







HÀ NỘI
Rau xanh tăng giá đáng kể, giá thịt tương đối ổn định
Theo ghi nhận của PV Diệu Linh, thị trường rau xanh tại nhiều khu vực đã chứng kiến mức tăng giá đáng kể. Các loại rau thông dụng như rau muống, mồng tơi tăng khoảng 20%, trong khi một số loại rau ít phổ biến hơn như ngải cứu có thể tăng đến gần 50%. Tình trạng này diễn ra do lo ngại về mưa bão, nhiều tiểu thương đã không nhập hàng hoặc ngừng kinh doanh, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.

Thị trường rau xanh tại nhiều khu vực đã chứng kiến mức tăng giá đáng kể.
Chị Hoàng Thị Nga, tiểu thương bán rau chợ 8-3 cho biết: "Có tin bão nên chợ cũng vắng hơn, người bán thì ở xa nên cũng nghỉ tránh bão, người mua cũng không có tâm lý mua tích trữ đồ nữa đâu".
Trái ngược với đà tăng của rau xanh, giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm lại tương đối ổn định, không có nhiều biến động đáng kể. Điều này phần nào giúp người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng chi tiêu trong bối cảnh giá rau tăng mạnh.
Trong khi các chợ truyền thống gặp khó khăn về nguồn cung rau xanh, các siêu thị lại ghi nhận xu hướng mua sắm khác biệt. Mặc dù lượng khách tổng thể tại các siêu thị khá vắng vẻ do tâm lý tránh tích trữ đồ trước bão của người dân, nhưng các mặt hàng bánh trái lại đặc biệt thu hút người mua. Nhiều loại bánh mì, bánh ngọt thậm chí đã "cháy hàng" chỉ trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy người dân có xu hướng tìm đến các sản phẩm chế biến sẵn, tiện lợi hơn trong những ngày thời tiết bất lợi.
PV Duy Học ghi nhận tại khu vực Linh Đàm - một trong những nơi có mật độ dân cư đông đúc của Hà Nội - thời tiết có gió nhẹ kèm mưa nhỏ. Dù vậy, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Theo ghi nhận của phóng viên, lượng người dân đi chợ và đến siêu thị có phần đông hơn so với ngày thường.
Tại chợ HH Linh Đàm, các tiểu thương cho biết nguồn cung thịt, cá vẫn ổn định, giá chưa có biến động. Riêng mặt hàng rau xanh có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài.
Chị Lan - một tiểu thương bán thịt tại chợ - chia sẻ: “Với mặt hàng thịt lợn, tôi vẫn lấy hàng như bình thường. Nguồn cung chưa có gì thay đổi nên giá bán cũng giữ nguyên. Có thể vài ngày tới nếu mưa nhiều thì sẽ khác, nhưng hôm nay thì chưa có biến động gì”.
QUẢNG NINH
Xuất hiện một số điểm sạt lở nhỏ

Điểm sạt lở tại khu 1, phường Vàng Danh, Quảng Ninh xuất hiện trong sáng 22/7.
Sáng 22/7, trên địa bàn các phường Uông Bí, Vàng Danh, Yên Tử ghi nhận mưa, gió nhẹ; mực nước sông, suối, hồ thấp, dòng chảy thông suốt. Một số điểm sạt lở nhỏ xuất hiện, chủ yếu tại vị trí từng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 năm 2024. Không ghi nhận cây đổ hay hư hỏng hạ tầng. Các tuyến đê trọng điểm như Điền Công, Vành Kiệu vẫn an toàn. Dự báo triều cường đạt đỉnh vào 13h hôm nay, kết hợp mưa lớn kéo dài có thể gây úng ngập cục bộ tại vùng trũng.
NGHỆ AN
Mưa lớn suốt đêm, nước sông suối đang lên nhanh
Sáng 22/7, ông Lô Minh Điệp, Chủ tịch UBND xã biên giới Tri Lễ, cho biết, mưa lớn kéo dài khiến suối Kèm Ải dâng cao, làm ngập cầu tràn bản Tân Thái, người dân không thể qua lại.
Hiện tại, xã đã cử lực lượng dân quân cắm biển cảnh báo, đồng thời nghiêm cấm người dân đi lại để đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và lên phương án ứng phó nếu tình hình mưa lớn tiếp tục xảy ra. Còn tại các xã biên giới Hạnh Dịch, Lượng Minh, Hữu Khuông… cũng xảy ra mưa lớn kéo dài suốt đêm 21 đến sáng 22/7.

Một cây săng lẻ lớn tại bản Quang Thịnh, xã Tam Quang bị đổ, chắn ngang tuyến đường quốc lộ, gây cản trở giao thông, sáng 22/7.
Theo thông tin PV Đình Tiệp vừa cập nhật thì hiện lãnh đạo các địa phương này đang khẩn trương đi kiểm tra hiện trường, thống kê thiệt hại và chỉ đạo các biện pháp ứng phó tiếp theo với mưa lũ.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vào sáng 22/7, tại khu vực rừng săng lẻ bản Quang Thịnh, xã Tam Quang, một cây săng lẻ lớn đã bị đổ, chắn ngang tuyến đường quốc lộ, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân qua lại. Chính quyền địa phương đang khẩn trương phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý, giải tỏa hiện trường, đảm bảo lưu thông an toàn.
HẢI PHÒNG
Lực lượng quân đội huy động 25.000 người tham gia ứng phó bão
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng, tính đến sáng 22/7, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã chủ trì phối họp với các địa phương, các gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh bão, chỉ đạo các đơn vị thông báo, hướng dẫn cho 1.657 phương tiện/4.668 lao động đang hoạt động trên biển.

Lúc 7h sáng 22/7, tại đảo Bạch Long Vĩ có mưa rất to, gió giật cấp 12.
Còn theo cảng vụ Hải Phòng, đến nay, có tổng 62 phương tiện, tàu thuyền đang neo đậu trong đó 9 tàu biển nước ngoài, 26 tàu biển Việt Nam và 27 phương tiện thủy nội địa với 606 thuyền viên.
Ứng phó bão, lực lượng quân đội đang duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Lực lượng quân đội tham gia ứng phó trên 25.000 người.
QUẢNG NINH
Xuất hiện lũ trên sông Tiên Yên

Lũ về trên sông Tiên Yên, đoạn qua xã Tiên Yên.
Sáng 22/7, do ảnh hưởng của bão, toàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra mưa vừa, có nơi mưa lớn, lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động từ 19h ngày 21 đến 6h sáng ngày 22/7, nơi cao nhất là đặc khu Vân Đồn 68,4mm, thấp nhất tại Móng Cái 16,8mm. Tại xã Tiên Yên đã xuất hiện lũ trên sông Tiên Yên, lượng mưa đo được tại đây là 23mm.
HẢI PHÒNG
31 người ở phường Nhị Chiểu chưa thực hiện di dời
Tính đến sáng 22/7, 114/114 xã, phường, đặc khu đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự và xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
UBND các xã, phường, đặc khu đã phối hợp với Công an thành phố, Sở Xây dựng tiến hành di dời thành công 4.994 người/6.359 người dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm.
Công tác di dời dân tại các khu vực trũng thấp: 11.233 người được di dời đến nơi an toàn; 1.251 người trên lồng bè, chòi canh phía Tây Hải Phòng đã được đưa đến nơi an toàn.
Về công tác di dời dân tại các khu vực sạt lở, thành phố có 10 điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn các phường: Thủy Nguyên, Đồ Sơn, An Lão, Chí Linh, Kiến An, Lưu Kiếm, Bạch Đằng, Hòa Bình, Việt Khê, Nhị Chiểu.
Đến thời điểm này, đã lập hàng rào, lắp biển cảnh báo khu vực sạt lở và di dời 861 người về nhà người thân, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, trường học. Tuy nhiên vẫn còn 31 người ở phường Nhị Chiểu chưa thực hiện di dời.
THANH HÓA
Trời nhiều mây, âm u, khu vực ven biển xuất hiện mưa lớn
Ghi nhận của phóng viên Quốc Toản vào 7h sáng 22/7: Thời tiết tại Thanh Hóa tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 3. Trên khắp địa bàn, trời nhiều mây, âm u, độ ẩm cao. Khu vực ven biển xuất hiện mưa lớn kéo dài kèm gió mạnh khiến nhiều tuyến đường đô thị bắt đầu ngập cục. Một số địa phương như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn có mưa to từ rạng sáng.

Đường phố tại Thanh Hóa ngập nước do mưa lớn kéo dài.
Dự báo trong ngày, mưa còn tiếp diễn và có khả năng gia tăng về lượng, đặc biệt tại các huyện ven biển. Cụ thể: Tổng lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động từ 19h00' ngày 21/7 đến 05h00' ngày 22/7 phổ biến từ 40-70mm, có nơi mưa lớn hơn 100mm, như Nga Thiện (xã Ba Đình) 149,4mm, xã Nga Sơn 109,2mm; Hồ Cánh Chim (phường Bỉm Sơn) 104,4mm.
Toàn tỉnh có mưa to đến mưa rất to; tổng lượng mưa từ 07h00' ngày 21/7 đến 05h00' ngày 22/7 phổ biến từ 70-120mm, có nơi cao hơn như: KT Nga Sơn (xã Nga Sơn) 216,9mm, Nga Thiện (xã Ba Đình) 182,4mm, Sầm Sơn 136,2mm, Thạch Quảng 134mm, Như Xuân (xã Như Thanh) 122,6mm, …
HẢI PHÒNG
Vùng biển ngoài khơi gió mạnh cấp 10, giật cấp 12

Theo Đài Khí tượng thủy văn thành phố Hải Phòng, đêm 21/7 và sáng sớm 22/7, vùng biển ngoài khơi Hải Phòng đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cát Hải và Cát Bà có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, Hòn Dáu có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7.
Dự báo trong 24 giờ tới, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên vùng biển ngoài khơi Hải Phòng có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11 12; sóng biển cao 2-4m. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển Hải Phòng (bao gồm Đặc khu Cát Hải, các phường Đồ Sơn, Nam Đồ Sơn, Dương Kinh, Đông Hải, Hải An, Nam Triệu và các xã Kiến Hải, Hùng Thắng, Chấn Hưng) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11-12; sóng biển cao 1-2,5m. Biển động mạnh.
Lúc 7h sáng 22/7, tại đảo Bạch Long Vĩ có mưa rất to, gió giật cấp 12.
Theo dự báo, đến trưa và chiều 22/7, vùng ven biển Hải Phòng có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-0,7m. Mực nước tổng cộng tại Hòn Dấu có thể đạt từ 3,9-4,1m vào chiều nay (22/7).
THANH HÓA
Chủ động sơ tán dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở
Để ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, đến 0 giờ ngày 22/7, các địa phương ở Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 98 hộ với 449 nhân khẩu khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Chính quyền địa phương chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, phòng tránh nguy cơ sạt lở đất.
Cụ thể, xã Mường Lý (huyện Mường Lát) sơ tán 33 hộ/174 khẩu; xã Tam Chung 15 hộ/94 khẩu; xã Kim Tân 12 hộ/54 khẩu; xã Điền Lư 18 hộ/45 khẩu; xã Nam Xuân 11 hộ/48 khẩu; xã Bá Thước 3 hộ/15 khẩu; xã Sơn Thủy 3 hộ/11 khẩu và xã Yên Nhân 3 hộ/8 khẩu.
Lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời cắm biển cảnh báo, lập rào chắn tại các điểm xung yếu, sẵn sàng phương án ứng phó nếu tình hình thời tiết diễn biến xấu.
NINH BÌNH
Nhiều khu dân cư ven biển bắt đầu bị nước tấn công
Nhà báo Xuân Hào cập nhật thông tin về ảnh hưởng của bão Wipha tại xã Hải Thịnh, Ninh Bình, sáng 22/7.
Thời điểm 6h sáng ngày 22/7, vùng ven biển của tỉnh Ninh Bình có mưa lớn, kết hợp với lượng mưa duy trì từ đêm trước đã gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu và lúa hè thu mới cấy. Nhiều khu dân cư ven biển cũng đã bắt đầu bị nước tấn công.
Bão số 3 đã tiến rất sát tới khu vực đất liền nước ta
Đến 6h sáng 22/7, bão số 3 đã tiến rất sát tới khu vực đất liền nước ta vì vùng tâm bão chỉ còn cách Hải Phòng khoảng 60km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 50km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 70km về phía Đông Bắc.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cập nhật thông tin về vị trí, cường độ và thời gian đổ bộ của bão số 3 trong ngày 22/7.
Chỉ khoảng 4-5 giờ nữa tâm bão sẽ đi vào khu vực đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Ninh Bình và cường độ bão khi đi vào vẫn mạnh cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Từ ngày hôm qua tới thời điểm này, nhiều nơi ở Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ đã có điểm mưa lớn trên 200mm; trong ngày và đêm nay hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 150-250mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đặc biệt lưu ý về vấn đề lũ quét sạt lở đất ở khu vực Nam Sơn La, Nam Phú Thọ, khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An không chỉ trong hôm nay mà cả trong 2-3 ngày tới.