| Hotline: 0983.970.780

TRỰC TIẾP Bí thư và Chủ tịch Hải Phòng thăm, động viên người dân tránh bão

Thứ Hai 21/07/2025 , 15:48 (GMT+7)

Tối 21/7, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy và ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã thăm, động viên bà con nhân dân tại các điểm tạm lánh bão.

Cập nhật 22h ngày 21/7, bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 80 km về phía Đông Nam, cách Hải Phòng khoảng 180 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 190 km, cách Ninh Bình khoảng 220 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 10 (89-102 km/h), giật cấp 13.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 km/h. Trong 12 giờ qua, khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) chỉ đạo phòng, chống bão số 3 tại Ninh Bình, chiều 21/7.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) chỉ đạo phòng, chống bão số 3 tại Ninh Bình, chiều 21/7.

Khoảng trưa đến chiều mai (22/7) vùng tâm bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa; khu vực Ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ): Gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; Ven biển Ninh Bình: Gió cấp 8-9, giật cấp 13; Ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc): Gió cấp 7-8, giật cấp 8-9; Hà Nội: Trưa và chiều mai có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.

Dự báo triều cường cao (bao gồm cả nước dâng do bão) sẽ xuất hiện vào buổi chiều 22/7, cụ thể: Tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m (13-16 giờ); tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3m (13-16 giờ); tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5,0m (14-17 giờ); và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4,0m (14-17 giờ).

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh, Ninh Bình, ngày 21/7.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh, Ninh Bình, ngày 21/7.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý, từ 21-23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có tổng lượng mưa 200–350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 3 ngày khoảng 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Nhóm PV Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có mặt tại các tỉnh, thành để ghi nhận công tác phòng, chống bão số 3 năm 2025 (bão Wipha).

Tất cảTổng thuật

Bí thư và Chủ tịch Hải Phòng thăm, động viên người dân tránh bão

Tối 21/7, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy và ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã đi thăm, động viên bà con nhân dân tại các điểm tạm lánh trên địa bàn phường Ngô Quyền gồm Trường Tiểu học Quang Trung và Trường Mầm non 8/3.

Các hộ dân này chủ yếu đến từ 16 chung cư cũ, cấp độ D, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Đến 19h cùng ngày, đã có hơn 1.800 người dân thuộc 14 chung cư được di dời an toàn, ưu tiên người già, người bệnh, trẻ nhỏ. Số hộ còn lại chưa di chuyển chủ yếu do đi vắng hoặc đã tự tìm nơi tránh trú.

Tại các điểm tạm lánh, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là các hộ yếu thế. Ông nhấn mạnh, việc sơ tán là quyết định cấp thiết, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân trước thiên tai.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng (đang bế cháu bé) cùng tân Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu thăm, động viên tặng quà người dân tạm lánh bão Wipha trên địa bàn phường Ngô Quyền.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng (đang bế cháu bé) cùng tân Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Ngọc Châu thăm, động viên tặng quà người dân tạm lánh bão Wipha trên địa bàn phường Ngô Quyền.

Thành phố Hải Phòng cam kết đảm bảo an toàn tài sản tại nơi cư trú, bố trí cán bộ y tế trực 24/24, quan tâm đặc biệt đến người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ nhỏ, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các điểm tập trung. Chính quyền sẽ tiếp tục vận động các hộ còn lại khẩn trương di chuyển trước khi bão đổ bộ.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Lê Tiến Châu đã trao quà động viên, mong bà con yên tâm, đoàn kết cùng chính quyền vượt qua khó khăn.

Hiện tại, Hải Phòng có 78 chung cư cũ, trên địa bàn 8 phường: Gia Viên (35 chung cư), Ngô Quyền (10), An Biên (12), Lê Chân (4), Hồng An (8), Hồng Bàng (4), Kiến An (2), Lê Thanh Nghị (1), Thành Đông (2). Trong đó, 34 chung cư không còn người sinh sống; còn 41 chung cư ở phía đông Hải Phòng đã di dời khoảng 300 hộ, còn lại 2.600 hộ; 3 chung cư ở phía Tây Hải Phòng hiện vẫn có người sinh sống.

Bão sẽ đạt đỉnh vào đêm nay và rạng sáng mai

Trước đó, chia sẻ trực tiếp trên sóng VOV1 lúc 21h30, chuyên gia độc lập về khí hậu và cảnh báo thiên tai Nguyễn Ngọc Huy cho biết, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất vào đêm nay và rạng sáng mai.

“Điểm đặc biệt của cơn bão này là khi tiến gần bờ, nó di chuyển rất chậm. Chính vì vậy, thời gian bão hoạt động ven bờ sẽ kéo dài, gió liên tục thổi đều kèm những đợt gió giật, khiến hạ tầng ven biển phải chịu sức ép lâu hơn”, chuyên gia phân tích.

ninh-binh-bien-phong-hai-thinh-san-sang-xu-ly-su-co-ngoai-mong-muon-223112_265

Vào lúc 22h ngày 21/7, vị trí tâm bão Wipha khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 80 km về phía Đông Nam. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Do đó, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý “không sốt ruột” vì gió có thể kéo dài dù tốc độ không quá lớn. Mặc dù gió không mạnh như bão Yagi, nhưng với cấp 11-12 vẫn có thể gây ảnh hưởng đến nhà cửa.

Ông tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngư dân đã vào bờ an toàn trước khi bão đổ bộ. TS Huy nhấn mạnh, dù không mạnh như bão Yagi, nhưng tốc độ gió đều kèm những cơn gió giật bất chợt vẫn có thể gây ra những rủi ro lớn, vì vậy tuyệt đối không được chủ quan.

So với đầu giờ chiều, bão đã mạnh thêm 1 cấp. Khi tiến vào Vịnh Bắc Bộ, bão sẽ di chuyển chậm và tích lũy thêm năng lượng từ vùng biển có nhiệt độ cao. Vì thế, dù trước đó đã suy yếu khi đi qua Trung Quốc, bão vẫn có khả năng mạnh trở lại.

Chuyên gia dự báo, bão Wipha tiếp tục di chuyển chậm với vận tốc khoảng 10 km/h, tâm bão dự kiến sẽ tiến sát vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng trong vài giờ tới.

Thanh Hóa

Tiếp tục di dời 317 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ sạt lở cao

Phóng viên Quốc Toản đưa tin, vào khoảng 21h30 ngày 21/7, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu xuất hiện mưa lớn kèm theo gió mạnh. Diễn biến này là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kết hợp với hoàn lưu bão số 3 đang hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ và hội tụ gió trên cao mạnh dần.

bi-thu-dac-khu-co-to-dam-bao-an-toan-tuyet-doi-cho-tung-ho-dan-221240_853

Đến 20h30’ lực lượng chức năng đã di dời toàn bộ người dân bản Ún tới vị trí an toàn.

Dự báo, từ đêm nay đến ngày 23/7, Thanh Hóa sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to kèm dông trên diện rộng. Lượng mưa tại khu vực vùng núi phía Bắc và Tây Bắc phổ biến từ 100-300 mm, có nơi vượt 350 mm; khu vực vùng núi phía Tây, Tây Nam và đồng bằng ven biển có khả năng mưa từ 150-350 mm, có nơi trên 400 mm. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phương án phòng chống ngập úng, sạt lở đất và đảm bảo an toàn cho người dân vùng xung yếu.

Trước tình hình mưa lớn đang diễn ra ở các xã miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhiều khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt sở cao. Từ chiều ngày 21/7, Đồn Biên phòng Pù Nhi phối hợp với chính quyền xã Mường Lý vận động và di dời 57 hộ/317 nhân khẩu bản Ún đến các trường học trên địa bàn xã.

Đến 20h30’ lực lượng chức năng đã di dời toàn bộ người dân bản Ún tới vị trí an toàn; đồng thời bố trí nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian tránh trú bão. Được biết, khu tái định cư thuộc bản Ún, xã Mường Lý được đầu tư, xây dựng để phục vụ tái định cư cho 124 hộ dân đang sống trong vùng nguy cơ sạt lở.

Ninh Bình

Lực lượng biên phòng sẵn sàng xử lý sự cố ngoài mong muốn

Lúc 21 giờ ngày 21/7, nhà báo Xuân Hào có mặt tại xã biển Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình. Ứng trực với bão số 3, lực lượng biên phòng của Đồn Biên phòng Hải Thịnh đã tăng cường hơn công tác nghiệp vụ so với thường xuyên, sẵn sàng xử lý những sự cố ngoài mong muốn. Xin mời quý vị xem ghi nhanh của nhà báo Xuân Hào.

Quảng Ninh

Phường Móng Cái 1 hỗ trợ hộ dân đảm bảo an toàn trong mưa bão

Vào khoảng 20h15 ngày 21/7, hộ bà Nguyễn Thị Giang, trú tại khu Hải Hoà 2, phường Móng Cái 1 phản ánh đến chính quyền: Do gió rất to, mái ngói nhà bà Giang bị mái tôn nhà bên cạnh lật úp đè vào, có nguy cơ gây sập mái.

Ngay khi nhận được tin báo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND phường Móng Cái 1 đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, huy động máy móc xử lý ngay, đảm bảo an toàn cho hộ dân.

bi-thu-dac-khu-co-to-dam-bao-an-toan-tuyet-doi-cho-tung-ho-dan-214629_814

Phường Móng Cái 1 hỗ trợ di dời mái tôn bảo vệ an toàn cho nhà dân.

Để ứng phó với cơn bão số 3, Đảng ủy, HĐND, UBND phường Móng Cái 1 đã khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các biện pháp ứng phó với phương châm chủ động, nhanh chóng, trực tiếp, đặt sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.

Trong đó, địa phương đã huy động lực lượng 650 người và các phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó với bão. Hiện trên địa bàn phường có 520 tàu, thuyền và phương tiện thủy các loại đã vào nơi tránh trú an toàn.

Toàn phường đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền tới từng khu phố về diễn biến của bão và sẵn sàng các địa điểm để di dời dân cư đến nơi an toàn khi bão đổ bộ và khắc phục các ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão.

HẢI PHÒNG

Đặc khu Bạch Long Vĩ mưa rất to, gió giật cấp 10

Tối 21/7, ông Đào Minh Đông - Chủ tịch UBND Đặc khu Bạch Long Vĩ - cho biết, dù bão số 3 (bão Wipha) chưa đổ bộ, trên đảo đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 kèm mưa lớn.

Trong ngày, chính quyền đặc khu đã kích hoạt các phương án sơ tán dân khỏi những khu vực có nguy cơ cao, sẵn sàng ứng phó với kịch bản xấu nhất khi bão đổ bộ. Theo đó, có 8 hộ dân với 17 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực xung yếu, ngay sát mép nước dọc đường dạo âu cảng đã được di dời về nhà thi đấu Đa năng của Đặc khu tránh trú an toàn.

ninh-binh-thanh-lap-so-chi-huy-trung-tam-va-cac-so-chi-huy-tien-phuong-phong-chong-bao-203434_413

Lúc 19h ngày 21/7, tại đảo Bạch Long Vĩ gió đã giật cấp 10, mưa rất to và biển động rất mạnh.

UBND đặc khu đã giao Văn phòng và Ủy ban MTTQ Việt Nam đặc khu chuẩn bị đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiếp nhận và hướng dẫn người dân đến tạm trú.

Bên cạnh phương án di dời cụ thể, chính quyền đặc khu cũng đã triển khai tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các cơ quan, đơn vị và hộ dân trên đảo. Người dân được hướng dẫn, đôn đốc chằng chống nhà cửa, kho tàng; có kế hoạch bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, cây trồng. Các đoàn kiểm tra đã được cử đi rà soát công tác chuẩn bị tại tất cả các khu dân cư, đảm bảo mọi người dân đều nắm rõ thông tin và chủ động các biện pháp phòng tránh.

Cũng theo ông Đào Minh Đông, tính đến 19h ngày 21/7, theo quan sát của Trạm Ra-đa 490/Quân chủng Hải quân, không phát hiện phương tiện hoạt động trên biển.

Hải Phòng có lượng mưa cao hơn các địa phương lân cận

Theo Đài khí tượng thủy văn TP Hải Phòng, trong 24 giờ qua (tính từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7), trên địa bàn thành phố đã có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phân bố không đồng đều và có sự khác biệt lớn giữa khu vực đất liền và biển đảo.

Tâm điểm mưa lớn tập trung tại các huyện đảo, đặc biệt huyện đảo Bạch Long Vĩ đã hứng chịu một trận mưa rất to với lượng mưa đo được lên tới 220,9 mm. Đây là lượng mưa đặc biệt lớn, vượt xa các khu vực khác.

Mưa lớn đã xuất hiện tại TP Hải Phòng.

Mưa lớn đã xuất hiện tại TP Hải Phòng cách đây hơn 1 giờ.

Tại đảo Cát Bà, lượng mưa cũng ở mức rất cao, đạt 113,8 mm, và tại trạm Hòn Dấu ghi nhận 64,5 mm. Tại khu vực đất liền, lượng mưa phổ biến dao động từ 40 mm đến hơn 60 mm. Các trạm đo có lượng mưa cao bao gồm: Quang Phục (Tiên Lãng) 63 mm, Cửa Cấm (trung tâm thành phố) 62 mm, Kiến An và Đồ Sơn (trạm Đồ Nghi) cùng ở mức 59 mm.

Các khu vực khác như Phù Liễn (Kiến An) ghi nhận 53,7 mm, Thủy Nguyên 47,4 mm và Vĩnh Bảo 37,6 mm. So với các tỉnh lân cận trong cùng thời điểm, lượng mưa tại Hải Phòng cao hơn đáng kể. Điều này cho thấy vùng mưa lớn đang tập trung chủ yếu tại khu vực ven biển và các huyện đảo của TP Hải Phòng.

QUẢNG NINH

Đặc khu Cô Tô: Từng hộ dân, từng nhân khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ

Thông tin với PV, bà Lê Ngọc Hân, Bí thư Đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết hiện ngoài đảo gió cấp 5, giật cấp 7, có mưa to. Tuy nhiên đang vào lúc triều kiệt nên không có sóng lớn.

Trước đó, từ sáng 21/7, lực lượng chức năng đặc khu đã kiên quyết tổ chức di dời bắt buộc theo phương án đã chuẩn bị từ trước, bảo đảm an toàn cho người dân là ưu tiên cao nhất. Tất cả hoạt động đều được thực hiện khẩn trương, linh hoạt, trên tinh thần hỗ trợ và đồng hành cùng người dân vượt qua thiên tai.

hai-phong-dac-khu-bach-long-vi-mua-rat-to-gio-giat-cap-10-211232_397

Lực lượng chức năng Đặc khu Cô Tô sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.

"Với mục tiêu không để người dân ở lại nơi nguy hiểm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Từng hộ dân, từng nhân khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ, an toàn tuyệt đối", bà Lê Ngọc Hân nói.

THANH HÓA

Họp trực tuyến 24 xã miền núi để ứng phó với bão số 3

Phó Chủ tịch UBND Mai Xuân Liêm đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại các xã Trung Lý, Pù Nhi và Mường Lát. Đồng thời, chủ trì hội nghị trực tuyến với 24 điểm cầu các xã miền núi.

Theo đó, ông Mai Xuân Liêm cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 3 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý; điểm sạt lở tại bản Na Tao, xã Pù Nhi; khu Chiên Pục, xã Mường Lát.

Nhập chú thích ảnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm (mặc áo sọc caro, đeo kính) đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3, ngày 21/7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, kế hoạch di dời dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn của chính quyền địa phương.

Sau khi đi kiểm tra tại các xã Trung Lý, Mường Lát, cuối giờ chiều cùng ngày, tại xã Mường Lát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 24 điểm cầu các xã miền núi để nắm bắt công tác chuẩn bị ứng phó với bão.

Ông Liêm yêu cầu đặc biệt lưu ý tổ chức lực lượng trực gác 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu như ngầm tràn, khu vực sạt lở, nước chảy xiết; chủ động rào chắn, cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không để người và phương tiện qua lại khi không an toàn.

Cấp ủy, chính quyền, lực lượng quân sự, công an, biên phòng, dân quân tự vệ sẵn sàng cơ động, hỗ trợ sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.

Lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý ngay khó khăn tại chỗ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

NINH BÌNH

Thành lập Sở chỉ huy Trung tâm và các Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống bão

Ninh Bình thành lập Sở chỉ huy Trung tâm và các Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống bão trên địa bàn tỉnh do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo Sở, ngành liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn.

nghe-an-nhan-vien-cuu-ho-dung-xuong-may-duoi-du-khach-khong-chap-hanh-lenh-cam-bien-193426_539

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình Bùi Xuân Diệu (áo xanh) kiểm tra công tác hậu cần phòng, chống bão, ngày 21/7.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy yêu cầu tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn triển khai công tác ứng phó với bão số 3 tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác phòng, chống úng, lũ lụt, sạt lở đất, bảo đảm an toàn đê điều trên hệ thống các sông; kịp thời khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.

Ban Thường vụ Đảng ủy các xã, phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão số 3, trong đó khẩn trương rà soát hệ thống đê điều trên địa bàn, cắt tỉa cây xanh, khơi thông hệ thống cống tiêu thoát nước, hố ga... đảm bảo các điều kiện phòng, chống bão và hoàn lưu mưa lũ sau bão.

Người đứng đầu Đảng ủy Tỉnh yêu cầu Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn.

NGHỆ AN

Di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Xói Voi đến nơi an toàn

Theo ghi nhận của PV Việt Khánh, thực hiện công tác ứng phó bão số 3, chiều 21/7, chính quyền địa phương xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng chuyên môn khẩn trương sơ tán 19 hộ dân với 86 nhân khẩu đến nơi an toàn.

ninh-binh-thanh-lap-so-chi-huy-trung-tam-va-cac-so-chi-huy-tien-phuong-phong-chong-bao-195337_476

Lực lượng chức năng hỗ trợ bà con sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Biên Cương.

19 hộ dân nói trên sống tại bản Xói Voi, ngay dưới chân núi Phà Mạt, qua ghi nhận thực tế khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ do xuất hiện nhiều vết nứt khá lớn. Đáng nói tình trạng trên ngày càng chuyển biến nghiêm trọng, nhất là sau đợt mưa lớn kéo dài, gây lũ quét vào cuối tháng 5/2025.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên địa bàn xã Nhôn Mai có tổng cộng 58 hộ dân với gần 300 nhân khẩu thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Trước thực trạng đó, UBND xã này đã có tờ trình, gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị có phương án hỗ trợ tái định cư cho bà con dân bản trong thời gian sớm nhất.

HẢI PHÒNG

Xã Kiến Hải sơ tán 160 hộ dân ngoài đê và vùng nguy hiểm

PV Hoàng Phong đưa tin, tính đến 17 giờ 30 phút, ngày 21/7, chính quyền địa phương đã vận động và sơ tán thành công 374 người thuộc 160 hộ dân đến các điểm tránh trú bão an toàn theo phương án đã xây dựng.

Trước đó, dự báo bão số 3 diễn biến phức tạp, xã Kiến Hải đã triển khai những hành động quyết liệt, hiệu quả, ưu tiên cao nhất cho việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Nhập chú thích ảnh

Lực lượng chức năng xã Kiến Hải di dời người dân đến khu vực an toàn.

Trong công tác quản lý phương tiện thủy, Ban chỉ huy xã đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Đoàn Xá tiến hành rà soát, kiểm đếm và kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú. Kết quả, 100% phương tiện trên địa bàn, bao gồm 114 tàu thuyền các loại với 194 lao động, đã vào bờ neo đậu an toàn tại các bến Quán Chánh, Bến Ngọc và bến Săm.

Song song đó, công tác sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm được thực hiện khẩn trương. Xã đã rà soát và xác định 238 hộ dân tại các vùng trũng thấp và khu vực ngoài đê cần di dời để tiến hành tuyên truyền, vận động theo phương án đã xây dựng, đảm bảo an toàn tình mạng và tài sản cho người dân.

QUẢNG NINH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng cá Cái Xà Cong

Chiều 21/7, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã đi kiểm tra tại khu neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Cái Xà Cong, phường Hà Tu.

Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm được dự báo của cơn bão số 3 (Wipha), phường Hà Tu đã sớm triển khai công tác ứng phó với phương châm "3 trước, 4 tại chỗ". Trong đó, 432 tàu, thuyền trên địa bàn phường đã về khu neo đậu tránh trú bão. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 triển khai lực lượng hỗ trợ người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công chỉ đạo công tác phòng chống bão tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão Cái Xà Cong19:38Quốc Toản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công (thứ hai từ trái sang) chỉ đạo công tác phòng chống bão tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão Cái Xà Cong.

Phường cũng đã bố trí các nhà văn hóa để phục vụ người dân có nhu cầu ở tạm trong những ngày mưa bão. Đồng thời, triển khai tổ công tác để hỗ trợ nhân dân trông coi tài sản, kiểm soát phương tiện và con người.

Lực lượng của Lữ đoàn 170 đã huy động 50 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân gia cố các bè, mảng và một số nhà dân xung quanh khu vực.

Ông Nguyễn Văn Công ghi nhận sự chủ động, tích cực trong phòng, chống bão của phường Hà Tu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cơn bão số 3 diễn biến phức tạp, do đó, phường Hà Tu cần tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch, phương án chống bão đã đề ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trên địa bàn; huy động tối đa lực lượng hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống tàu, thuyền, bè mảng; tuyệt đối không được để người dân ở lại trên tàu, thuyền, bè khi bão đổ bộ...

THANH HÓA

Sẵn sàng phương án sơ tán hơn 169.000 dân vùng ven biển, cửa sông

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại khu vực ven biển và cửa sông.

ninh-binh-thanh-lap-so-chi-huy-trung-tam-va-cac-so-chi-huy-tien-phuong-phong-chong-bao-194834_844

Thanh Hóa làm lều, lán chuẩn bị các phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.

Toàn tỉnh hiện có 40.830 hộ với 169.352 nhân khẩu thuộc 20 xã, phường nằm trong diện cần sơ tán khi bão đổ bộ. Trong đó, có 19.971 hộ (80.541 người) được bố trí sơ tán tại chỗ, còn lại 20.859 hộ (88.811 người) sẽ sơ tán tập trung đến nơi an toàn. Đặc biệt, trong phạm vi cách bờ biển dưới 200m, có 10.561 hộ với 46.194 người cần sơ tán; khu vực từ 200-500m có 14.288 hộ với 58.868 người; khu vực cách bờ biển trên 500m có 15.981 hộ với 64.290 người.

Cùng với đó, toàn tỉnh có 297 chòi canh ngao và lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được kiểm tra, xử lý theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 05/CĐ-PCTT,TKCN&PTDS ngày 20/7/2025. Thanh Hóa đã thực hiện lệnh cấm biển từ 8h00 ngày 21/7 đến khi bão không còn ảnh hưởng. Hiện toàn bộ người dân trên các chòi canh, lồng bè đã được đưa vào bờ an toàn.

NGHỆ AN

Nhân viên cứu hộ dùng xuồng máy 'đuổi' du khách không chấp hành lệnh cấm biển

Dù có thông báo cấm tắm biển do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều du khách vẫn xuống tắm ở biển Cửa Lò, buộc lực lượng cứu hộ phải dùng xuồng máy để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn.

Chiều 21/7, theo ghi nhận của PV Đình Tiệp tại bãi tắm biển phường Cửa Lò (Nghệ An), cả trăm du khách vẫn đổ ra bãi biển để vui chơi, tắm mát bất chấp lệnh cấm được chính quyền ban hành trước đó nhằm đảm bảo an toàn khi bão số 3 (bão Wipha) đang tiến gần bờ.

Các nhân viên cứu hộ tại bãi tắm biển phường Cửa Lò buộc phải sử dụng xuồng máy áp sát, trực tiếp yêu cầu người dân lên bờ để đảm bảo an toàn, chiều tối 21/7.

Các nhân viên cứu hộ tại bãi tắm biển phường Cửa Lò buộc phải sử dụng xuồng máy áp sát, trực tiếp yêu cầu người dân lên bờ để đảm bảo an toàn, chiều tối 21/7.

Đáng chú ý, vào khoảng 14h cùng ngày, rất đông người dân và khách du lịch, trong đó có cả trẻ em, vẫn xuống biển tắm như không có chuyện gì xảy ra. Nhiều người thậm chí còn bơi xa bờ, tiềm ẩn nguy cơ cao khi thời tiết có diễn biến xấu.

Trước tình trạng này, lực lượng cứu hộ, cứu nạn biển Cửa Lò liên tục dùng còi để phát loa nhắc nhở, yêu cầu người dân nhanh chóng lên bờ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phớt lờ cảnh báo.

Không còn cách nào khác, các nhân viên cứu hộ buộc phải sử dụng xuồng máy áp sát từng nhóm người đang ở dưới nước, trực tiếp yêu cầu họ lên bờ để đảm bảo an toàn. Một số trường hợp phải nhiều lần nhắc nhở mới chịu rời khỏi mặt nước.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ và Phòng chống thiên tai phường Cửa Lò, cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, từ 8h sáng 21/7, địa phương đã có thông báo cấm toàn bộ hoạt động tắm biển. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm nhiều du khách vẫn vô tư tắm biển khiến chúng tôi phải dùng ‘biện pháp mạnh’.

Cũng cần phải nói thêm rằng, cho đến hơn 17h chiều cùng ngày, vẫn còn một số tốp du khách vui chơi ven bờ biển Cửa Lò, bất chấp sự can ngăn của lực lượng chức năng.

HẢI PHÒNG

Đặc khu Cát Hải sơ tán khẩn cấp 244 lao động lồng bè

Theo ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND Đặc khu Cát Hải, đến tối 21/7, chính quyền đặc khu đã tổ chức sơ tán được toàn bộ 244 lao động đang làm việc tại 122 cơ sở bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh. Các lao động này đã được đưa về các vị trí tránh trú an toàn trên đảo, đảm bảo không còn người ở lại trên các lồng bè khi bão Wipha đổ bộ.

hai-phong-dac-khu-bach-long-vi-mua-rat-to-gio-giat-cap-10-205224_874

Đến tối 21/7, chính quyền đặc khu đã tổ chức sơ tán được toàn bộ 244 lao động đang làm việc tại 122 cơ sở bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh.

Đối với du khách, sau khi có thông báo về bão, phần lớn đã di chuyển vào đất liền. Trên toàn địa bàn đặc khu chỉ còn 272 du khách lưu trú, trong đó có 89 khách quốc tế. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai đặc khu đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, khách sạn thông tin đầy đủ về diễn biến của bão và có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho số du khách này.

Cùng với đó chính quyền đặc khu cũng đã vận động các nhà hàng, khách sạn giảm giá cho du khách trong thời điểm bão số 3 năm 2025 (bão Wipha) đổ bộ.

NINH BÌNH

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng đề nghị quan tâm những đối tượng dễ bị tổn thương

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó bão của tỉnh Ninh Bình, đồng thời, ông đề nghị tỉnh chú ý đến những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, đặc biệt có kế hoạch di dời những hộ dân có nhà ở kém an toàn.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nn-mt-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-164035_140

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (hàng đầu, bên phải) kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Đồn biên phòng Hải Thịnh, Ninh Bình.

Quyền Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm đến công tác ứng phó sau bão, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, tiêu úng.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh, các ban quản lý cảng cá tuyệt đối không cho tàu cá di chuyển ra khơi trong thời gian ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

THANH HÓA

Đảm bảo an toàn cho 4.100 du khách lưu trú ở Sầm Sơn

Thông tin từ phường Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn còn 95 khách sạn đang có khách lưu trú, với tổng số khách lưu trú là 4.027 khách; tại phường Nam Sầm Sơn hiện có 78 khách đang lưu trú.

nghe-an-nhan-vien-cuu-ho-dung-xuong-may-duoi-du-khach-khong-chap-hanh-lenh-cam-bien-185340_446

Đường phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) vắng bóng du khách trong chiều muộn 21/7.

Trong đó, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn có tới 696 khách hiện đang lưu trú. Để đảm bảo an toàn cho du khách, tất cả các khu vực đã được gia cố, đảm bảo hệ thống điện nước, sẵn sàng vận hành và hỗ trợ trong mọi tình huống.

Chính quyền phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn đã thông tin diễn biến của bão, đồng thời yêu cầu du khách không tắm biển, không đi lại tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt trong thời điểm gió giật mạnh; sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn khi có yêu cầu.

PHÚ THỌ

Gần 12ha lúa và hoa màu ngập úng, thiệt hại

Theo cập nhật của Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi lúc 17h00, tỉnh Phú Thọ có 11,8ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ. Các địa phương khu vực miền núi phía Bắc, trung du và đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ đang vận hành 94 trạm bơm với 342 máy để tiêu thoát nước.

Cũng theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 269 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng nặng, 112 hồ đang sửa chữa nâng cấp và 5 hồ xây mới. Cơ quan này đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có cửa van, hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa.

Đối với công trình đang thi công, phải có phương án thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công vượt lũ.

HẢI PHÒNG

Tìm cách bảo vệ hơn 20.000ha lúa mới cấy

Toàn thành phố Hải Phòng hiện có 60.000ha lúa mùa đã gieo cấy. Trong đó, khoảng 20.000ha lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh, rất dễ bị thiệt hại do gió mạnh và ngập úng. Ngoài ra, nguy hiểm nhất là 20.760ha lúa mới cấy, đặc biệt là 10.000ha lúa gieo sạ mới được 3-5 ngày, sức chống chịu còn rất yếu, có nguy cơ bị mất trắng nếu bị ngập úng kéo dài.

Nhiều diện tích lúa mới cấy ở Hải Phòng dự kiến sẽ hỏng, phải cấy lại nếu bị ngập.

Nhiều diện tích lúa mới cấy ở Hải Phòng dự kiến sẽ hỏng, phải cấy lại nếu bị ngập.

Bên cạnh cây lúa, 12.050ha rau màu hè thu và gần 29.000ha cây ăn quả, trong đó có gần 2.500ha nhãn đang chuẩn bị thu hoạch, cũng đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề. Ngành nông nghiệp thành phố đang chạy đua với thời gian, vừa thu hoạch sớm những sản phẩm đã chín, vừa triển khai các biện pháp chống úng để cứu vãn thành quả lao động của cả một vụ mùa.

NGHỆ AN

Các xã biên giới tức tốc ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

Trong ngày 21/7, lãnh đạo các xã vùng núi cao, biên giới của tỉnh Nghệ An như Tiền Phong, Tri Lễ, Lượng Minh, Tam Hợp, Nhôn Mai… đã trực tiếp kiểm tra thực địa tại các điểm trọng yếu có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3 đang diễn biến phức tạp.

nghe-an-nhan-vien-cuu-ho-dung-xuong-may-duoi-du-khach-khong-chap-hanh-lenh-cam-bien-190105_359

Lãnh đạo các xã vùng núi cao, biên giới của tỉnh Nghệ An trực tiếp kiểm tra thực địa tại các điểm trọng yếu có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngày 21/7.

Các xã chỉ đạo sát sao các thôn, bản khẩn trương rà soát, lập phương án di dời dân cư tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai; Báo cáo kịp thời khi có sự cố để Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã xử lý nhanh chóng, hiệu quả.

UBND xã cũng kêu gọi bà con nhân dân phải nâng cao ý thức phòng chống bão lũ; Theo dõi thường xuyên thông tin thời tiết trên các phương tiện truyền thông; Tuân thủ hướng dẫn của chính quyền để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trước, trong và sau khi cơn bão đi qua.

THANH HÓA

Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng, chống bão số 3

Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Thanh Hóa đã quyết định tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị không thật sự cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão.

hai-phong-tim-cach-bao-ve-hon-20000ha-lua-moi-cay-180304_675

Đồn Biên phòng Sầm Sơn (Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) giúp người dân neo đậu tàu thuyền tránh bão.

Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã huy động 1.160 cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ CHQS tỉnh; 14.500 chiến sĩ dân quân tự vệ cùng lực lượng hiệp đồng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn như: Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Sư đoàn 341 (Quân khu 1), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 và 4 xe vận tải, 1 mô tô nước, 84 thuyền cùng nhiều thiết bị chuyên dùng khác để sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với Sở Giao thông vận tải huy động 80 phương tiện các loại, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ chỉ huy theo các hướng, tổ chức 6 đoàn công tác xuống các địa phương để kiểm tra tình hình, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão số 3.

NINH BÌNH

Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cắt cử cán bộ chuyên ngành xuống trực tiếp tại các xã

PV Bá Thắng đưa tin, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đang kiểm tra tình hình thực tế ứng phó bão tại xã Hải Thịnh, bao gồm kho vật tư.

Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Tiến cho biết, thời gian vừa qua, chính quyền hai cấp đã thực hiện triển khai tại nhiều địa phương, do đó, chính quyền cấp xã hiện một số nơi còn nhiều lúng túng

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-171801_302

Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến kiểm tra kho vật tư.

Trước tình hình khẩn cấp, để ứng phó với cơn bão diễn biến phức tạp với sức gió trên đất liền được dự báo lên đến cấp 10, Cục đã chủ động xây dựng nhiều phương án và cắt cử cán bộ chuyên ngành xuống trực tiếp tại các xã.

Tính đến thời điểm chiều 21/7, có ba xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có cán bộ trực chiến của Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai.

NINH BÌNH

Cắt cử lực lượng túc trực các địa bàn xung yếu

Cùng tham gia với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết, toàn bộ các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất các công tác chuẩn bị đón bão số 3. Các địa bàn xung yếu, địa phương đã cắt cử lực lượng để túc trực, sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Mời quý vị nghe ý kiến của ông Phạm Quang Ngọc trao đổi với nhà báo Xuân Hào.

THANH HÓA

Di dời 168 người tại xã Trung Hạ; lập chốt trực 24/24 tại các điểm xung yếu

PV Trịnh Tâm đưa tin, bản Muỗng, xã Trung Hạ hiện có 39 hộ dân với 168 khẩu sinh sống dọc đồi thấp ven sông Lò và các khe, suối. Sau cơn bão số 4 vào cuối tháng 9/2024, các vết nứt, sụt lún xuất hiện trên nền, sân, tường nhà dân và đường giao thông trong bản. Đầu tháng 10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã công công bố đây là điểm xung yếu trong phòng chống thiên tai.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-173434_805

Người dân bản Muỗng, xã Trung Hạ được di dời đến nơi ở an toàn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, trong sáng ngày 21/7 UBND xã Trung Hạ đã huy động lực lượng dựng lán tạm trên khu vực an toàn, gần bản và di dời toàn bộ người dân bản Muỗng đến nơi ở an toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Hạ, ông Hà Văn Thành cho biết, đến 16h ngày 21/7, công tác di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở bản Muỗng đã hoàn thành. Xã cũng đã chuẩn bị điện, nước và lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian trú ẩn. Đồng thời phân công lực lượng ứng trực 24h/24h để bảo vệ và hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Trong khi đó, PV Quốc Toản cho biết, Thanh Hóa đã lập chốt trực 24/24h tại 42 điểm xung yếu đê điều, hồ chứa không đảm bảo an toàn. Thông tin từ ông Nguyễn Văn Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, tính đến 10h ngày 20/7, toàn tỉnh đã rà soát, xác định 42 trọng điểm xung yếu về đê điều và 57 hồ chứa nước không bảo đảm an toàn.

QUẢNG NINH

'Khẩn trương nhưng không hoảng loạn, chủ động nhưng không chủ quan'

PV Tiến Thành đưa tin từ Quảng Ninh, ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã có chuyến kiểm tra thực tế tại tỉnh nhằm chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) - cơn bão được dự báo có diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển Đông Bắc.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nn-mt-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-160247_857

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão tại tỉnh Quảng Ninh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt nhấn mạnh tới việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, ngập sâu hoặc ảnh hưởng trực tiếp của sóng, gió mạnh.

Báo cáo với Thứ trưởng, tỉnh Quảng Ninh cho biết đã hoàn tất kiểm đếm toàn bộ tàu thuyền, thông báo cho trên 4.000 phương tiện với hơn 10.000 lao động về hướng di chuyển của bão; đồng thời công bố 76 điểm neo đậu an toàn, đảm bảo đủ chỗ tránh trú cho tàu cá. Các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, dân quân tự vệ, tổ xung kích đã được kích hoạt, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, hồ chứa, đê điều, trạm bơm tiêu úng và hệ thống thông tin liên lạc. Ông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai phương án dự phòng, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ chỉ đạo điều hành từ trung ương đến cơ sở.

Nhấn mạnh tinh thần khẩn trương nhưng không hoảng loạn, chủ động nhưng không chủ quan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc sớm và quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các phương án đã chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ.

HẢI PHÒNG

Cần chuyển từ ứng phó bị động với bão sang giải pháp căn cơ

Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP. Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời của Hải Phòng trong công tác phòng, chống bão, tuy nhiên nhấn mạnh thành phố cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề để ứng phó hiệu quả hơn, với tinh thần rút kinh nghiệm và hành động dứt khoát sau mỗi cơn bão.

quyen-bo-truong-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-tran-duc-thang-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-tai-ninh-binh-155711_665

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (hàng đầu, đi ủng) kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Cảng cá Ngọc Hải, phường Đồ Sơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát an toàn đê điều từ trước, tập trung xử lý ngay các vị trí xung yếu. Ông cũng cảnh báo không được chủ quan với nguy cơ sạt lở, yêu cầu thành phố rà soát, có chiến lược tổng thể để giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, các công trình kinh tế trọng điểm đang thi công dở dang được xem là điểm tiềm ẩn rủi ro lớn về tài sản, cần được kiểm soát chặt chẽ.

Đối với các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải kiên quyết cưỡng chế di dời người dân, nhưng phải đi đôi với phương án bảo vệ tài sản cho họ, đồng thời huy động tối đa lực lượng vũ trang giúp dân gia cố lồng bè. "Chúng ta không thể mãi 'đối phó' với bão, cần chuyển từ ứng phó bị động sang giải pháp căn cơ, kiên cố, ứng dụng công nghệ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân".

Kiểm tra tại khu vực cảng cá Ngọc Hải, phường Đồ Sơn, Phó Thủ tướng lưu ý, trước đây một huyện có thể có nhiều xã, nay chỉ còn một đơn vị hành chính cấp xã với quy mô rộng hơn, nhưng nhiệm vụ và áp lực lại phụ thuộc rất lớn vào các điểm xung yếu trên địa bàn.

Từ đó, yêu cầu được đặt ra là phải tăng cường nguồn lực - bao gồm vật chất, vật liệu, vật tư, nhân lực -vào đúng các khu vực xung yếu. Đồng thời phải có cơ chế điều động lực lượng giữa các xã, chi viện ngay lập tức. “Mỗi xã đều có các tổ xung kích, nhưng khi xã khác xảy ra sự cố thì toàn bộ các xã khác phải chi viện ngay".

THANH HÓA

Vô tư thả lưới đánh cá trước giờ bão đổ bộ

Theo ghi nhận của PV Quốc Toản, lúc 15 giờ 30 phút, khi bão số 3 đang tiến sát bờ, tại bãi biển Hải Tiến (xã Hoằng Tiến, tỉnh Thanh Hóa), vẫn có người dân vẫn vô tư thả lưới đánh cá ven bờ.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nn-mt-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-165701_104

Người dân vô tư thả lưới đánh cá dù đã được kêu gọi rời khu vực nguy hiểm.

Ghi nhận tại hiện trường, có người mang theo dụng cụ đánh bắt, kéo lưới ngay trong điều kiện gió lớn, sóng biển mạnh và trời âm u. Dù trước đó, lực lượng chức năng đã liên tục phát loa kêu gọi rời khỏi khu vực nguy hiểm.

Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ cao gây nguy hiểm tính mạng người dân khi khu vực ven biển Thanh Hóa đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, với cảnh báo về gió giật mạnh, sóng lớn và nước dâng.

HẢI PHÒNG

Tập trung bảo vệ 75 vị trí đê, kè, cống xung yếu

PV Đinh Mười đưa tin, TP Hải Phòng đang tập trung bảo vệ 75 vị trí đê, kè, cống xung yếu đã được xác định trên toàn địa bàn. Trong đó, 8 điểm trọng yếu do cấp thành phố quản lý và 67 điểm do các xã, phường, đặc khu phụ trách. Tất cả các vị trí này đều đã được xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ chi tiết theo phương châm "bốn tại chỗ", đảm bảo sự chủ động về chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần ngay tại cơ sở để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nn-mt-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-164408_944

Hải Phòng tập trung bảo vệ 75 vị trí đê, kè, cống xung yếu.

Đóng vai trò chủ lực trong việc chống úng, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn đã vào cuộc quyết liệt để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra khi bão đổ bộ. Đến thời điểm hiện tại, các công ty đã hoàn thành việc tháo, hạ thấp mực nước đệm trong toàn bộ hệ thống kênh mương. Biện pháp này nhằm tạo ra dung tích trữ tối đa, sẵn sàng đón nhận và điều tiết lượng mưa lớn dự báo trút xuống từ bão số 3, hạn chế nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Cùng với đó, toàn bộ máy móc, thiết bị và lực lượng vận hành đã được đặt trong tình trạng thường trực cao nhất, sẵn sàng hoạt động theo yêu cầu.

Tuy nhiên, tại hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, đoạn qua địa bàn xã Kẻ Sặt đã xuất hiện 3 đoạn sạt lở bờ kênh, với chiều dài từ 85-150m. Có vị trí bờ kênh đã bị xói lở vào sâu, chỉ còn cách mép bờ khoảng 1 mét, tiềm ẩn nguy cơ vỡ rất cao. Trước tình hình này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã kiểm tra thực địa và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Kẻ Sặt để sẵn sàng phương án xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.

THANH HÓA

Huy động hơn 186 nghìn người ứng phó với bão số 3

Ngày 20/7, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tại 166 xã, phường trên địa bàn tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-171512_207

Người dân và lực lượng chức năng ven biển đang khẩn trương gia cố bờ kè biển Hải Tiến bằng bao cát, chuẩn bị ứng phó bão số 3.

Các ngành, các địa phương đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động 186.583 người sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị 44.487m3 đá hộc; 13.406m3 đá dăm, sỏi; 9.354m3 cát; 80.033m3 đất; 29.926 rọ thép; 1.016.766 chiếc bao tải; 197.727m2 bạt, 199.428 cọc tre cùng các loại vật tư dự phòng khác, đáp ứng yêu cầu xử lý các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra.

THANH HÓA

Người nuôi tôm chạy đua với bão

Theo ghi nhận của PV Quốc Toản, tại xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa, có 988ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, toàn xã có 202 hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê. Để bà con nuôi trồng thủy sản nắm được và chủ động ứng phó với bão số 3, UBND xã Hoằng Châu đã phát đi nhiều thông báo để người dân chủ động phòng chống và ứng phó khi bão vào.

Ảnh ao nuôi tôm được chằng chống để đảm bảo an toàn trước bão số 316:34/-heart/-heart/-strong/-heart:>:o:-((:-hThắng T T

Ao nuôi tôm được chằng chống để đảm bảo an toàn trước bão số 3.

Ông Trịnh Văn Hùng (chủ khu nuôi trồng thủy sản) ở thôn Phượng Ngô 1, xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa cho biết, để bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thuỷ sản, nhất là bão số 3 đang tiến sát bờ, người dân nuôi trồng thủy sản đã chủ động chằng chống ao nuôi, thu tỉa những tôm, đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão lũ xảy ra và chuẩn bị tốt về giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học nhằm chăm sóc, bảo vệ và phòng dịch bệnh.

NINH BÌNH

100% tàu thuyền được kêu gọi vào nơi trú ẩn

Nhà báo Xuân Hào tường thuật tại bãi biển xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình.

THANH HÓA

Dựng lán trại giúp dân tránh, trú bão

Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo Ngân Phúc Hậu cho biết, chính quyền địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an đã dựng nhiều lán tạm để sơ tán 12 dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nn-mt-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-161638_198

Chính quyền địa phương cùng các lực lượng dựng lán giúp dân tránh bão.

Trong sáng 21/7, khu lán tạm đã cơ bản được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tránh trú tạm thời của toàn bộ người dân bản Cha Khót khi tình huống sạt lở xảy ra. Xã cũng đã chủ động các điều kiện cần thiết để phục vụ người dân trong thời gian tránh trú, như lương thực, thực phẩm, điện sáng, nước uống...

Ngoài bản Cha Khót, theo rà soát, đánh giá, trên địa bàn xã Na Mèo có còn 2 điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến 16 hộ dân với 67 nhân khẩu. Tại 3 bản gồm Son, Sa Ná, Ché Lầu có nguy cơ cao bị cô lập do sạt lở đất.

QUẢNG NINH

Ngư dân đã lên bờ, tất cả tàu thuyền về nơi tránh, trú bão

Ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển được thông báo đều đã lên bờ; tàu thuyền của Quảng Ninh đánh bắt hải sản trên biển cũng đã về nơi trú bão an toàn.

Thông tin từ Sở NN-MT Quảng Ninh, cho biết toàn tỉnh có 7.708 cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó 800 cơ sở NTTS trên biển đều đã được thông tin về bão số 3 để triển các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn. Việc rà soát, di dời người dân ở các khu NTTS lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ) đã được triển khai từ trưa 19/7.

lanh-dao-chinh-phu-va-bo-nn-mt-chi-dao-phong-chong-bao-so-3-160735_622

Tất cả tàu thuyền tại Quảng Ninh đã tránh, trú an toàn.

Đến 9h sáng nay (21/7), toàn tỉnh đã đưa 7.518 người lên bờ an toàn, ngư dân nuôi trồng thủy hải sản trên biển cũng nhận được thông báo sớm, về bờ trong sáng hôm nay.

Qua theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình (VMS) hiện tại không còn tàu cá đang hoạt động tại các vùng biển. 100% tàu cá đã về đến bến cảng, khu neo đậu tránh trú bão trong tỉnh và các bến Cát Bà, Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2.078 nhà có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở… và không đảm bảo an toàn khi bão mạnh ảnh hưởng. UBND các địa phương đã thông tin và lập phương án di dời khi có nguy cơ và thông báo đến các hộ dân để chủ động thực hiện. Điển hình như trong ngày 20/7, phường Hồng Gai tiến hành di dời 25 hộ tại Chung cư 5 tầng Bạch Long; 35 hộ tại chung cư lô A, C tập thể bệnh viện... Đây đều là các chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D. Phường Hà Lầm dự kiến hoàn thành việc di dời toàn bộ 52 hộ dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm trước 14h ngày 21/7...

Trước đó, trong ngày 20/7, các địa phương cũng đã tổ chức đưa khoảng 14.000 khách du lịch các tuyến đảo về bờ an toàn. Đến 17h ngày 20/7 chỉ còn 47 khách du lịch có nhu cầu ở lại đang lưu trú trên các đảo thuộc Đặc khu Cô Tô và Đặc khu Vân Đồn. Địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và an toàn của khách.

Để thực hiện tốt các phương án phòng, chống bão, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được diễn biến trước, trong và sau cơn bão, chủ động các biện pháp phòng chống và trú tránh bão an toàn, hiệu quả.

ĐẶC KHU CÔ TÔ - QUẢNG NINH

PV Tiến Thành đưa tin từ Đặc khu Cô Tô, tính đến sáng 21/7, đã có gần 40 người dân ở các tàu thuyền, bè mảng đang tránh trú bão tại thôn 2 Thanh Lân được đưa lên các nhà nghỉ, homestay, nhà dân, trạm y tế của đảo để tránh trú… Biên phòng, Công an, cán bộ thôn đang khẩn trương sơ tán người dân, đặc biệt ưu tiên đưa các em nhỏ, người già và phụ nữ từ các tàu thuyền lồng bè lên bờ an toàn.

Ông Nguyễn Duy Phong - Phó Chủ tịch HĐND Đặc khu Cô Tô - cho biết: “Chúng tôi đã bố trí lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ hỗ trợ bà con rời bè lên bờ. Đồng thời đến tận các phương tiện tuyên truyền để người dân không chủ quan, chấp hành nghiêm lệnh sơ tán. Các gia đình được di dời từ tàu, thuyền lên bờ là những gia đình ở địa phương khác: Quảng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình trú bão tại đảo.

Các hộ dân được bố trí ăn nghỉ miễn phí tại các nhà dân và các homestay trong thời gian bão đổ bộ. Chị Lê Thị Trang - chủ homestay Thanh Lân, chia sẻ: “Khi nghe tin bão sẽ vào vùng biển Đặc khu Cô Tô, homestay gia đình tôi có 10 phòng, tôi đã thông báo cho cán bộ thôn để đăng ký hỗ trợ người dân dưới bè lên tránh trú bão đảm bảo an toàn. Tại homestay, chúng tôi cũng bố trí phòng và nấu ăn miễn phí, động viên các gia đình yên tâm trú bão”.

Xem thêm
Khách hàng Thanh Hóa đổ xô 'săn' ưu đãi chưa từng có để lên đời xe điện VinFast

Những ngày cuối tuần 18-20/7, Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa) sôi động hơn bao giờ hết với hàng nghìn người dân đổ về sự kiện 'Vi vu muôn ngả - Phủ xanh Việt Nam' do VinFast tổ chức.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Sơn La ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quyết định quy định mức giá cụ thể, tối đa đối với một số công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

Bình luận mới nhất