Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ sáng sớm đến trưa ngày 21/7, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa phổ biến 10-15 mm.
Tại đặc khu Cát Hải, vào hồi 9 giờ ngày 21/7 trời mưa, gió nhẹ cấp 3-4. Toàn bộ phương tiện tàu, thuyền trên địa bàn đặc khu quản lý đã được sắp xếp neo đậu tại các vị trí tránh trú an toàn. UBND đặc khu Cát Hải đã chỉ đạo lực lượng, huy động phương tiện xe cẩu, xe tải tổ chức cắm 560 cọc tre, gỗ, 1.150 bao cát, 21m3 cát gia cố thân đê đoạn 150m tuyến đê phía Nam, thôn Ngoài đặc khu đã cơ bản đảm bảo phòng, chống bão khi triều cường lên.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại phường Đồ sơn. Ảnh: Phan Tuấn.
Tính đến 9 giờ, ngày 21/7, số lượng khách du lịch trên toàn địa bàn đặc khu Cát Hải còn 272 người, trong đó có 89 khách quốc tế. Cơ quan chức năng đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, dọn dẹp vệ sinh các khu vực trường học, nhà văn hóa các thôn đảm bảo an toàn cho nhân dân sơ tán đến; đã triển khai sơ tán người lao động ở các bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà về các vị trí tránh trú an toàn.
Đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ cũng xuất hiện mưa lớn, gió bắt đầu mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9. Dự báo trong 24 giờ tới, hòn đảo này sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, với sức gió có thể lên tới cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, biển động dữ dội. Vùng biển quanh đảo không còn một phương tiện nào hoạt động; trên đảo, toàn bộ 76 phương tiện với 84 lao động đã được đưa về nơi an toàn, trong đó có 66 tàu thuyền nhỏ phải cẩu lên bờ.

Từ sáng sớm ngày 21/7, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xuất hiện mưa rào và dông rải rác, lượng mưa phổ biến 10-15 mm. Ảnh: Hoàng Phong.
Còn tại phường Đồ Sơn, lực lượng chức năng đã huy động lực lượng triển khai khẩn trương các phương án phòng chống thiên tai tại nhiều địa điểm du lịch và khu di tích văn hóa trên địa bàn.
Cụ thể, tại bãi tắm Khu II, đơn vị đã phát thông báo, hướng dẫn người dân và hộ kinh doanh dịch vụ thu dọn toàn bộ ô, ghế, vật dụng, tài sản ra khỏi khu vực bãi biển, đảm bảo không để sót lại vật cản dễ bị gió cuốn gây nguy hiểm khi bão đổ bộ.
Khu vực đảo Hòn Dấu đã tháo dỡ, hạ thấp hệ thống biển, bảng tuyên truyền, đồng thời, gia cố chắc chắn cửa ra vào các đền thờ, di chuyển hiện vật và đồ đạc có giá trị vào khu vực an toàn.
Khu di tích Tháp Tường Long đã được chằng chống khu nhà tre tiếp khách, cắt tỉa và cố định hệ thống cây xanh xung quanh khu vực di tích nhằm giảm thiểu nguy cơ cây đổ, cành gãy, đảm bảo an toàn cho công trình và khuôn viên.
Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp và Môi trường vào sáng 21/7, ông Nguyễn Quang Diện - Chủ tịch UBND phường Đồ Sơn - cho biết, phường vừa thành lập 5 Tổ công tác phụ trách phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại Khu du lịch Đồ Sơn, các tổ dân phố và khối tàu thuyền, khu vực cảng cá Ngọc Hải.
Các tổ công tác sẽ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động phòng ngừa, chẳng chống nhà cửa, khơi thông hệ thống các cống thoát nước, bảo vệ người và tài sản khi bão đổ bộ. Vận động người dân sợ tán, di chuyển đến các khu vực an toàn; tổ chức kiểm tra, rà soát lại đối với các khu nhà ở, chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở và rà soát số hộ, số dân cần sơ tán để xây dựng phương án xử lý, phương án di dân phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm địa bàn phụ trách.
Bên cạnh đó, các Tổ công tác này còn có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân, an toàn các công trình trong quá trình phòng chống bão số 3; tổ chức thực hiện đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do bão gây ra; tổng dọn vệ sinh môi trường; hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau bão.