| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An lo ngại bão Wipha đe dọa các công trình thủy lợi trọng điểm

Thứ Hai 21/07/2025 , 22:47 (GMT+7)

Nằm trong kế hoạch ứng phó bão Wipha, chiều 21/7, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đi kiểm tra các công trình thủy lợi ách yếu.

Nghệ An chủ động kiểm tra các công trình thủy lợi ách yếu trước nguy cơ bão Wipha có thể đổ bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An chủ động kiểm tra các công trình thủy lợi ách yếu trước nguy cơ bão Wipha có thể đổ bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Không loại trừ phương án bão Wipha (cơn bão số 3) có thể đổ bộ vào đất liền, tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Chiều 21/7, ông Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá diễn biến thực tế tại một số công trình thủy lợi trọng điểm.

Đầu tiên là hồ chứa nước sông Sào, thuộc địa phận xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (cũ), công trình được đầu tư, xây dựng từ năm 1999. Sông Sào cung cấp nước tưới cho gần 3.325 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, dân sinh, đồng thời “kiêm” cả chức năng phòng lũ cho vùng hạ du.

Tại thời điểm kiểm tra, mực nước trên hồ đang ở ngưỡng cho phép, dù vậy không vì thế mà chủ quan, lơ là bởi đường đi của bão số 3 rất khó lường. Nhằm chủ động ứng phó hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đệ yêu cầu đơn vị quản lý công trình phải theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng nước đổ về hồ, từ đó có kế hoạch xả lũ kịp thời (nếu cần) nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ chứa cũng như tính mạng, tài sản cho người dân dưới hạ du.

Các công trình thủy lợi trọng điểm như Khe Lại, Vực Mấu, Đồi Tương... giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều tiết nước và giảm lũ cho vùng hạ du. Ảnh: Việt Khánh.

Các công trình thủy lợi trọng điểm như Khe Lại, Vực Mấu, Đồi Tương... giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều tiết nước và giảm lũ cho vùng hạ du. Ảnh: Việt Khánh.

Kế đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn tiếp tục kiểm tra tại hồ Khe Lại, công trình phục vụ cấp nước tưới cho khoảng 1.500 ha đất canh tác (gần 1.345 ha cây trồng công nghiệp và 180 ha lúa), tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người, bổ sung nguồn nước cho hồ Vực Mấu (13,4 triệu m3/năm) và tham gia cắt, giảm lũ cho sông Hoàng Mai.

Ông Đệ nhấn mạnh, hồ Khe Lại và Đồi Tương mới được đầu tư, nâng cấp, nhất thiết các bên liên quan phải cử lực lượng chuyên môn theo dõi sát sao các yếu tố kỹ thuật, trường hợp phát hiện sự cố phải báo cáo ngay để kịp thời xử lý.

Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận thực tế tại hồ Vực Mấu, công trình thủy lợi “đa mục tiêu”, cùng lúc đảm bảo nước tưới cho gần 2.945 ha đất nông nghiệp, 400 ha nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho hơn 17.000 hộ dân thuộc địa bàn nhiều xã của huyện Quỳnh Lưu (cũ) và thị xã Hoàng Mai (cũ); cấp nguồn cho Nhà máy nước Hoàng Mai; phòng, giảm lũ cho khu vực hạ lưu cho 19 phường, xã của thị xã Hoàng Mai (cũ) và huyện Quỳnh Lưu (cũ).

Đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập là nhiệm vụ cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh.

Đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập là nhiệm vụ cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh.

Qua nắm bắt thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Bắc Nghệ An cử cán bộ trực 24/24h, nếu phát hiện diễn biến bất thường phải báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý nhanh. Ngoài ra, đơn vị này phải chủ động phương án xả tràn theo quy trình vận hành điều tiết nước, trước đó cần thông báo rộng rãi để người dân chủ động di dời.

Về tổng quan chung, để giảm thiểu tối đa thiệt hại (trường hợp bão số 3 áp sát vào bờ), ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu ngành nông nghiệp và môi trường, các địa phương cùng các đơn vị liên quan tập trung cao độ cho công tác phòng chống theo phương án “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, từ ngày 21/7- 23/7 tỉnh Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 350mm, thậm chí các xã phía bắc tỉnh có nơi trên 500mm, điều này dẫn đến nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng trung du và miền núi, ngập lụt tại các vùng thấp trũng và đô thị.

Xem thêm

Bình luận mới nhất