| Hotline: 0983.970.780

Trước giờ bão số 3 đổ bộ, Ninh Bình chốt chặt mọi điểm xung yếu

Thứ Hai 21/07/2025 , 20:44 (GMT+7)

Triển khai lực lượng 24/7, kiểm tra trọng điểm xung yếu, di dời dân khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn đê điều… Ninh Bình bước vào cao điểm chống bão số 3.

Ứng trực 24/7

Theo ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, ngay từ khi có thông tin về bão số 3 (tên quốc tế là Wipha), Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động xây dựng các phương án phòng, chống phù hợp.

Các đơn vị đã khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc, vật tư, thiết bị cần thiết; đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn như chằng, chống cửa phòng làm việc, kho tàng, máy móc thiết bị… Tất cả các lực lượng được bố trí trực ban 24/24 kể từ thời điểm bão đổ bộ, sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.

Ngành cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án hộ đê, đặc biệt tại các trọng điểm xung yếu như tuyến đê biển, các vị trí từng xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để. Những điểm có nguy cơ mất an toàn đang được khẩn trương gia cố, hoàn thành trước khi bão đổ bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy thông tin về công tác ứng phó với bão số 3 tới Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng chiều 21/7. Ảnh: Bá Thắng.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy thông tin về công tác ứng phó với bão số 3 tới Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng chiều 21/7. Ảnh: Bá Thắng.

“Ngoài ra, các công trình đang thi công dở dang, hồ chứa nhỏ đã đầy nước cũng được đưa vào diện giám sát chặt chẽ. Các đơn vị thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và hạ du khi xảy ra mưa lớn”, ông Bùi Xuân Diệu thông tin.

Sở cũng đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành sửa chữa, khắc phục hư hỏng tại các công trình đê điều; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để triển khai phương án hộ đê, chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Đối với công tác sản xuất vụ mùa, Sở đã hướng dẫn các địa phương chủ động tiêu rút nước đệm, đặc biệt ở vùng gieo sạ, đồng thời khuyến khích bà con gieo mạ nền nếu chưa thể xuống giống. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa và rau màu vẫn an toàn, chưa ghi nhận ngập sâu hay thiệt hại”, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay.

Tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 35.200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó hơn 26.100 ha nước ngọt và hơn 9.100 ha mặn lợ. Theo đó, lực lượng chức năng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thông báo diễn biến bão và kêu gọi người dân vùng đầm bãi, nuôi trồng ngoài đê, lồng bè di chuyển vào nơi trú tránh an toàn.

Tính đến 10h ngày 21/7, toàn tỉnh có hơn 1.800 tàu cá với hơn 5.700 lao động, gần 800 lều chòi, 45 cơ sở nuôi lồng bè với gần 900 lồng đã được rà soát, kiểm đếm và khuyến cáo dừng hoạt động. UBND tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 7h ngày 21/7, nghiêm cấm tàu cá ra khơi.

Không để bị động bất ngờ

Trao đổi về công tác ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, tỉnh đã thành lập 8 đoàn kiểm tra xuống các địa phương, tập trung vào các trọng điểm xung yếu, đặc biệt là hệ thống đê điều và phương án “4 tại chỗ”.

UBND tỉnh đã chỉ đạo cho học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ngành Y tế được giao nhiệm vụ chủ động huy động nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống xảy ra trước, trong và sau bão.

Ông Bùi Xuân Diệu kiểm tra kho vật tư tại xã Hải Thịnh. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Bùi Xuân Diệu kiểm tra kho vật tư tại xã Hải Thịnh. Ảnh: Bá Thắng.

“Đối với hệ thống đê biển, tuyến phòng thủ quan trọng, tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thi công bảo đảm an toàn cho kho vật tư, phương tiện sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức tốt công tác chuẩn bị hậu cần, đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm ‘4 tại chỗ’”, ông Phạm Quang Ngọc chia sẻ.

Với hơn 1.200 km đê, 46 hồ chứa tổng dung tích gần 49 triệu m3, gần 900 cống, hơn 1.600 trạm bơm và gần 3.000 máy bơm, tỉnh Ninh Bình đã rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo vận hành linh hoạt hệ thống công trình để tiêu úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ khu đô thị, công nghiệp trong mưa lớn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, UBND các xã, phường, các sở, ban ngành cũng đã chủ động bố trí lực lượng, vật tư, trang thiết bị phòng, chống thiên tai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng phương án cụ thể, sẵn sàng huy động lực lượng khi có yêu cầu.

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra hệ thống cầu, cảng, công trình thi công trên đê biển, các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trao đổi với Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng trong chuyến công tác chiều 21/7, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến bão số 3, chủ động lên phương án di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Trọng tâm là bảo vệ các đối tượng yếu thế như hộ nghèo, người neo đơn, người sống trong nhà không kiên cố.

Đối với hệ thống đê biển, tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thi công bảo đảm an toàn cho kho vật tư, phương tiện sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với hệ thống đê biển, tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thi công bảo đảm an toàn cho kho vật tư, phương tiện sẵn sàng phục vụ khi có tình huống xảy ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Huy nhấn mạnh, tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, thuốc men, đèn pin, máy phát điện dự phòng tại các khu sơ tán.

“Nếu để xảy ra mất điện là sẽ mất thông tin chỉ huy, liên lạc. Chính vì thế, tỉnh Ninh Bình sẽ không thể để tình huống này xảy ra”, Bí thư Trương Quốc Huy nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án điều phối thông tin xuyên suốt trong mọi kịch bản.

Cùng với đó, lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Bình cũng cho biết, tỉnh đã yêu cầu rà soát lại các trường học, trạm y tế, công trình công cộng đủ điều kiện để sử dụng làm nơi trú tránh an toàn cho người dân khi phải sơ tán.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục chăm sóc, bảo vệ lượng mạ dự phòng đến hết ngày 5/8, đảm bảo đủ giống cho gieo cấy sau bão nếu xảy ra úng ngập.

“Tại các vùng trũng thấp, hệ thống kênh mương phải được chủ động điều tiết nước, huy động toàn bộ lực lượng và thiết bị máy móc chống úng cho lúa, rau màu, không để xảy ra thiệt hại diện rộng”, ông Trương Quốc Huy nhấn mạnh.

Ngày 21/7, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Trương Quốc Huy đã ký ban hành Công văn số 56-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3.

Theo đó, xác định công tác ứng phó với bão số 3 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3 và mưa lũ với tinh thần khẩn trương, chủ động, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Thành lập Sở chỉ huy Trung tâm và các Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống bão trên địa bàn tỉnh do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo sở, ngành liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn.

Xem thêm

Bình luận mới nhất