| Hotline: 0983.970.780

Hiểu đúng về 'lũ 5.000 năm': Không phải 5.000 năm mới có một trận

Thứ Tư 23/07/2025 , 14:16 (GMT+7)

'Lũ 5.000 năm' không có nghĩa là 5.000 năm mới xảy ra một lần, mà là xác suất xảy ra chỉ 0,02% mỗi năm và có thể vẫn tái diễn năm sau.

Theo thông báo khẩn số 604/TB-UBND ngày 22/7 của tỉnh Nghệ An thông tin về lưu lượng nước về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m³/s, gần chạm mức đỉnh lũ kiểm tra 10.500 m³/s, tương đương “lũ tần suất 5.000 năm” (xác suất ~ 0,02%) đã tạo ra thắc mắc trong dư luận liệu có phải 5.000 năm mới có một trận lũ tương tự?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để làm rõ vấn đề này.

Tiến sĩ Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Khương Trung.

Tiến sĩ Lương Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Khương Trung.

Thưa ông, gần đây nhiều người thắc mắc về cụm từ “lũ 5.000 năm mới có một lần”. Điều này có nghĩa là sau 5.000 năm lại xảy ra trận lũ tương tự?

Về thông báo khẩn số 604 của Nghệ An là giá trị xảy ra vào tầm đêm ngày 22/7, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện đạt 9.543 m³/s và sau đó vào 2h sáng ngày 23/7/2025 lưu lượng đỉnh lũ đạt 12.800 m³/s vượt 2.300m3/s so với đỉnh lũ kiểm tra với tần suất p=0,02 (ứng với chu kỳ lặp lại 5000 năm) là 10.500 m³/s.

Nói như vậy để thấy rằng mức độ bất thường, đã xảy ra lũ cực hiếm trên thượng nguồn sông Cả, tiềm ẩn nguy hiểm đến công trình hồ chứa và dân cư, cơ sở hạ tầng.

Thông tin “lũ 5.000 năm mới xảy ra một lần” phải hiểu đúng là trận lũ có độ lớn (quy mô) ứng với trận lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm, không phải 5000 năm mới xảy ra 1 lần, và đây chỉ nói đến khả năng xảy ra chứ không gắn với thời gian. Vì lũ xảy ra mang tính ngẫu nhiên cao nên, vì thế hoàn toàn có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào. Với lũ có chu kỳ lặp 5.000 năm ứng với xác suất 0,02% có nghĩa khả năng xẩy ra được lũ lớn hơn hoặc bằng con lũ này (cụ thể hồ Bản Vẻ là 10.500 m3/s) là rất hiếm.

Nói cụ thể hơn, nếu một trận lũ có chu kỳ lặp lại là 5.000 năm, điều đó có nghĩa là xác suất để nó xảy ra là 1/5.000, hay 0,02%. Đây là một giá trị xác suất (hay khả năng xảy ra), chứ không phải gắn liền về mặt thời gian xảy ra.

Như vậy, khái niệm “tần suất lũ” nên được hiểu như thế nào cho đúng?

Trong thủy văn, tần suất lũ (ký hiệu là P) được hiểu xác suất vượt. Có nghĩa là xác xuất để xảy ra trận lũ có lưu lượng đỉnh lũ lớn hơn hoặc bằng lưu lượng ứng với xác suất này. Chúng ta thường dùng cùng khái niệm chu kỳ lũ T (hay “chu kỳ lặp lại”) để chỉ số năm trung bình có thể xẩy ra giữa hai trận lũ có cùng độ lớn. Mối quan hệ giữa tần suất và chu kỳ là:

P = 1/T

Ví dụ:

Nếu T = 50 năm → P = 1/50 = 2%

Nếu T = 5.000 năm → P = 1/5.000 = 0,02%

Vì đây là xác suất thống kê, không phải chu kỳ cứng. Một trận lũ có xác suất 0,02% không có nghĩa là phải đợi đúng 5.000 năm mới lặp lại. Trên lý thuyết, năm sau nó vẫn có thể xảy ra, nhưng xác suất là thấp.

Chúng ta nên hiểu rằng, nói “lũ 5.000 năm” là cách các nhà chuyên môn nội suy theo thống kê dựa trên chuỗi số liệu mưa và lũ quan trắc được trong nhiều năm. Nó giống như cách nói “lũ lịch sử”, nhưng ở đây là có tính toán rõ xác suất.

Vậy trong trường hợp tháng 8, nếu lại có một đợt mưa tương tự như tháng 7, thì liệu có thông báo là “lũ 5.000 năm” nữa không?

Nếu số liệu thực đo về lượng mưa và lưu lượng lũ vẫn nằm trong ngưỡng thống kê tương tự như trận trước, thì vẫn có thể tiếp tục được đánh giá là tần suất 0,02% tương ứng với chu kỳ lặp lại 5.000 năm”. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì nó chỉ phản ánh xác suất thống kê.

Vì thế, người dân và truyền thông không nên hiểu nhầm rằng “đã có một trận rồi thì 5.000 năm nữa mới có trận tiếp theo” hoặc "lịch sử Việt Nam mới có 4.000 năm thì làm sao biết được lũ 5.000 năm". Điều cần lưu ý là đối với lũ tần suất càng nhỏ, thì mức độ hiếm gặp và cực đoan của hiện tượng càng lớn, nhưng không có nghĩa là không xảy ra tiếp.

Thông báo khẩn số 604/TB-UBND ngày 22/7 của tỉnh Nghệ An.

Thông báo khẩn số 604/TB-UBND ngày 22/7 của tỉnh Nghệ An.

Theo ông, điều quan trọng nhất khi phổ biến thông tin này đến công chúng là gì?

Điều quan trọng là cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn phải nói rõ rằng đây là tần suất lũ (hay là khả năng xảy ra lũ), chứ không phản ánh thời gian cụ thể, cố định có lũ xảy ra.

 Việc đánh giá “lũ 100 năm”, “lũ 5.000 năm” là tính toán độ lớn đặc trưng mưa, mực nước, lưu lượng trong thiết kế đê điều, hồ chứa, quy hoạch phòng chống thiên tai, chứ không phải để dự báo thời điểm cụ thể xảy ra lũ.

Hiểu sai về điều này có thể dẫn tới tâm lý chủ quan hoặc hoang mang không đáng có. Vì thế, tôi rất mong các cơ quan thông tin đại chúng khi truyền đạt phải kèm theo phần giải thích xác suất rõ ràng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, nhìn nhận lại năm 2024 khi xảy ra bão Yagi, đã xảy lũ cực đoan trên một số hệ thống sông, cụ thể là mực nước Hà Nội đạt 11,3m có nguy cơ ngập cầu Long Biên, với góc độ là cơ quan chuyên môn sâu, Viện KH KTTV&BĐKH đã có nghiên cứu, nhận định gì để trong thời gian tới nếu xảy ra cực đoan thì có giải pháp tham mưu gì, thưa ông?

Viện đang triển khai đề tài nghiên cứu cấp quốc gia: “Nghiên cứu khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ, xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng và đề xuất giải pháp ứng phó” với 3 mục tiêu chính:

Đó là đánh giá khả năng chống chịu của hệ thống phòng lũ hiện tại, theo đó, hệ thống sông Hồng có thể ứng phó với trận lũ chu kỳ 500 năm (1 tỷ m³ nước), từ đó định hướng nâng cao hiệu quả sử dụng nước mà không làm thay đổi cấu trúc phòng lũ.

Xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi, ứng dụng mô hình học máy và học sâu để nhận dạng lũ theo các giai đoạn (lũ sớm, chính vụ, muộn) tại các điểm kiểm soát chính – hỗ trợ hiệu quả cho công tác dự báo.

Thứ ba là đề xuất giải pháp ứng phó với lũ lớn, trong đó đề xuất điều chỉnh quy trình vận hành hồ Sơn La, Tuyên Quang trong thời gian lũ chính vụ (20/7 – 21/8) và xây dựng phương án phối hợp vận hành các hồ khi xảy ra tổ hợp lũ ở thượng và hạ du.

Kết quả nghiên cứu này góp phần quan trọng vào công tác phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai trên lưu vực sông Hồng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Ban Bí thư chỉ đạo ứng phó bão số 3, hạn chế thiệt hại tối đa

Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, ứng phó với bão số 3 (bão Wipha), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Bình luận mới nhất