
Cánh đồng lúa sinh thái ở Đỗ Động. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Tiền đề cho du lịch nông nghiệp
Sau sáp nhập huyện Thanh Oai cũ chỉ còn 4 xã gồm Thanh Oai, Bình Minh, Tam Hưng và Dân Hòa nhưng “vành đai xanh” về nông nghiệp của TP Hà Nội vẫn phát triển đúng với định hướng trước đây. Theo đó, các địa phương này được quy hoạch thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay hướng hữu cơ gồm vùng sản xuất lúa diện tích 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha... Những cánh đồng ven sông được tổ chức thành những làng sinh thái, công viên nghỉ dưỡng kết hợp với canh tác nông nghiệp. Ở đó ngoài ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tạo ra những nông sản, thực phẩm an toàn người dân còn có thể phát triển các mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm, nghỉ dưỡng phục vụ cho nhu cầu của khách nội thành.
Tất cả những cái đó đều dựa trên nền tảng của sản xuất xanh, tuần hoàn, đa giá trị mà điều kiện tiên quyết là phải giảm thiểu được lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng. Thực tế, nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội có diện tích trồng lúa lớn, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình trên đơn vị canh tác rất ít nhưng Thanh Oai là ít hơn cả, chỉ trên dưới 0,2kg/ha/năm. Để có được kết quả ấy là một chặng đường dài trong đó nhờ một phần đóng góp công sức âm thầm của đội ngũ cán bộ BVTV, khuyến nông thành phố và cơ sở.

Cánh đồng lúa sinh thái ở Đỗ Động. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Anh Nguyễn Văn Khiêm nguyên là cán bộ Trạm khuyến nông huyện Thanh Oai, rồi Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Oai, nay chuyển thành Trạm Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Oai cho biết: Khuyến nông thành phố Hà Nội có đội ngũ “chân rết” là khuyến nông viên dưới xã, bao quát tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bởi phụ cấp khá thấp nên đa số khuyến nông viên đều là cán bộ kiêm nhiệm nhiều vị trí việc làm, chức danh, mà chủ yếu là cán bộ HTX. Nhờ đó mà đội ngũ này ngày ngày trực tiếp tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất và chỉ đạo sản xuất.
Còn đội ngũ cán bộ khuyến nông của Trạm Khuyến nông huyện trước đây mà Trạm Dịch vụ Nông nghiệp sau này thì thực hiện những mô hình như trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng; các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong đó thay thế hay rút bớt phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV hóa học bằng thuốc BVTV sinh học.
HTX Bình Minh Nông nghiệp Bình Minh có gần 400ha lúa được sản xuất theo hướng an toàn gồm các giống chủ lực chất lượng như Bắc Thơm 7 và TBR 225. Với sản lượng lúa cả năm đạt hơn 3.700 tấn, đa số đều được các doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng đã ký ngay từ đầu vụ đã mang lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng cho HTX và các thành viên. Không chỉ thế, HTX còn có nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận.
HTX Nông nghiệp Tam Hưng có hơn 700ha lúa trong đó 80% được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt từ việc lựa chọn giống lúa chất lượng, phân bón, thuốc BVTV theo hướng hữu cơ, sinh học. Nhờ vậy sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng của Tam Hưng luôn có giá trị cao, ngoài đối tượng khách hàng là các cửa hàng, siêu thị, HTX còn trực tiếp bán, đưa hàng tới cho các bếp ăn tập thể, trường mầm non trên địa bàn huyện và các quận nội thành, tạo thu nhập cho hàng ngàn thành viên.
Vai trò của SRI
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền-Trạm Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Oai, TP Hà Nội khẳng định để tạo ra được ý thức tự giác của người dân là sự tích lũy của cả quá trình từ thời còn tỉnh Hà Tây cũ với những chương trình như IPM, SRI, ba giảm ba tăng đến khi sáp nhập vào Hà Nội. Ngoài tập huấn về kỹ thuật, cán bộ còn triển khai các mô hình ứng dụng sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để nông dân có thể mắt thấy, tay sờ chứ không chỉ là trên sách vở. Một cơ cấu giống gồm những giống chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được khuyến cáo cho nông dân như J02, TBR 225 kháng bạc lá, Bắc thơm 7 kháng bạc lá, Thiên ưu…

Trồng ổi VietGAP ở Kim An. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Trong quá trình sản xuất bên dưới cơ sở đã có nhân viên kỹ thuật trồng trọt BVTV của Trạm Dịch vụ Nông nghiệp được cử phụ trách xã tham mưu xây dựng cơ cấu đầu vụ, chăm sóc các loại cây trồng, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn cách thức sử dụng các loại phân, thuốc BVTV an toàn…100% diện tích lúa của Thanh Oai áp dụng SRI từng phần như mạ non, cấy thưa, điều tiết nước để giúp cho cây sinh trưởng khỏe, chống chịu được sâu bệnh, đỡ phải dùng đến thuốc BVTV hóa học.
Như mô hình trồng 20 ha lúa Dự Hương 8 ở Đỗ Động vụ vừa qua, lúc đầu người dân tỏ ra không mấy mặn mà bởi quen cấy Bắc Thơm 7 tuy nhiên sau quá trình thuyết phục đã chấp nhận tham gia. Kết quả là năng suất của lúa Dự Hương 8 đã đạt 60-62 tạ/ha trong khi Bắc Thơm 7 chỉ đạt 55-56 tạ/ha và quan trọng hơn ngoài phần giữ lại để ăn, còn đâu được doanh nghiệp bao tiêu hết.
Bà con cứ thu hoạch thóc lên bờ đã cân luôn, vụ xuân sản lượng khoảng 400 tấn, vụ mùa sản lượng khoảng 200 tấn tươi. Các cánh đồng của Đỗ Động đã hơn 10 năm gần như bà không phải dùng đến thuốc BVTV. Bí quyết là áp dụng quy trình SRI cấy thưa, mạ non, vụ mùa lên luống cao cho khỏi mưa ngập, vụ xuân che phủ nylon cho khỏi rét, chăm bón theo kiểu “nặng đầu nhẹ cuối”. Bởi thế mà thiên địch cũng như tôm cá xuất hiện mỗi lúc một nhiều.
Theo thống kê của Hà Nội, khi áp dụng SRI trên lúa giúp lượng giống giảm 77%, lượng đạm giảm 33%, sâu bệnh nhiễm rất nhẹ, giảm từ 1,5-20 lần, không phải sử dụng thuốc BVTV, giảm 3-4 lần tưới/vụ, năng suất tăng 12%, chi phí giảm 10%, hiệu quả kinh tế tăng lên 49%. Bên cạnh đó, theo định hướng của Chính phủ, thành phố cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Việc áp dụng mô hình SRI không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất lúa mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, đa dạng sinh thái. Hiện SRI đã được áp dụng trên khoảng 70% diện tích lúa của thành phố và Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ này lên 80%.
Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội